Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ chủ động xuống thang để hạ nhiệt căng thẳng với Nga là một quyết định khôn ngoan.
Lá thư xin lỗi của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Rê-xép Tay-íp Éc-đô-gan gửi người đồng cấp Nga Vla-đi-mia Pu-chin sau 7 tháng quan hệ hai nước căng thẳng được coi là bước tiến tích cực, song không quá bất ngờ bởi trước đó Thổ Nhĩ Kỳ đã phát đi những tín hiệu mạnh mẽ thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ với Nga.
Những thiệt hại nặng nề mà cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga phải hứng chịu trong thời gian qua, cùng những hệ lụy không nhỏ do mối quan hệ xấu đi giữa hai nước gây ra đối với tình hình đại cục tại khu vực Trung Đông cũng như châu Âu cho thấy động thái của An-ca-ra chủ động xuống thang để hạ nhiệt căng thẳng với Nga là một quyết định khôn ngoan.
Sự việc máy bay Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ gần biên giới Xi-ri ngày 24-11 năm ngoái đã châm ngòi cho một chuỗi những căng thẳng, tranh cãi, trừng phạt và đe dọa trả đũa trong quan hệ giữa hai nước láng giềng có vai trò chủ chốt ở điểm “nóng” Trung Đông.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Rê-xép Tay-íp Éc-đô-gan đã gửi một bức thư xin lỗi tới người đồng cấp Nga Vla-đi-mia Pu-chin. Ảnh: EPA/TTXVN |
Nga coi vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga đang làm nhiệm vụ chống khủng bố gần biên giới Xi-ri là hành động “đâm sau lưng” và “đồng lõa với khủng bố”, đồng thời yêu cầu An-ca-ra phải xin lỗi và bồi thường những thiệt hại vì vụ việc trên. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Rê-xép Tay-íp Éc-đô-gan khi đó bảo lưu quan điểm cho rằng vụ bắn rơi máy bay Nga là một hành động tự vệ nhằm đáp trả hành vi vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ, dù Nga nhiều lần khẳng định chiếc Su-24 thời điểm đó đang ở không phận Xi-ri. Thái độ kiên quyết không nhượng bộ lẫn nhau cùng những chỉ trích kiểu “ăn miếng, trả miếng” càng làm cho quan hệ giữa hai bên lún sâu vào khủng hoảng.
Cùng với khủng hoảng ngoại giao là tổn hại về kinh tế - thương mại. Những biện pháp trừng phạt đặc biệt mà Mát-xcơ-va áp đặt với An-ca-ra ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực. Mức độ thiệt hại chưa được thống kê đầy đủ, song chỉ riêng trong tháng 1-2016, kim ngạch xuất khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga chỉ còn 108 triệu USD, giảm 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu từ Mát-xcơ-va sang An-ca-ra, chủ yếu là năng lượng, giảm 30% xuống còn 1,3 tỷ USD. Ngân hàng Phát triển và Tái thiết châu Âu ước tính, cấm vận của Nga đã khiến tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 0,3% trong năm 2016 với thiệt hại kinh tế lên tới 9 tỷ USD.
Trước thời điểm căng thẳng, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ khá mật thiết và phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Nga với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt gần 40 tỷ USD/năm, còn Nga là thị trường lớn nhất đối với hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thậm chí, hai nước đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020 và đang thảo luận thỏa thuận hình thành một khu vực thương mại tự do đối với hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Hai bên cũng đang xúc tiến một loạt thỏa thuận năng lượng chiến lược quan trọng, trong đó có dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Thổ Nhĩ Kỳ còn là khách hàng mua khí đốt lớn thứ hai của Nga. Hàng năm, gần 5 triệu du khách Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm 12% tổng du khách nước ngoài của Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế, mọi trục trặc trong quan hệ giữa hai nước đều gây tổn hại cho cả hai, dù ở mức độ khác nhau, đặc biệt khi Mát-xcơ-va đang chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây và giá dầu giảm mạnh.
Ngoài kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ về an ninh và bất ổn chính trị... Điều đó không cho phép An-ca-ra lún sâu hơn vào khủng hoảng trong quan hệ với Nga. Chỉ riêng nửa đầu năm nay, 7 vụ đánh bom khủng bố lớn tại hai Thành phố An-ca-ra và Ít-xtan-bun đã khiến hơn 200 người thiệt mạng. Bên cạnh đó, cuộc xung đột kéo dài hơn 2 thập kỷ qua giữa chính quyền An-ca-ra với cộng đồng người Cuốc, vốn đã cướp đi sinh mạng của khoảng 40 nghìn người, đang có dấu hiệu leo thang nghiêm trọng. Xung đột chính trị nội bộ dai dẳng cùng những cuộc tranh giành quyền lực trong nước dẫn tới việc thay đổi Chính phủ ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 5 vừa qua, càng làm trầm trọng thêm sự chia rẽ sâu sắc và rạn nứt trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng với căng thẳng leo thang trong quan hệ với Nga, quan hệ giữa An-ca-ra với các nước láng giềng như I-rắc, Xi-ri, Ai Cập cũng không mấy tốt đẹp, thậm chí có lúc rơi vào đối đầu khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai các chiến dịch tấn công nhằm vào các tay súng người Cuốc trên lãnh thổ Xi-ri và I-rắc. Quan hệ giữa An-ca-ra và Liên minh châu Âu (EU) cũng trong tình trạng “dè chừng lẫn nhau” dù hai bên phải dựa vào nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư.
Trong cuộc đối đầu với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ không nhận được sự hậu thuẫn của đồng minh Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Oa-sinh-tơn ngay từ đầu đã tuyên bố “đứng ngoài” tranh cãi giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời kêu gọi Mát-xcơ-va và An-ca-ra bỏ lại phía sau những bất đồng ngoại giao để tập trung vào mối đe dọa từ nhóm khủng bố IS. NATO cũng tránh rơi vào vòng rắc rối mới trong quan hệ với Mát-xcơ-va bởi quan hệ giữa Nga và NATO vốn luôn căng thẳng và bất đồng. Bất kỳ động thái nào của NATO đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa, dẫn tới sự đối đầu trực tiếp với Nga và khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Tất cả những điều đó đang khiến hình ảnh của Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vai trò và vị thế của An-ca-ra cũng bị giảm sút. Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ lâm vào tình trạng bị cô lập trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh đó, việc An-ca-ra và Mát-xcơ-va khôi phục quan hệ là điều hết sức cần thiết. Chính Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Rê-xép Tay-íp Éc-đô-gan hồi cuối tháng 3 vừa qua đã khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là hai quốc gia có vai trò quan trọng và có ảnh hưởng lẫn nhau trong suốt nhiều thế kỷ qua, bởi vậy An-ca-ra và Mát-xcơ-va cần khôi phục hợp tác. Trong khi đó, Tổng thống Nga Pu-chin cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ vì lợi ích của nhân dân hai nước cũng như toàn khu vực.
Các lợi ích kinh tế, chính trị đan xen đã buộc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không thể tiếp tục leo thang căng thẳng mà phải bắt tay nhau. Mặc dù tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước còn dài, song động thái này đã phát đi một thông điệp tích cực, có thể đem lại lợi ích cho Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, cũng như các hoạt động phối hợp để giải quyết vấn đề Xi-ri và cuộc chiến chống IS./.