Bị thất bại nặng nề vì phán quyết của Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách “Đường 9 đoạn”, Trung Quốc tiếp tục chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc rầm rộ về chủ quyền Biển Đông trên truyền thông phương Tây.
Ngày 27-7 vừa qua, một nghị sĩ Anh đã lên tiếng phản đối việc Bắc Kinh xuyên tạc phát biểu của bà, trong một video được phát liên tục ở trung tâm Thành phố Niu-oóc (Mỹ).
Theo
Tân Hoa Xã, video được chiếu đi chiếu lại 120 lần một ngày, từ 23-7 đến 3-8 trên một bảng quảng cáo khổng lồ tại Times Square (tức Quảng trường Thời Đại) nổi tiếng ở trung tâm Niu-oóc. Trong video dài 3 phút này có đoạn trích dẫn Nghị sĩ Công đảng Anh, bà Ca-thê-rin Oét nói: “Tôi nghĩ rằng đàm phán là cốt yếu, vì vậy mà chúng ta phải thận trọng. Vâng, chúng ta cần giải quyết vấn đề chỉ trong phạm vi khu vực và có cách tiếp cận chú trọng đến đối thoại”. Ca-thê-rin Oét là một trong những nhà lập pháp, nhà phân tích và nhà ngoại giao quốc tế trả lời phỏng vấn về chủ đề này khi đến Bắc Kinh để tham dự Diễn đàn Các Đảng Chính trị Cao cấp Trung Quốc - châu Âu lần thứ 5 hồi tháng 5-2016.
Tuy nhiên, ngay sau đó, bà Ca-thê-rin Oét đã phản ứng trên mạng
Twitter. Trên tài khoản cá nhân, bà viết: “Tôi luôn bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, và cổ vũ các bên tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài”. Bà còn dẫn chứng một đoạn chất vấn trước đó với Ngoại trưởng Anh: “Ông có đồng ý rằng phán quyết của Tòa Trọng tài phải được tôn trọng, và bất kỳ hành động không tuân thủ nào của Chính quyền Trung Quốc không chỉ làm tổn hại nặng nề cho uy tín của Bắc Kinh, mà còn vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế?”.
|
Trung Quốc chi bộn tiền để chiếu video 120 lần một ngày, từ 23-7 đến 3-8 trên một bảng quảng cáo khổng lồ tại Times Square (Niu-oóc) tuyên truyền xuyên tạc về chủ quyền Biển Đông. Ảnh: Internet |
Trả lời trang mạng
Buzz Feed News, Nghị sĩ Ca-thê-rin cho biết phát biểu của bà đã bị bóp méo, và bà rất bối rối, lo ngại khi bị cho xuất hiện trong video tuyên truyền này. Hơn nữa, bà còn bị giới thiệu nhầm là đang giữ một chức vụ trong đảng đối lập, mà khi Công đảng lên nắm quyền thì bà sẽ trở thành ngoại trưởng.
Đài
BBC dẫn lời bà Ca-thê-rin trên
Twitter nói đoạn phim “không thể hiện góc nhìn của tôi”, đồng thời bà nói “vô cùng lo ngại về việc bóp méo phát ngôn” và sẽ “liên tục nói lên sự quan ngại của bà về vấn đề tranh chấp Biển Đông của Trung Quốc”. Bà Ca-thê-rin không phải người Anh duy nhất xuất hiện trong đoạn phim. Trong đoạn video còn có Giôn Rốt, cựu cố vấn kinh tế cho cựu thị trưởng Luân Đôn Ken Li-vinh-xtơn, người hiện đang sống ở Trung Quốc.
Trong khi đó, Đài
TNHK dẫn lời phát ngôn viên Mát-thêu Oai-ti của bà Ca-thê-rin cho biết, bà cảm thấy bối rối và lo ngại về những tuyên bố được đưa ra trong video này, vì nó dẫn lời phát biểu của bà ngoài văn cảnh. Bà nói trong một email gửi cho tạp chí tin tức trực tuyến
Quartz: “Dù tất nhiên là tôi vui lòng trả lời phỏng vấn về những lo ngại của tôi đối với việc quân sự hóa ở Biển Đông và sự cần thiết phải hợp tác với nhau để bảo đảm một giải pháp hòa bình, song tôi không hài lòng là video được sử dụng theo cách gợi ý rằng tôi ủng hộ cách tiếp cận hiện thời mà Trung Quốc áp dụng đối với những đảo này. Tôi hy vọng những phát biểu trong nghị viện của tôi chứng tỏ rằng tôi đã liên tục nêu lên những lo ngại về việc Trung Quốc xây đảo và triển khai quân lực ở Biển Đông, và thực ra tôi đã kêu gọi Chính phủ Anh làm tất cả những gì có thể để bảo đảm luật pháp quốc tế được tôn trọng và rằng khu vực này được bình ổn cho tất cả các bên có liên quan”.
Video trên giải thích Trung Quốc “có chủ quyền không thể tranh cãi” tại Biển Đông, đưa các hình ảnh nhằm cố chứng minh Trung Quốc là nước đầu tiên đã phát hiện, đặt tên, khám phá, khai thác Biển Đông và các vùng biển xung quanh, đồng thời “liên tục thực thi chủ quyền một cách hòa bình và hiệu quả” tại khu vực này. Báo chí Nhà nước Trung Quốc khoe khoang: “Video đã làm rõ sự thật đằng sau trò hề trọng tài, và nhắc nhở rằng các tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết thông qua đàm phán. Nhiều chuyên gia và quan chức trên toàn thế giới ủng hộ lập trường của Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông”.
Tuy nhiên trang mạng
Buzz Feed News khẳng định với độc giả là “sẽ mất toi 3 phút và 12 giây trong cuộc đời” với video tuyên truyền của Trung Quốc. Nhiều tờ báo khác cũng chế giễu động thái quá đáng này. Theo
“New York Times”, tiền thuê màn hình khổng lồ ở địa điểm sầm uất này từ 300 nghìn đến 400 nghìn USD/tháng.
Tại Pháp, trong những tháng gần đây, Bắc Kinh cũng đã vung tiền ra mua nhiều trang quảng cáo trên các tờ báo lớn để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông./.
Theo TTXVN