Tại sao Trung Quốc chưa dám đụng độ Mỹ?

08:08, 29/08/2016
Mặc dù trong thời gian qua Trung Quốc đã rất nỗ lực “tiếp thêm máu” cho lực lượng vũ trang nước này nhưng xét trên tổng quan các khía cạnh thì Bắc Kinh vẫn chưa thể “gây sự” với Mỹ.
 
Nhiều người cho rằng mặc dù Mỹ quyết định xoay trục về châu Á, nhưng cũng khó ngăn chặn được Trung Quốc vì cán cân lực lượng quân sự Mỹ - Trung nay đã thay đổi: hải quân và không quân Trung Quốc đã rất mạnh so với hai thập niên trước. Một điều chắc chắn là ngày nay quân lực Mỹ không còn độc quyền ở Thái Bình Dương, cũng như không thể dễ dàng chớp nhoáng đánh bại Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, dù Bắc Kinh tự tin đến mức nào về kinh nghiệm hải chiến và không chiến thì quân đội Trung Quốc cũng không thể nào so sánh được với quân đội Nhật Bản, chứ chưa nói tới Mỹ. 
 
Về cán cân lực lượng ở Thái Bình Dương, dù khoảng cách hiện nay giữa Mỹ - Trung đã gần lại rất nhiều, nhưng như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Lê-ôn Pa-nét-ta đã tuyên bố: “Tới năm 2020, Hải quân Mỹ sẽ hoàn tất việc tái bố trí lực lượng giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, lực lượng này hiện được dàn ra khoảng 50/50 giữa hai đại dương, nhưng sẽ chuyển sang 60/40 - bao gồm các tàu sân bay, tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu tác chiến vùng duyên hải và tàu ngầm”.
 
Bên cạnh đó là cán cân về kinh nghiệm. Dù khoảng cách về thiết bị của hai bên càng ngày càng gần lại, nhưng khoảng cách về kinh nghiệm chiến đấu thì còn quá xa nhau. 
 
Đối với Mỹ, có thể nói ngoài kinh nghiệm chiến đấu trên không, trên bộ và dưới biển trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất và thứ hai, và trong 70 năm qua, binh sĩ và tướng lĩnh Mỹ đã và đang chiến đấu trong chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam, I-rắc, Áp-ga-ni-xtan và Xi-ri. Đó là chưa kể đến những phi vụ oanh tạc như ở Cô-xô-vô hay chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Trung Đông.
 
Ngược lại với Mỹ, trong 60 năm qua, kinh nghiệm chiến đấu của quân đội Trung Quốc rất là giới hạn. Về lục quân, sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), quân đội Trung Quốc chưa hề có kinh nghiệm với những trận chiến lớn. 
 
Về không quân, kinh nghiệm của Trung Quốc chỉ gồm vài trận không chiến với không quân Đài Loan cách đây 57 năm. Về hải quân, kinh nghiệm Trung Quốc là rất khiêm nhường vì chưa tham gia trận chiến lớn nào.
Binh sĩ quân đội Trung Quốc tham gia tập trận ở khu vực đông bắc tỉnh Hắc Long Giang. Ảnh: AFP/TTXVN
Binh sĩ quân đội Trung Quốc tham gia tập trận ở khu vực đông bắc tỉnh Hắc Long Giang. Ảnh: AFP/TTXVN
Tinh thần binh sĩ cũng là một trong những khía cạnh khó khăn nhất đối với người lính Trung Quốc. Chính sách “một con” khiến các bậc cha mẹ miễn cưỡng khi phải để cho con nhập ngũ, chưa kể đến việc tham chiến. Trong khi đó ở Mỹ trong những thập niên qua, lính Mỹ ít khi nào được nghỉ ngơi. Có thể nói là “tình trạng sẵn sàng ứng chiến” luôn là một yếu tố quan trọng ưu tiên trong những kế hoạch quân sự của Lầu Năm Góc.
 
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang đối mặt với nhiều vấn đề khác. Về đối nội, Trung Quốc đang phải giải quyết căng thẳng về vấn đề dân tộc thiểu số, đặc biệt là vấn đề Tây Tạng và Tân Cương trong những năm gần đây. Môi trường băng hoại cũng là một vấn đề ảnh hưởng tới người dân nước này. Trung Quốc đã phải trả cái giá quá cao để sản xuất mọi thứ với giá rẻ, khống chế thị trường tiêu thụ trên toàn cầu. 
 
Người ta gọi Trung Quốc là “công xưởng của thế giới”. Nhà máy này phun khói đen kín bầu trời Bắc Kinh, Thượng Hải, chưa kể đến vấn đề các chất thải kỹ nghệ hết sức độc hại, làm ô nhiễm môi trường đất, sông, biển. Trong khi đó, về kinh tế, dù GDP của Trung Quốc ngày nay đã đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ nhưng đời sống của người dân còn thấp. 
 
Khoảng cách giàu - nghèo tại đây cũng đang tăng lên, nhất là giữa nông thôn và thành thị, giữa miền duyên hải và miền Tây Bắc lục địa. Tình trạng tham nhũng, đặc biệt là trong quân đội, cũng là một đề tài nóng bỏng, đang được truyền thông quốc tế đề cập thường xuyên trên mạng.
 
Về đối ngoại, ngoài tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc còn có những tranh chấp lãnh thổ quan trọng hơn nữa. Với dân số gần 1,4 tỷ người, áp lực về đất đai của Trung Quốc càng ngày càng nặng nề. Tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng thường xuyên xảy ra.
 
Xét về cán cân lực lượng, kinh nghiệm, và có thể là cả tinh thần binh sĩ và các yếu tố khác, chắc chắn Trung Quốc không muốn hoặc chưa muốn đối đầu trực diện với Mỹ tại Thái Bình Dương. Chiến lược của Trung Quốc ngày nay là hăm dọa theo phương pháp du kích, “cắt lát salami”, nhắm vào từng đối tượng, từng hòn đảo hay bãi cạn. 
 
Theo như báo cáo mới đây của Viện Carnergie Endowment vì Hòa bình Quốc tế, ít nhất là trong tương lai gần, “Trung Quốc chưa muốn theo mô hình của Liên Xô để trở thành một đối thủ toàn cầu của Mỹ, mà chỉ muốn trở thành cường quốc ở châu Á và tập trung vào việc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng. Mặc dù vậy, đó cũng là sự thách đố lớn đối với Mỹ vì Oa-sinh-tơn đã tuyên bố sẽ tăng mạnh chi tiêu cho sự hiện diện quân sự tại châu Á mặc dù các khoản khác trong ngân sách phải cắt giảm”./.
 
Theo Báo Tin Tức


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com