Trong bối cảnh căng thẳng về vấn đề phân biệt chủng tộc đang gia tăng ở Mỹ do một loạt vụ cảnh sát bắn chết người da màu, ngày 24-9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dự lễ khánh thành bảo tàng về lịch sử người Mỹ gốc Phi tại trung tâm thủ đô Washington.
Phát biểu trước hàng nghìn người tại buổi lễ, vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ nhấn mạnh lịch sử của người Mỹ gốc Phi không tách biệt khỏi kho tàng lịch sử khổng lồ của nước Mỹ, không nằm bên cạnh mà là trung tâm của lịch sử nước Mỹ. Ông Obama nêu rõ: “Một cái nhìn rõ ràng về lịch sử có thể khiến chúng ta không thoải mái, song chính sự không thoải mái đó khiến chúng ta học hỏi và trưởng thành, sử dụng sức mạnh tập thể để khiến dân tộc này hoàn hảo hơn. Đó là lịch sử nước Mỹ mà bảo tàng này kể lại.”
Tổng thống Obama phát biểu tại lễ khánh thành bảo tàng Mỹ - Phi, Washington. Ảnh: Reuters. |
Khánh thành bảo tàng trong bối cảnh căng thẳng trong xã hội Mỹ đang gia tăng do vấn đề phân biệt chủng tộc, Tổng thống Obama nhấn mạnh chỉ một bảo tàng không thể giải quyết vấn đề của một quốc gia đang vật lộn để thoát ra khỏi một di sản đen tối của tình trạng nô lệ và định kiến chủng tộc, song bảo tàng này tạo điều kiện cho các cuộc tranh luận diễn ra trong thời đại này.
Bảo tàng được xây dựng từ tháng 2-2014, rộng 37.000m2, với kiến trúc 3 lớp màu đồng chồng lên nhau, thể hiện niềm tin, hy vọng và sự kiên cường của người Mỹ da màu. Bảo tàng nằm ngay gần Nhà Trắng và Đài tưởng niệm Washington, là nơi lưu giữ 34.000 hiện vật, trong đó một nửa là được hiến tặng.
Khách mời danh dự của buổi lễ khánh thành bảo tàng là một gia đình 4 thế hệ người da màu, trong đó cụ bà Ruth Bonners năm nay đã 99 tuổi, con gái của một nô lệ da màu. Sau bài phát biểu của Tổng thống Mỹ, cụ đã gióng hồi chuông đánh dấu chính thức khánh thành bảo tàng. Buổi lễ còn có sự góp mặt của cựu Tổng thống Mỹ George Bush, người đã phê duyệt xây dựng bảo tàng này năm 2003, và những nhân vật da màu nổi tiếng của Mỹ như Stevie Wonder và Oprah Winfrey.
Làn sóng phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc tại Mỹ đã bùng lên trong tuần qua sau các vụ cảnh sát bắn chết người da màu tại hai bang Carolina Bắc và Oklahoma.
* Liên quan đến vụ người đàn ông da màu Keith Lamont Scott bị bắn chết ở Charlotte, bang Oklahoma, ngày 24-9, cảnh sát Charlotte đã công bố đoạn video cho thấy Scott đã bước ra khỏi xe và đi giật lùi khi viên cảnh sát bắn 4 phát đạn vào người. Tuy nhiên, đoạn video cũng không làm rõ được Scott đã cầm súng trong tay như báo cáo của cảnh sát hay cầm sách như lời khai của các nhân chứng. Vụ bắn chết Scott đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình tại thành phố Charlotte, sau đó biến thành bạo loạn đường phố khiến 1 người thiệt mạng, ít nhất 16 cảnh sát và một số người tham gia biểu tình bị thương. Thị trưởng thành phố đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Theo qdnd.vn