Quốc tế dự đoán về Trung Quốc sau phán quyết của PCA

08:07, 12/07/2016
Hôm nay 12-7, Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) ở La Hay chính thức sẽ đưa ra phán quyết vụ Phi-líp-pin kiện Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông.
 
Có nhiều dự đoán phán quyết của phiên tòa sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc. Cũng có ý kiến cho rằng, sau phán quyết của Tòa án, Trung Quốc có thể sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn đối với các bên liên quan.
 
Lập trường “3 không”
 
Dù trước hay sau phiên tòa, Chính phủ Trung Quốc luôn khẳng định lập trường của mình rằng “tiếp nhận cũng không và tham gia cũng không” đối với phán quyết của Tòa án.
 
Quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cho rằng lập trường đó: có thể tóm gọn lý do phủ nhận của Trung Quốc bằng “3 không”:
 
Cái “Không” thứ nhất, đó là Phi-líp-pin đã “không tôn trọng luật pháp”. Nội dung mà Phi-líp-pin trình lên Tòa án, thực chất chỉ là thứ liên quan tới vấn đề chủ quyền lãnh thổ của một phần khu vực Biển Đông, vượt quá phạm vi của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 (trên thực tế, Phi-líp-pin muốn PCA yêu cầu Trung Quốc làm rõ yêu sách đường 9 đoạn của nước này - điều mà Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra được bằng chứng thuyết phục - PV).
 
Hơn thế nữa, Trung Quốc cho rằng, Phi-líp-pin đã không hề thảo luận với Trung Quốc, đơn phương gửi đơn lên PCA ở La Hay. Do vậy, điều này đã đi ngược lại với Luật pháp Quốc tế, với những điều khoản mà Phi-líp-pin đã thỏa thuận với Trung Quốc trong quá khứ (trên thực tế, Phi-líp-pin đã mất tới 17 năm trời đàm phán mà không đạt được kết quả cụ thể gì với Trung Quốc).
 
Cái “Không” thứ hai, vấn đề không thuộc quyền hạn của Tòa án. Việc tiếp nhận đơn kiện mặc dù là thực hiện theo hành vi vi phạm pháp luật của Phi-líp-pin (Trung Quốc coi việc Phi-líp-pin kiện Trung Quốc là vi phạm luật quốc tế, nhưng không thể nêu rõ được Phi-líp-pin vi phạm như thế nào), nhưng PCA đã không thực hiện theo Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, mở rộng quyền hạn, cưỡng chế thi hành án. Tất cả những điều đó theo Trung Quốc là vi phạm luật quốc tế.
 
Cái “Không” thứ ba là: Phán quyết của PCA không có hiệu lực (Trung Quốc nhiều lần bày tỏ nghi ngờ về tính pháp lý của PCA và từ chối tham gia vụ kiện nhưng lại rất tích cực lên tiếng trước bất kỳ động thái nào của Tòa).
 
Việc phán xét Trung Quốc dựa trên hành vi “đồng mưu” giữa Phi-líp-pin - một bên vi phạm luật pháp quốc tế - và PCA - một bên không thực hiện phán xét theo luật pháp quốc tế, đương nhiên xét về góc độ luật pháp sẽ không có hiệu lực (đây là quan điểm quen thuộc của Trung Quốc khi đuối lý trong bất kỳ vấn đề gì).
 
Trung Quốc cho rằng, lịch sử và sự thật chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực Biển Đông (khu vực đường lưỡi bò) và khu vực xung quanh đó là không thay đổi (Trung Quốc ngang nhiên cho rằng, mình có chủ quyền ở khu vực đường lưỡi bò dù không đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào). Những ảnh hưởng đối với lợi ích của Trung Quốc là không thể chấp nhận.
 
Trước đó, Chủ tịch Tập Cận Bình trong buổi Lễ kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã tuyên bố: “Quyền lợi chính đáng của chúng tôi ở Biển Đông quyết không thể vứt bỏ” và sẽ “thực hiện phương châm chiến lược quân sự tích cực nhất” để bảo vệ quyền lợi đó. Trung Quốc đã tăng cường quân đội cho một cuộc chiến tranh quân sự tại Biển Đông.
 
Nhà bình luận quân sự nổi tiếng của Nhật Bản, ông Ta-ô-ca Si-un-gi tiết lộ: Trung Quốc ngoài hoạt động thực tế đang diễn ra tại khu vực Biển Đông, cũng đã triển khai tiềm lực quân đội, trang bị tàu tối tân tại đảo Hải Nam.
Hình ảnh vệ tinh Trung Quốc cải tạo phi pháp bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh AP
Hình ảnh vệ tinh Trung Quốc cải tạo phi pháp bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh AP
Tìm cách “trục lợi” từ kẽ hở pháp luật?
 
