Năm điều rút ra từ Hội nghị Thượng đỉnh G20

08:09, 12/09/2016
Sự kiện ngoại giao nổi bật và được theo dõi sát sao nhất năm 2016 - Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) - đã chứng kiến sự tham dự của lãnh đạo nhóm các quốc gia chiếm 85% nền kinh tế toàn cầu tụ họp ở Thành phố Hàng Châu, Trung Quốc.
 
Vậy Hội nghị G20 do Trung Quốc lần đầu tiên đăng cai đã được đánh giá ra sao? Mặc dù giới chuyên gia đã dự đoán chính xác rằng có ít triển vọng về những đột phá kinh tế, song hội nghị cũng đã để lại một số khoảnh khắc đáng chú ý và cả những thất bại.
 
Toàn cầu hóa
 
Đối mặt với sự giận dữ của những người theo chủ nghĩa dân túy ở trong nước, các nhà lãnh đạo tại Hội nghị G20 đã nỗ lực xử lý tình huống căng thẳng này bằng cách thừa nhận làn sóng tức giận phản đối quá trình toàn cầu hóa trong khi khẳng định rằng tự do thương mại là “liều thuốc” cho các nền kinh tế trì trệ. Trong thông cáo chung, các nhà lãnh đạo cam kết sẽ “xóa bỏ chủ nghĩa bảo hộ” và “thúc đẩy thương mại toàn cầu”.
 
Các nhà lãnh đạo cũng cam kết sẽ bảo đảm rằng tăng trưởng “phục vụ nhu cầu của mọi người và đem lại lợi ích cho mọi quốc gia và người dân”. Họ cho rằng tăng trưởng nên “tạo ra nhiều việc làm chất lượng hơn, giải quyết vấn đề bất bình đẳng và xóa đói giảm nghèo, nhờ vậy mà sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau”. 
 
Vấn đề Xi-ri
 
Trước thềm hội nghị, giới ngoại giao kỳ vọng rằng Mỹ và Nga có thể đạt được một thỏa thuận nhằm giải quyết cuộc chiến tại Xi-ri, song các cuộc hội đàm đã thất bại hôm 5-9 bất chấp nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri và Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp. Phía Mỹ cáo buộc Nga vi phạm các thỏa thuận đã đạt được mà giờ đây Oa-sinh-tơn không muốn đề cập lại, song các cuộc hội đàm dường như bị ảnh hưởng bởi những diễn biến trên thực địa, sau khi quân đội Chính phủ vây hãm nhiều vùng quân nổi dậy chiếm giữ ở A-lép-pô.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc diễn văn bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20 ngày 5-9 tại Thành phố Hàng Châu.  Ảnh: Internet
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc diễn văn bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20 ngày 5-9 tại Thành phố Hàng Châu. Ảnh: Internet
Tranh chấp trên biển
 
Mặc dù Trung Quốc muốn tỏ ra hòa hữu ở Hàng Châu, song căng thẳng trong vấn đề Biển Đông đã gia tăng đáng kể, khiến “gã khổng lồ châu Á” bất đồng với nhiều nước láng giềng xoay quanh các yêu sách của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ vùng biển chiến lược và giàu tài nguyên này. Bắc Kinh muốn né tránh chủ đề gây tranh cãi, song ông Ô-ba-ma đã tận dụng cơ hội này để lên án Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế. 
 
Nhật Bản từ lâu cũng có những tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, song giọng điệu của ông Tập Cận Bình trước Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê đã có phần nồng ấm hơn trước đây. Tại cuộc gặp đầu tiên sau hơn một năm, ông Tập Cận Bình cho rằng hai cường quốc nên “gạt bỏ sang bên sự đổ vỡ” trong quan hệ hai nước. 
 
Vấn đề Brexit
 
Tân Thủ tướng Anh Thê-rê-sa Mây đã có chuyến thăm đầu tiên đến Trung Quốc với hy vọng định hình cách tiếp cận các thị trường thế giới của Luân Đôn thời hậu Liên minh châu Âu (EU), tuy nhiên bà lại nhận được một lời cảnh báo từ phía Nhật Bản về những tác động của việc Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit) trong khi Mỹ cho rằng Luân Đôn không phải là ưu tiên hàng đầu của họ.
 
Sau khi cuộc trưng cầu dân ý về việc rời EU, Anh phải tái đàm phán về kế hoạch tiếp cận các thị trường thế giới - một nhiệm vụ vô cùng to lớn đối với nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Giăng Clau-dơ Giăng-cơ cho biết ông không thích ý tưởng Anh tổ chức các cuộc đàm phán thương mại khi vẫn còn là một thành viên của EU. 
 
Ngoại giao Mỹ - Trung
 
Lễ đón tiếp nguyên thủ quốc gia của Hội nghị G20 đã gặp một sự cố khi ông Ô-ba-ma phải xuống chuyên cơ Air Force One từ cửa nhỏ bằng thang của máy bay, một sự tương phản với các nhà lãnh đạo khác xuống máy bay bằng xe thang trên thảm đỏ. Đã có những suy đoán cho rằng đó là một sự sỉ nhục có chủ ý của Trung Quốc, song các nguồn tin Mỹ chia sẻ với hãng tin AFP rằng sự vụ vừa qua là do phía Oa-sinh-tơn từ chối sử dụng thang của Trung Quốc để sử dụng thang của máy bay. Bản thân ông Ô-ba-ma không coi vụ việc này là một vấn đề căng thẳng, song theo tờ “Thời báo Hoàn cầu”, sự thổi phồng sự cố vừa qua là do truyền thông phương Tây “vốn thường nhặng xị lên với các vấn đề bình thường”./.
 
Theo Báo Tin Tức


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com