Cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên gồm 3 chủ đề: Hướng đi tương lai của nước Mỹ, làm thế nào đạt thịnh vượng và bảo đảm an ninh cho đất nước. Đây cũng chính là những vấn đề thu hút sự quan tâm lớn nhất của cử tri Mỹ trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm nay.

Công kích quyết liệt

Mở đầu, cựu Ngoại trưởng Hi-la-ri Clin-tơn đã công kích các quan điểm chính sách kinh tế của tỷ phú Đ.Trăm. Bà đặt câu hỏi liệu ông Đ.Trăm sẽ đưa nền kinh tế Mỹ đi về đâu khi mà các công ty thuộc quyền sở hữu của ứng cử viên này đã 4 lần tuyên bố phá sản và bản thân ứng cử viên đảng Cộng hòa không nộp thuế liên bang trong nhiều năm; đồng thời bà cũng thách thức đối thủ công khai hồ sơ thuế. Đáp lại, ứng cử viên Đ.Trăm bày tỏ hoài nghi đối với những cam kết của bà H.Clin-tơn và yêu cầu cựu Ngoại trưởng Mỹ công khai hơn 33.000 lá thư điện tử cá nhân. Ứng viên này cho rằng người lao động Mỹ đang bị cướp việc làm, giảm thu nhập bởi những thỏa thuận thương mại yếu kém, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nền kinh tế Mỹ thì đang nợ 20.000 tỷ USD.

Liên quan tới tương lai của nước Mỹ, bà H.Clin-tơn tuyên bố nước Mỹ phải nhanh chóng chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử và bất bình đẳng đối với các sắc tộc thiểu số khi mà số công dân da màu bị các nhân viên thực thi pháp luật bắt giữ hoặc bắn chết cao hơn hẳn so với công dân da trắng; tình trạng quản lý súng đạn thiếu chặt chẽ khiến số vụ xả súng ngày càng tăng. Đáp lại quan điểm trên, ông Đ.Trăm cho rằng nước Mỹ cần phải khôi phục trật tự xã hội và luật pháp. Theo ứng cử viên Cộng hòa, vấn đề người nhập cư trái phép là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này.

 Hai ứng viên bắt tay nhau sau khi kết thúc cuộc tranh luận truyền hình trực tiếp đầu tiên tại Niu Y-oóc. Ảnh: Reuters
Hai ứng viên bắt tay nhau sau khi kết thúc cuộc tranh luận truyền hình trực tiếp đầu tiên tại Niu Y-oóc. Ảnh: Reuters

 Các câu trả lời của cả hai ứng viên đều chung chung và không có một kế hoạch cụ thể nào được đưa ra ngay cả đối với vấn đề tăng và giảm thuế cho giới thượng lưu. Cả hai ứng cử viên cũng tranh thủ công kích đối thủ, ví dụ như vấn đề ông Đ.Trăm không công khai thu nhập và thuế cũng như ông Đ.Trăm nói bà H.Clin-tơn là một chính trị gia điển hình "nói nhiều, làm ít". Sự khác biệt về quan điểm giữa hai ứng cử viên tổng thống hàng đầu tiếp tục được thể hiện trong các câu hỏi lớn còn lại của cuộc tranh luận, như vấn đề an ninh mạng, cuộc chiến chống khủng bố.

Về chính sách đối ngoại, bà H.Clin-tơn đánh giá an ninh mạng là một trong những thách thức lớn nhất cho tổng thống tiếp theo của nước Mỹ. Về phần mình, tỷ phú Đ.Trăm cáo buộc trong 8 năm Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) cầm quyền, nước Mỹ đã đánh mất khả năng kiểm soát đối với internet và khiến lĩnh vực an ninh mạng trở nên dễ bị tổn thương.