Theo quy định của Tòa án Tư pháp quốc tế, khi bắt đầu phiên tòa, nhất thiết phải có 2 bên đương sự là một bên khởi kiện và một bên bị khởi kiện.
 
Tuy nhiên, theo ông Mu-ra-nô Hi-rô-si - một nhà báo pháp luật tự do của Nhật Bản cho rằng, phiên tòa này được thực hiện dựa trên Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, với quy định rõ ràng rằng nếu như hai bên đều đã ký kết Công ước này (cả Trung Quốc và Phi-líp-pin đã ký Công ước này) thì chỉ cần một bên khởi kiện là có thể tiến hành phiên tòa.
 
Phán quyết của PCA mặc dù có hiệu lực về mặt pháp luật với các bên đương sự, nhưng trong trường hợp một bên không thực hiện theo phán quyết thì quy định về xử phạt đối với bên không thực hiện lại không có.
 
Dựa vào đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lớn tiếng phản đối phiên tòa của PCA rằng do không phải vấn đề của Tòa án, nên cũng không cần phải đưa ra phán quyết nào cả và không chấp nhận phương pháp giải quyết tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với sự tham gia của bên thứ 3.
 
Phán quyết của PCA tuy được dự đoán là bất lợi cho Trung Quốc, song sự ràng buộc của phán quyết và thi hành án lại không rõ ràng, khiến Trung Quốc có vẻ “xem nhẹ” ngay cả khi chưa có phán quyết.
 
Điều này cũng là yếu tố để các bên liên quan chú ý và thận trọng hơn với hành động của Trung Quốc, nghĩa là không kỳ vọng vào phán quyết của PCA có thể thay đổi bản chất và hành động của nước này.
 
Tình hình Phi-líp-pin có lợi cho Trung Quốc?
 
Trong khi đó, tình hình nội bộ Phi-líp-pin hiện tại có thể nói lại đang có lợi cho Trung Quốc.
 
Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Nhật Bản, ông Ca-ta-ni Tét-su-ô cũng phân tích thêm rằng tại thời điểm tháng 3-2016 khi đó Tổng thống Phi-líp-pin là ông Béc-ni-nô A-ki-nô với lập trường mạnh mẽ rằng sẽ trừng phạt Trung Quốc, nhưng với Tân Tổng thống Rô-đri-gô Đu-téc-tê thì lại khác.
 
Ông Đu-téc-tê đã nhắc lại nhiều lần việc sẵn sàng thương lượng với Trung Quốc nếu Trung Quốc hòa giải thông qua biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế. Do vậy, có khả năng hành động của Phi-líp-pin sẽ bị tác động bởi yếu tố kinh tế.
 
Tân Tổng thống Phi-líp-pin Rô-đri-gô Đu-téc-tê cũng đã tỏ ra rất lạc quan về ưu thế của Phi-líp-pin trong vụ kiện, nhưng vẫn xa gần kêu gọi Trung Quốc hiệp nghị để giải quyết vấn đề sau khi Tòa phán quyết.
 
Quan điểm của ông Đu-téc-tê khác hẳn với lập trường của người tiền nhiệm là ông A-ki-nô, tránh hiệp nghị 2 bên với Trung Quốc, tăng cường hợp tác với Nhật, Mỹ gây sức ép đối với Trung Quốc.
 
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong thư chúc mừng tân Tổng thống Rô-đri-gô Đu-téc-tê cũng đã khẳng định rằng hai nước là lân bang không thể thay đổi. Việc tăng cường quan hệ hữu hảo thân thiện đã có lịch sử hơn 1.000 năm là xu hướng chính xác cần duy trì.
 
Hiện tại quan hệ hai nước đang nhìn thấy cơ hội phát triển quan trọng. Do vậy hai nhà lãnh đạo sẽ nỗ lực cùng nhau xúc tiến cải thiện quan hệ, thực hiện mối quan hệ phát triển toàn diện và ổn định.
 
Tờ ASEAN Portal đã trích dẫn lời tân Tổng thống Phi-líp-pin cam kết dù phán quyết của Tòa án là như thế nào thì cũng vẫn sẽ đàm phán với Trung Quốc về viện trợ kinh tế từ nước này để đảm bảo lợi ích “đôi đường” đối với Phi-líp-pin, cụ thể là có gợi ý việc Trung Quốc viện trợ dự án xây dựng đường sắt nối Thủ đô Ma-ni-la với sân bay quốc tế.
 
Tình thế nói trên khiến giới phân tích nhận định, Trung Quốc sẽ bất chấp phán quyết và tiếp tục thúc đẩy tham vọng biển của mình./.
 
Theo VOV


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com