Báo “The Japan Times” của Nhật Bản đưa tin Không quân Mỹ ngày 28-7 thông báo triển khai máy bay ném bom chiến lược B-1 tại căn cứ Gu-am trên biển Thái Bình Dương, cách Biển Đông khoảng 2.000 hải lý.
Đây là lần đầu tiên Không quân Mỹ đưa máy bay B-1 đến Gu-am trong 10 năm qua. Việc điều B-1 cùng với khoảng 300 phi công và nhân viên kỹ thuật đến Gu-am là để thay thế cho loại máy bay ném bom B-52 và nằm trong khuôn khổ kế hoạch của Bộ Quốc phòng Mỹ, theo đó Oa-sinh-tơn muốn chuyển khoảng 60% lực lượng không quân và hải quân tới vùng Thái Bình Dương từ nay đến năm 2020.
Máy bay ném bom B-1. |
Theo nhận định của “The Japan Times”, kế hoạch triển khai này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng tại Biển Đông, sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay (Hà Lan) ra phán quyết bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở khu vực này.
Áp-ga-nít-xtan chính thức gia nhập WTO
Ngày 29-7, Áp-ga-nít-xtan đã trở thành thành viên đầy đủ thứ 164 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau khi hoàn tất các thủ tục đàm phán gia nhập kéo dài gần 12 năm.
Áp-ga-nít-xtan đã nộp đơn gia nhập WTO năm 2004 và quá trình đàm phán gia nhập tổ chức này đã kết thúc vào tháng 11-2015. Các thành viên WTO đã thông qua việc kết nạp Áp-ga-nít-xtan tại Hội nghị Bộ trưởng WTO diễn ra ở Nai-rô-bi (Kê-ni-a) vào ngày 17-12-2015.
Áp-ga-nít-xtan là quốc gia thứ 9 thuộc nhóm các nước chậm phát triển gia nhập WTO kể từ khi tổ chức này thành lập năm 1995. Ngay trước Áp-ga-nít-xtan, Li-bê-ri-a cũng là quốc gia thuộc nhóm các nước chậm phát triển, đã chính thức trở thành thành viên thứ 163 của WTO hồi giữa tháng 7 này. Đến nay, nhóm các nước chậm phát triển chiếm 1/5 tổng số thành viên WTO (36/164).
WTO được thành lập ngày 1-1-1995 với tiền thân là Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) năm 1947, là tổ chức quốc tế duy nhất thực hiện chức năng giám sát các hoạt động trong lĩnh vực thương mại thế giới với mục đích chính là đảm bảo tự do thương mại và công bằng trong các điều kiện cạnh tranh. WTO đảm nhiệm việc quản lý thực hiện các hiệp định của WTO, diễn đàn đàm phán về thương mại, giải quyết các tranh chấp về thương mại, giám sát các chính sách thương mại của các quốc gia, trợ giúp kỹ thuật và huấn luyện cho các nước đang phát triển, hợp tác với các tổ chức quốc tế khác. Hiện có 19 nước đang tiến hành đàm phán gia nhập WTO, trong đó có 7 nước châu Phi./.
Theo baotintuc.vn