Yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là một sự khiêu khích đối với cộng đồng quốc tế, nhưng rút lại những yêu sách đó có thể sẽ khiến Trung Quốc mất mặt.
Tờ
Washington Post (Mỹ) mới đây đã đăng bài bình luận của tác giả Đa-vít I-na-ti-út nhận định về phản ứng dè dặt của Trung Quốc sau hơn 2 tuần Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) đưa ra phán quyết liên quan đến Biển Đông.
Trung Quốc đã bị một thất bại lớn vào tháng 7 vừa qua trong nỗ lực nhằm thống trị Biển Đông của Bắc Kinh và các nhà lãnh đạo của nước này đang theo một kịch bản quen thuộc: Họ đưa ra những tuyên bố giận dữ nhưng hành động lại khá ít khi tiếp cận với tình hình.
Mỹ cũng đang đóng vai trò đặc trưng trong sự kiện này. Thay vì reo hò về chiến thắng, Oa-sinh-tơn đang tìm cách khuyến cáo các nhà lãnh đạo Trung Quốc nên lý trí và sáng suốt trước khi làm điều gì đó vội vàng. Ví dụ cụ thể trong trường hợp này là Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Su-san Rai-xơ, người tiết lộ sau chuyến thăm tới Bắc Kinh rằng, bà đã hối thúc các nhà lãnh đạo Trung Quốc “kiểm soát những khác biệt lớn của chúng ta một cách xây dựng”. Bà nêu rõ: “Tôi đã nhắc lại rằng mối quan tâm quan trọng nhất của chúng ta là giải quyết hòa bình các tranh chấp và duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”.
Trật tự dựa trên luật lệ này chính xác là điều Bắc Kinh đã và đang thách thức bằng những hành động gần đây nhằm chiếm giữ lãnh thổ ở các vùng biển tranh chấp. Lời nhắc nhở trên với Trung Quốc được đưa ra sau khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết bác bỏ những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
|
Tàu Hải quân LT 57 Sierra Madre của Phi-líp-pin trên Biển Đông. Ảnh: AP |
Nhà phân tích hàng đầu về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Oa-sinh-tơn (Mỹ) Crít-xtốp-phơ Giôn-xơn nhận định: “Trên thực tế, phán quyết bất lợi đối với Trung Quốc không phải là điều ngạc nhiên, nhưng mức độ của phán quyết phản đối Bắc Kinh một cách hoàn toàn mới là điều bất ngờ”.
Ông Cuốc Kem-bô, người từng là chuyên gia hàng đầu về châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của chính quyền Ô-ba-ma, cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài “rõ ràng là một hồi chuông cảnh báo”. Mặc dù người Trung Quốc nói trước rằng họ sẽ lờ đi phán quyết của Tòa Trọng tài, và gọi đó là “mớ giấy lộn”, song sự phản bác này rất chung chung đến nỗi mà Trung Quốc dường như đã phải dừng lại. Dự kiến, Bộ Chính trị Trung Quốc sẽ nhóm họp tại Bắc Đới Hà vào tháng này (tháng 8), nơi các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ đánh giá chính sách trước khi đưa ra các biện pháp mới.
Trung Quốc đã cố nhịn, ít nhất là vào thời điểm ban đầu, từ một thách thức cụ thể của phán quyết: Các quan chức Mỹ đã sợ rằng nếu phán quyết của Tòa Trọng tài bất lợi với Trung Quốc, Bắc Kinh có thể sẽ tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, nhằm khẳng định hơn nữa yêu sách chủ quyền của họ. Mỹ được cho là sẽ phản đối mạnh mẽ một tuyên bố như vậy.
Cho đến nay, chưa ADIZ nào được tuyên bố nhưng các nhà phân tích Mỹ dự báo điều này có lẽ phản ánh một phần sự bất đắc dĩ của Trung Quốc trong việc đưa ra quyết định về phạm vi của một khu vực như vậy. Yêu sách toàn bộ lãnh thổ trong “đường 9 đoạn” như họ đã từng tuyên bố sẽ là một sự khiêu khích, nhưng rút lại những yêu sách đó có thể sẽ khiến Trung Quốc mất mặt. Cho đến nay, việc giữ im lặng có lẽ là cách dễ dàng hơn đối với Bắc Kinh.
Trung Quốc đã có một thành công trong tháng 7 vừa qua. Họ đã thuyết phục một số nước Đông Nam Á ngăn cản một tuyên bố chung về phán quyết của Tòa Trọng tài. Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri đã tìm kiếm sự đồng thuận như vậy tại một cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Lào trong tháng, nhưng ông đã ra về với bàn tay trắng.
Một quan chức tình báo cao cấp của Mỹ mới đây đã đưa ra đánh giá: “Phán quyết của Tòa Trọng tài có ý nghĩa rất lớn. Phán quyết được đưa ra, và Trung Quốc đang làm hết sức mình để mọi người không nói bất cứ điều gì về nó. Nhưng điều đó là không thể và họ không làm được gì”.
Vấn đề trầm trọng hơn nằm dưới các tranh chấp trên Biển Đông là chủ nghĩa dân tộc ngày càng quyết đoán của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Nhưng giờ đây, người Trung Quốc dường như đã lùi một bước trong việc công khai kích động chống Mỹ, vốn diễn ra ngay lập tức sau khi phán quyết của Tòa Trọng tài được đưa ra. Phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc ban đầu đổ lỗi cho Mỹ và đã có các cuộc biểu tình rải rác, trong đó những người biểu tình Trung Quốc đập phá iPhone và tụ tập trước các cửa hàng KFC.
Một chuyên gia phân tích hàng đầu về Trung Quốc lưu ý rằng, cho đến nay, sự kích động trên phương tiện truyền thông đã giảm bớt, trong khi một số nhà bình luận (Trung Quốc) thậm chí còn chỉ trích thái độ chống Mỹ là “không hợp lý”. Vị chuyên gia trên nói: “Đó là một tín hiệu Trung Quốc muốn làm dịu mọi thứ xuống - một dấu hiệu tốt cho thấy rằng vấn đề ngoại giao đang hoạt động phía sau hậu trường”.
Nhưng bất chấp chuyến thăm làm dịu tình hình của bà Rice, các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết rằng mối quan hệ của họ với Mỹ đang bước vào một thời kỳ đứt quãng và rằng Bắc Kinh không thể dự đoán những gì sẽ xảy ra tiếp theo./.
Theo Báo Tin Tức