Hãng tin AP vừa có bài viết đề cập tới hơn 30 vấn đề quan trọng nhiều khả năng sẽ có những thay đổi lớn sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới cùng các tác động của chúng đối với chính nước Mỹ. Sau đây là một số vấn đề nổi bật:
Quyền hành pháp
Các nhà lập pháp Mỹ không đồng tình với việc một tổng thống dùng quyền hành pháp để “qua mặt” họ, trong khi những người ủng hộ lựa chọn này cho rằng đây là giải pháp khả thi khi gặp phải bế tắc ở Quốc hội. Ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Đô-nan Trăm khẳng định sẽ không lặp lại “những hành động vi hiến” của ông Ô-ba-ma, song chính các thành viên đảng này lại lo ngại ông sẽ theo đuổi hình thức cầm quyền kiểu đế quốc. Trong khi đó, bà Hi-la-ri Clin-tơn của đảng Dân chủ lại ủng hộ cách làm này của Tổng thống Ô-ba-ma.
Lương tối thiểu
Bà Clin-tơn ủng hộ việc tăng lương tối thiểu cho người lao động Mỹ lên ít nhất 12 USD/giờ, cao hơn mức toàn liên bang (hiện là 7,25 USD/giờ) và các mức lương tối thiểu ở địa phương. Trong khi đó, ông Trăm muốn mức lương tối thiểu ở vào khoảng 10 USD/giờ song các bang nên “tự quyết định con số cụ thể”.
Người công nhân kiểm tra mặt nạ ứng cử viên đảng Cộng hòa Mỹ Đô-nan Trăm tại xưởng thủ công ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Internet |
Cải tổ Phố Uên
Các cuộc tranh luận xung quanh những nguyên tắc điều hành hệ thống ngân hàng và thị trường chủ yếu đều nhằm tìm biện pháp tránh một cuộc khủng hoảng giống như cuộc Đại suy thoái sau giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008. Thực tế là sự phục hồi trong suốt 8 năm qua của nền kinh tế Mỹ diễn ra khá chậm chạp. Nhiều thành viên đảng Cộng hòa và giới doanh nghiệp cho rằng các nguyên tắc và luật lệ ngặt nghèo càng khiến các ngân hàng phải gia tăng chi phí hoạt động, nhất là các ngân hàng nhỏ, và muốn chính quyền Oa-sinh-tơn rút lại các điều luật này. Ông Trăm gọi đây là “thảm họa” và tuyên bố sẽ hủy bỏ hầu hết các điều luật đó, nếu đắc cử. Bà Clin-tơn thì khẳng định các nguyên tắc tài chính cần phải được bảo toàn và củng cố để trở nên chặt chẽ hơn nữa.
Cơ sở hạ tầng
Hệ thống cơ sở hạ tầng trên toàn nước Mỹ đang trong tình trạng xuống cấp và cần phải được tu bổ. Tất cả các chính trị gia đều nhất trí với thực tế này, song câu hỏi đặt ra là họ lấy nguồn tài chính ở đâu, và những dự án nào sẽ được ưu tiên tiến hành trước.
Dự kiến nước Mỹ sẽ phải chi thêm khoảng 1,4 nghìn tỷ USD để hoàn thiện hạ tầng cơ sở từ nay đến năm 2025. Bà Clin-tơn muốn dành 250 tỷ USD trong 5 năm tới để cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công cộng. Trong khi đó, ông Trăm muốn dành gấp đôi số tiền 250 tỷ USD mà bà Clin-tơn đề cập để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tìm nguồn vốn từ việc phát hành trái phiếu.
Người tị nạn và vấn đề nhập cư
Mỹ đã cam kết sẽ đón tiếp tổng cộng 10 nghìn người tị nạn vào cuối tháng 9-2016, và thực tế là họ đã hoàn tất kế hoạch này sớm hơn một tháng. Đảng Cộng hòa và ông Trăm phản đối việc tiếp nhận người di cư từ Xi-ri vào Mỹ, cho rằng việc đón nhận những người tị nạn là việc làm thiếu chính đáng. Trong khi đó bà Clin-tơn cam kết sẽ mở rộng chương trình tị nạn và sẽ cho phép thêm khoảng 65 nghìn người nữa tới Mỹ.
Nợ công
Thực tế ngân sách liên bang Mỹ đang trong tình trạng nợ nần chồng chất, cụ thể là khối nợ tăng thêm 1 USD trong 7 USD chi tiêu. Ông Trăm cam kết sẽ giải quyết vấn đề nợ công song chưa đưa ra nhiều giải pháp cho việc cắt giảm những chương trình phúc lợi tốn kém như Mê-đi-các. Trong khi đó bà Clin-tơn đề xuất tăng thuế đánh vào người giàu.
Thương mại
Cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đều đang khiến dư luận hoang mang về quan điểm đối với các thỏa thuận thương mại. Bà Clin-tơn đã quay lưng lại với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận bà từng ủng hộ khi còn là Ngoại trưởng Mỹ. Trong khi đó, ông Trăm tuyên bố sẽ hủy bỏ mọi thỏa thuận thương mại hiện hành và áp mức thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc. Nhiều người lo ngại kế hoạch đánh thuế của ứng cử viên đảng Cộng hòa sẽ tạo ra một cuộc chiến thương mại nghiêm trọng và đẩy giá cả lên cao.
Quan hệ đối ngoại nhạy cảm
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng do các hành vi hung hăng của quốc gia này tại châu Á. Ông Trăm liên tục chỉ trích Trung Quốc và đe dọa sẽ áp mức thuế 45% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu nước này không thay đổi cách cư xử. Trong khi đó bà Clin-tơn cho rằng Mỹ nên gây sức ép buộc cường quốc châu Á đang nổi này phải tôn trọng luật pháp quốc tế, kể cả trong thương mại và tranh chấp lãnh thổ./.
Theo TTXVN