Uy tín của nữ Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken giảm sút liệu có phải là điều đáng lo ngại với sự nghiệp chính trị của người phụ nữ quyền lực nhất thế giới hay không?
Dư luận quan tâm tới bản chất vấn đề và liệu kết quả này có là điều đáng lo ngại với sự nghiệp chính trị của người phụ nữ được mệnh danh quyền lực nhất thế giới hay không?
Niềm tin lung lay
Khi hàng nghìn người tị nạn rồng rắn “Bắc tiến” qua tuyến lộ trình Ban-căng và ứ lại ở Hung-ga-ri, tại một cuộc họp báo ngày 15-9-2015 ở Béc-lin bên cạnh người đồng cấp Áo khi đó là ông Werner Faymann, Thủ tướng Méc-ken chính thức tuyên bố mở cửa biên giới cho phép người tị nạn vào nước này. Ngay lập tức, hàng chục nghìn người tị nạn ùn ùn kéo tới nước Đức qua các cửa khẩu bang Bay-éc. Khi đó, bà Méc-ken cũng đã tới thăm một trại tị nạn và được nhiều người tị nạn xin cùng chụp ảnh selfie. Rõ ràng, đây không phải là một quyết định dễ dàng với nhà lãnh đạo Đức, bởi không phải tất cả đều hài lòng với chính sách chào đón người tị nạn của bà. Thủ tướng Méc-ken từng thú nhận: “Phải thú thực rằng nếu bây giờ chúng ta phải xin lỗi cho việc đã thể hiện một bộ mặt niềm nở trong tình thế khốn khó thì đó không phải là đất nước của tôi”. Trong những phản ứng đầu tiên, nhiều người dân Đức đã tràn xuống hai bên đường vỗ tay chào đón những chiếc xe buýt chở người tị nạn vào nước này. Những sóng gió cũng từ đây xuất hiện. Không chỉ trong nội bộ nước Đức mà nhiều nước châu Âu, đặc biệt là Đông Âu, đã lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích chính sách tị nạn nhân đạo của nữ Thủ tướng Đức.
|
Bà Méc-ken hiện đang bị chỉ trích vì chính sách mở cửa đón người tị nạn. Ảnh: Internet |
Khi người tị nạn tới Đức, xã hội Đức vốn yên bình dang tay chào đón, song trong sâu thẳm, người dân nơi đây vẫn nghi ngại rằng một ngày nào đó, sự thanh bình và bản sắc của họ sẽ mất đi bởi chính những gì mà họ đón nhận hôm nay. Trên một triệu người tị nạn vào Đức năm 2015 và một điều chắc chắn rằng không phải tất cả số người này thực sự đều là những người chạy nạn do chiến tranh, bị truy bức... mà sẽ có những đối tượng mang tư tưởng cực đoan trà trộn chờ thời cơ hành động, điều tới nay đã được giới chức an ninh Đức thừa nhận. Những vụ gây rối trong đêm giao thừa ở Côn càng châm ngòi cho những chỉ trích đối với chính sách của bà Méc-ken. Và gần đây nhất là những vụ tấn công ở Bay-éc, trong đó có hai vụ mang yếu tố Hồi giáo cực đoan do những người tị nạn thực hiện, càng khiến người dân lung lay niềm tin đối với chính sách giải quyết khủng hoảng người tị nạn của Thủ tướng Đức.
Bạo lực đến, uy tín đi
Nhờ việc áp dụng đồng thời nhiều biện pháp nhằm kiềm chế người tị nạn, đáng kể là thỏa thuận Liên minh châu Âu (EU) - Thổ Nhĩ Kỳ hay việc tăng cường tuần tra, bảo vệ biên giới ngoài EU, số người tị nạn vào châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng đã giảm hẳn. Điều đó đã minh chứng cho lời hứa của Thủ tướng Méc-ken trước dân Đức rằng “chúng ta làm được” (wir schaffen das) và đây cũng là lý do giúp uy tín của bà Méc-ken tăng trở lại và đã có lúc đạt mức cao nhất kể từ tháng 9-2015. Thế nhưng tất cả đã theo chiều ngược lại khi liên tiếp xảy ra các vụ tấn công bạo lực và khủng bố ở miền Nam nước Đức, khiến dư luận cả nước hết sức rúng động. Người dân vốn đã hoài nghi và phản ứng chính sách tị nạn của bà Méc-ken nay lại có cơ sở vững tin hơn cho sự phản đối của mình. Theo một cuộc thăm dò dư luận do Viện Infratest Dimap thực hiện, hiện chỉ còn 47% số người được hỏi hài lòng với công việc của nữ Thủ tướng, đặc biệt, số ý kiến được hỏi ủng hộ chính sách tị nạn của bà Méc-ken giảm chỉ còn 34%. Điều đáng nói là trong khi uy tín cá nhân của bà giảm sút, uy tín liên đảng bảo thủ lại tương đối ổn định và vẫn có 35% số người được hỏi ủng hộ CDU/CSU, trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ Xã hội (SPD) giảm xuống mức 22%. Điều này cho thấy cá nhân Thủ tướng Méc-ken đang phải nhận sự “trừng phạt” của cử tri vì chính sách tị nạn, chứ không phải tập thể chính đảng. Nếu cuộc tổng tuyển cử diễn ra lúc này, một liên minh cầm quyền ở cấp liên bang giữa liên đảng CDU/CSU - đảng Xanh hoặc SPD - đảng Xanh - đảng Cánh tả đều không giành được đa số. Khả năng lập chính phủ cầm quyền sẽ là một chính phủ đại liên minh như hiện nay (CDU/CSU và SPD) hoặc một “liên minh Gia-mai-ca” gồm CDU/CSU - đảng Xanh và FDP (Đen - Xanh - Vàng).
Khoảng cách an toàn
Hiện trong nội bộ hai đảng chị em CDU và CSU, đang có những “mâu thuẫn đáng kể” vì chính sách tị nạn của bà Méc-ken, nhất là khi cuộc tổng tuyển cử đang tới gần. Cựu Chủ tịch CSU Éc-mun Stôi-bơ thậm chí nói hành động của bà Méc-ken “không còn đại diện cho đa số ý nguyện của người dân” và CSU có thể phải đưa ra ứng cử viên riêng của mình cho cuộc tổng tuyển cử năm tới.
Tỷ lệ ủng hộ giảm sút là điều đáng lo ngại khi chỉ còn một năm nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử ở Đức. Thế nhưng điều đó không khiến bà Méc-ken nao núng, thể hiện qua cách phản ứng không hề nôn nóng và không quá gấp gáp của bà trước vụ tấn công mới đây. Cho tới thời điểm này, nhà lãnh đạo Đức cũng chưa cho biết có tiếp tục dẫn dắt liên đảng bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử 2017 hay không hoặc sẽ “về hưu” và để lại nhiệm vụ đó cho những người kế nhiệm. Mặc dù vậy, trong mọi hoàn cảnh, Thủ tướng Méc-ken vẫn là nhân vật số một của liên đảng bảo thủ và chưa có gương mặt nào đủ tầm có thể thay thế bà ở thời điểm hiện nay. Có uy tín trong liên đảng bảo thủ và vượt trội về tỷ lệ ủng hộ so với các chính trị gia khác (như so với Chủ tịch SPD Sích-ma Ga-bri-en), có thể thấy mọi việc vẫn nằm trong tầm kiểm soát của người phụ nữ quyền lực này./.
Theo TTXVN