Ngay sau khi xảy ra đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16-7, các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ, các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới bày tỏ ủng hộ chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Thông cáo của Nhà trắng nêu rõ: “Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry nhất trí rằng, tất cả các bên ở Thổ Nhĩ Kỳ cần phải ủng hộ chính phủ được bầu chọn dân chủ cũng như kiềm chế và tránh để xảy ra bất kỳ vụ bạo lực hoặc đổ máu nào”.
Người dân đứng cạnh xe tăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại sân bay Ataturk, TP Istanbul, ngày 16-7. (Ảnh: Reuters) |
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trên mạng xã hội Twitter: “Tôi kêu gọi sự bình tĩnh, kiềm chế và hoàn toàn tôn trọng chính phủ, hiến pháp dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Farhan Haq, cho biết: “Tổng Thư ký Ban Ki-moon đang theo sát các diễn biến tại Thổ Nhĩ Kỳ. LHQ đang nỗ lực tìm hiểu rõ tình hình trên bộ tại nước này và kêu gọi các bên bình tĩnh”.
Slovakia, quốc gia hiện giữ vị trí Chủ tịch luân phiên Liên hiệp châu Âu (EU), đang phối hợp các nhà lãnh đạo của EU để có phản ứng phù hợp sau vụ việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. “Bộ trưởng Ngoại giao Miroslav Lajcak giữ liên lạc suốt đêm qua với Cao ủy phụ trách các vấn đề đối ngoại của EU Federica Mogherini và các nhà lãnh đạo châu Âu. Bộ trưởng cũng liên hệ các đối tác trong Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm làm rõ tình hình tại nước này và thảo luận các biện pháp EU nên thực hiện để duy trì, hỗ trợ nền dân chủ và sự ổn định của Thổ Nhĩ Kỳ”, Bộ Ngoại giao Slovakia thông báo.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson bày tỏ, ông vô cùng quan ngại về vụ đảo chính, đồng thời cho biết, Chính phủ Anh đang theo dõi tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif cũng quan ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trên Twitter, ông Zarif viết: “Sự ổn định, nền dân chủ và sự an toàn của người dân Thổ Nhĩ Kỳ là quan trọng nhất. Sự đoàn kết và thận trọng là điều bắt buộc phải có”.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nhận định, các diễn biến tại Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra quá nhanh chóng, do đó chưa thể hiểu đầy đủ về những gì đang xảy ra tại nước này. Nga quan ngại về tình hình của Thổ Nhĩ Kỳ và mong muốn sẽ được nhìn thấy nước này lấy lại sự bền vững và ổn định.
Theo nhandan.com.vn