Theo Tạp chí Chính sách Đối Ngoại (Mỹ), không ai, thậm chí không phải là Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma, đã làm nhiều hơn để giúp Mỹ được hoan nghênh ở châu Á hơn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Kể từ năm 2012, chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình đã làm sáng tỏ những nỗ lực thận trọng trong nhiều năm của Bắc Kinh nhằm thuyết phục các nước láng giềng châu Á về những lợi ích “hai bên cùng thắng” trong sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc.
Dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã trải qua một loạt thất bại ngoại giao dẫn đến sự phản tác dụng trong chính sách đối ngoại khiến họ phải đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về năng lực chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
Nguồn tin trên cho rằng, đánh giá chung trong 3 năm qua cho thấy một loạt những thất bại đáng lưu ý trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Tòa Trọng tài thường trực ở La Hay (Hà Lan) ngày 12-7 vừa qua đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn”, vốn là nền tảng trong tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các đảo và đá có tranh chấp và chiếm 85% diện tích Biển Đông. Đây là một cú giáng mạnh, làm xói mòn một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với phần còn lại của châu Á.
Tuy nhiên, phán quyết của Toà Trọng tài chỉ là thất bại mới nhất trong hàng loạt bước thụt lùi ngoại giao của Trung Quốc trong vài năm trở lại đây.
Trước đó, Hàn Quốc đã quyết định triển khai trên lãnh thổ nước này hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, trong bối cảnh phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc.
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Su-san Rai-xơ trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 25-7. Ảnh: THX/TTXVN |
Bắc Kinh đang gây sức ép và kêu gọi Xơ-un ưu tiên mối quan ngại an ninh của Trung Quốc, nhưng chỉ nhận được điều ngược lại. Quyết định về THAAD đã đẩy Hàn Quốc xích lại gần hơn với Mỹ và mở ra những cánh cửa cho sự hợp tác chiến lược ba bên Mỹ - Hàn - Nhật - điều mà Bắc Kinh không mong muốn từ lâu.
Tất nhiên, quyết định về THAAD trên cũng liên quan đến thất bại ngoại giao của Trung Quốc nhằm hạn chế các chương trình thử tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Thực vậy, việc Bình Nhưỡng lờ đi lời kêu gọi của Bắc Kinh không thực hiện các vụ thử hạt nhân và tên lửa là chỉ dấu ấn tượng nhất.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cử đặc phái viên tới Bình Nhưỡng nhằm thuyết phục Triều Tiên không thử tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã tuyên bố sẽ tiếp tục thử tên lửa.
Thất bại trên bán đảo Triều Tiên xảy ra sau một thất bại liên quan đến quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông mà Nhật Bản gọi là Sen-ca-cư, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Bắc Kinh đã nỗ lực sử dụng tranh chấp này nhằm chia rẽ liên minh Mỹ - Nhật bằng cách đặt ra nghi vấn liệu Mỹ sẽ hỗ trợ Nhật Bản trong một cuộc xung đột với Trung Quốc.
Nhưng vào tháng 4-2014, trong một chuyến thăm Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma đã làm rõ rằng Điều V của hiệp ước liên minh Mỹ - Nhật mở rộng tới quần đảo Sen-ca-cư/Điếu Ngư.
Trong khi đó, những vụ xâm nhập bằng không quân và hải quân của Trung Quốc xung quanh quần đảo Sen-ca-cư/Điếu Ngư đã có tác động lớn đối với chính sách an ninh của Nhật Bản, dẫn đến quyết định năm 2014 của Tô-ky-ô nhằm khôi phục hiến pháp, cho phép thực hiện phòng thủ tập thể và những chính sách phòng thủ Mỹ - Nhật năm 2015, vốn thừa nhận vai trò an ninh rộng lớn hơn của Nhật Bản trong khu vực.
Mùa xuân vừa qua, các tàu chiến thuộc Lực lượng Phòng vệ Hải quân Nhật Bản đã ghé thăm một số cảng ở Vịnh Su-bích của Phi-líp-pin, Cảng Xít-ni ở Ốt-xtrây-li-a… và chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện mới đây của Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê làm dấy lên khả năng nước này sửa Hiến pháp Hòa bình, một cơn ác mộng khác đối với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hành vi quyết đoán của Bắc Kinh ở Biển Đông đã dẫn đến xu hướng và sự hợp tác an ninh chưa từng có tiền lệ giữa Ốt-xtrây-li-a, Nhật Bản, Mỹ và các quốc gia ven biển trong khu vực.
Ngoài châu Á, sự thất bại ngoại giao của Trung Quốc cũng đã xuất hiện ở châu Âu, nơi Liên minh châu Âu (EU), bất chấp sức ép của Trung Quốc, bác bỏ nỗ lực của Bắc Kinh để được thừa nhận là “nền kinh tế thị trường” của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Thay vào đó, việc dư thừa nguồn cung thép và các sản phẩm khác của Trung Quốc đã khiến EU và Mỹ áp mức thuế chống bán phá giá đối với Bắc Kinh. Ngoài ra, những chính sách kinh tế dân tộc áp bức trong việc xử phạt các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đã làm vỡ mộng cộng đồng kinh doanh Mỹ, làm xấu đi nền tảng hỗ trợ cho mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Không có sự ủng hộ từ các doanh nghiệp Mỹ, mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc vốn đã biến động, sẽ trở nên phức tạp hơn.
Báo trên đặt ra câu hỏi: Chúng ta sẽ giải thích tất cả thất bại ngoại giao của Trung Quốc thế nào? Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 ở Mỹ, các nhà phân tích Trung Quốc kết luận một cách nhầm lẫn rằng Oa-sinh-tơn đang suy giảm ở giai đoạn cuối và rằng thời khắc của Trung Quốc đã đến để rũ bỏ một thế kỷ của sự “sỉ nhục” bằng cách khẳng định ảnh hưởng của mình, thay vì “giấu mình chờ thời” khi nước này đã phát triển về kinh tế.
Do đó, chiến lược của Trung Quốc dựa trên những giả định sai lầm rằng Trung Quốc, với vị trí địa lý có lợi, đang trở nên lớn hơn và mạnh hơn về mặt quân sự và rằng một nước Mỹ đang suy giảm sẽ dần dần phải rút khỏi khu vực./.
Theo Báo Tin Tức