Đối với cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Xy-ri và I-rắc, ứng cử viên H.Clin-tơn tuyên bố nếu trở thành chủ nhân Nhà Trắng, bà sẽ tăng cường chiến dịch không kích, ngăn chặn mọi nguồn cung cấp tài chính và chiến binh nước ngoài của IS. Còn ứng cử viên Đ.Trăm thì cho rằng, chính quyền Ô-ba-ma đang thực thi một chính sách yếu đuối trong cuộc chiến này và ông Ô-ba-ma cùng bà H.Clin-tơn phải chịu trách nhiệm về sự hình thành của IS. Ứng cử viên H.Clin-tơn cũng cam kết sẽ tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác an ninh chủ chốt, trong khi ông Đ.Trăm nhắc lại quan điểm rằng Mỹ không thể bảo vệ tất cả các nước và đồng minh của Oa-sinh-tơn sẽ phải gánh vác những trách nhiệm lớn hơn.

Người điều hành cuộc tranh luận L.Hôn (Lester Holt) của đài NBC đã phải rất vất vả. Ông nhiều lần phải can thiệp vì ông Đ.Trăm và bà H.Clin-tơn đi quá xa chủ đề được đưa ra và tiếp tục công kích nhau. Cuộc tranh luận kết thúc sau hơn 90 phút, với việc cả ông Đ.Trăm và bà H.Clin-tơn tuyên bố sẽ chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử sắp tới, dù thắng hay thua. 

Ứng viên Dân chủ chiếm ưu thế

Truyền thông tại Mỹ cho biết, có thể cuộc tranh luận này thu hút lượng khán giả kỷ lục hơn 100 triệu người xem.

Theo đánh giá ban đầu, bà H.Clin-tơn có vẻ giành được lợi thế hơn so với đối thủ của mình là ông Đ.Trăm. Mặc dù các câu trả lời của bà Clin-tơn cũng không cụ thể và chung chung, nhưng ông Đ.Trăm thì cũng không có được câu trả lời rõ ràng liên quan tới một số vấn đề mà cử tri quan tâm tới bản thân ông, như vấn đề thu nhập và thuế, vấn đề nghi vấn nơi sinh của Tổng thống Ô-ba-ma, hay việc ông nói ông kiểm soát tâm lý tốt hơn bà Clin-tơn (điều mà dư luận cho là ngược lại)… Thậm chí, những câu đáp trả của bà H.Clin-tơn cho thấy bà đã có sự chuẩn bị tốt hơn so với ông Đ.Trăm và dường như làm đối thủ của mình lép vế hơn. 

Dựa trên mạng xã hội Mỹ và ý kiến của những người theo dõi trực tiếp, có thể thấy đa số người dân nghiêng về bà H.Clin-tơn. Kết quả thăm dò của CNN/ORC ngay sau tranh luận thì có tới 62% ủng hộ cựu Ngoại trưởng H.Clin-tơn, trong khi đó chỉ có 27% ủng hộ tỷ phú ĐTrăm. Còn theo kết quả thăm dò nhanh trên internet được trang mạng fortute.com thực hiện ngay sau cuộc tranh luận, bà H.Clin-tơn được đánh giá có màn trình diễn ấn tượng hơn với 54% số phiếu bầu, trong khi ông Đ.Trăm nhận được 45% số phiếu.

Theo tổng kết của truyền thông Mỹ thì các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình thông thường chỉ có rất ít tác động đến các cử tri trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Trong bầu cử năm nay, nhiều chuyên gia cho rằng tác động của các cuộc tranh luận có thể sẽ khác, khi đây là những màn đối đầu giữa một nữ cựu ngoại trưởng đầy kinh nghiệm chính trị và một tỷ phú bắt đầu từ con số không. Ngoài ra, tính đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ ủng hộ đối với hai ứng cử viên hàng đầu là khá sít sao tại các bang đang tranh chấp và chính vì thế, các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình được cho là nhân tố tác động quan trọng đến các cử tri còn đang lưỡng lự chưa biết chọn ai.

Theo kế hoạch, hai ứng cử viên H.Clin-tơn và Đ.Trăm sẽ tiến hành tổng cộng ba cuộc tranh luận trực tiếp trước ngày bầu cử 8-11. Cuộc tranh luận thứ hai dự kiến diễn ra ngày 9-10, tại bang Mít-xu-ri và cuộc tranh luận thứ ba sẽ được tổ chức tại bang Nê-va-đa.

Theo qdnd.vn