Vụ thử hạt nhân lớn nhất từ trước tới nay của Triều Tiên hồi cuối tuần trước gần biên giới với Trung Quốc đã làm rung chuyển nhà cửa và trường học tại khu vực phía Đông Bắc Trung Quốc.
Nhật báo
“New York Times” (Mỹ) ngày 11-9 dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc và Mỹ cho rằng không có nhiều kỳ vọng Bắc Kinh sẽ có sự điều chỉnh chính sách, gia tăng hợp tác với Oa-sinh-tơn tại LHQ để có các hành động trừng phạt mạnh mẽ hơn với Bình Nhưỡng sau vụ việc này.
Vài giờ sau vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng, bản tin tối của truyền hình Nhà nước Trung Quốc, với hàng trăm triệu khán giả xem mỗi ngày, không hề đề cập tới sự kiện này. Quyết định công khai lờ đi vấn đề này cho thấy một “sự bối rối” mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Dâng-un đã tạo ra đối với giới lãnh đạo Bắc Kinh.
Cho dù Triều Tiên vẫn phụ thuộc 100% vào Trung Quốc về dầu mỏ và lương thực, các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh sẽ không thay đổi chính sách của mình với Bình Nhưỡng hay gia tăng sức ép để kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên như Mỹ đã và đang đề nghị.
|
Một chuyên gia Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc phân tích các dư chấn đo được sau vụ nổ được cho là vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, tại Xơ-un ngày 9-9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Giáo sư Si Di-nhông thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh nhận định rằng Mỹ không thể dựa vào Trung Quốc để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Trung Quốc thà sống chung với một nước láng giềng có vũ khí hạt nhân bên cạnh mình còn hơn là phải đối mặt với sự sụp đổ của Nhà nước này.
Giới lãnh đạo Trung Quốc tự tin rằng Triều Tiên sẽ không bao giờ chĩa vũ khí hạt nhân vào Trung Quốc và rằng Trung Quốc vẫn có đủ khả năng kiểm soát nước láng giềng này thông qua nguồn cung cấp dầu mỏ của mình. Sự sụp đổ của Triều Tiên là một thảm họa chiến lược đối với Trung Quốc, với hàng triệu người tị nạn sẽ đổ sang Trung Quốc, và một Bán đảo Triều Tiên sẽ thống nhất nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ.
Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, quyết định triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ THAAD của chính quyền Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma tại Hàn Quốc cũng khiến cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có ít động lực để hợp tác với Oa-sinh-tơn về một “chiến lược Triều Tiên” nào đó có thể giúp ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển năng lực chế tạo hạt nhân. Hệ thống THAAD đã thực sự “giết chết” triển vọng hợp tác giữa Trung Quốc với Mỹ.
Cũng theo các nhà phân tích Trung Quốc, lo ngại bấy lâu rằng các hành động trừng phạt kinh tế sẽ gây mất ổn định tại Triều Tiên khiến Bắc Kinh sẽ ít có khả năng hợp tác với Mỹ tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ để đưa ra các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn. Hồi tháng 3-2016, sau nhiều sự lưỡng lự, Trung Quốc cuối cùng mới nhất trí với lời kêu gọi của Mỹ về các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, trong đó có lệnh cấm xuất khẩu than đối với Triều Tiên.
Giờ đây, khi các nước phương Tây đang nỗ lực thúc đẩy một vòng trừng phạt mới tại HĐBA, tâm trạng của Bắc Kinh hoàn toàn khác. Một cựu quan chức cao cấp của Trung Quốc nói rằng giới chức Bắc Kinh đang tự hỏi tại sao Trung Quốc lại phải hợp tác với Mỹ và LHQ khi mà Mỹ cố tình triển khai THAAD, đi ngược lại những mong đợi của Bắc Kinh.
Trong khi đó, các lệnh trừng phạt hồi tháng 3-2016 mới chỉ được thực thi một cách rời rạc và không hiệu quả. Lỗ hổng trong các lệnh trừng phạt đó là việc than của Triều Tiên vẫn có thể xuất khẩu vì lý do nhân đạo, và lỗ hổng này được khai thác đáng kể. Theo chuyên gia Stê-phan Hát-ga tại Đại học Ca-li-phoóc-ni-a (Mỹ), kể từ khi lệnh trừng phạt được áp đặt, tổng lượng than xuất khẩu của Triều Tiên chỉ giảm 12% so với trước đó.
Để có thể kiềm chế tham vọng của Triều Tiên, cần phải có một lệnh cấm về dầu mỏ và đây là một lựa chọn ít có khả năng vì Trung Quốc sẽ không chấp nhận do lo ngại Triều Tiên sẽ sụp đổ, hoặc sẽ tìm kiếm nguồn cung từ các nước khác, chẳng hạn như Nga. Về cơ bản, chẳng có lý do thuyết phục nào để Trung Quốc tự dưng nhất trí với một lệnh cấm vận dầu mỏ, gây thêm thù hằn với nước láng giềng Triều Tiên.
Nói tóm lại, theo chuyên gia Dô-en Uýt từ Viện Mỹ - Hàn thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế tiên tiến tại Đại học Giôn Hốp-kin (Mỹ), sự ủng hộ tiếp tục của Trung Quốc đối với Triều Tiên là lý do cơ bản mà Mỹ nên dừng dựa vào Trung Quốc trong tiến trình tìm giải pháp giảm thiểu cái gọi là mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Ông Dô-en Uýt là một trong số những học giả Mỹ nghiên cứu về Triều Tiên cho rằng Mỹ nên thay đổi quan điểm, thực hiện vai trò tiên phong trong việc đàm phán với Triều Tiên./.
Theo TTXVN