Trung Quốc biết rằng chính sách xoay trục sang châu Á của Điện Krem-lin chỉ là một kế hoạch dự phòng và “trái tim” của Mát-xcơ-va luôn hướng về phương Tây. Do đó, Bắc Kinh sẽ theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu chớm nở của việc xích lại gần nhau giữa Nga và phương Tây.
Trong số ra mới đây, trang mạng
Thời báo châu Á (Asia Times) đã đăng bài xã luận của cựu Đại sứ MK Bha-đra-cu-ma, người phục vụ trong ngành Ngoại giao Ấn Độ trong hơn 29 năm, từng đảm nhiệm cương vị là Đại sứ Ấn Độ tại U-dê-bê-kít-xtan (1995-1998) và Thổ Nhĩ Kỳ (1998-2001), với nhận định rằng: Trong khi mối quan hệ giữa Nga - Trung Quốc luôn được lãnh đạo hai nước tuyên bố bằng những ngôn từ đẹp đẽ nhất - “Bạn bè mãi mãi” (Vla-đi-mia Pu-chin) - thuyết chiến lược của họ đang trở nên có nhiều sắc thái mới trong thời gian gần đây.
Theo tác giả, các chuyên gia Trung Quốc và Nga đều cho rằng lý do chính trị của “mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước, điển hình, dựa trên nhu cầu của họ nhằm kiềm chế Mỹ. Khi đánh giá tổng quát về chuyến thăm mới đây của Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-chin đến Bắc Kinh, Giáo sư Sen Đin-li chuyên về quan hệ quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Phúc Đán Thượng Hải, Trung Quốc, một nhà bình luận hàng đầu về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, nhấn mạnh rằng “Trung Quốc là một quốc gia thực tế và nước này nhận thức được sức mạnh đòn bẩy... Sự khôn ngoan của Trung Quốc từ thời cổ đại sẽ không bị mất trong thời đại hiện nay”.
|
Ngày 25-6, Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-chin (trái) đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: EPA/ TTXVN |
Ông Sen cho rằng không có lý do gì để Trung Quốc cự tuyệt đề nghị đàm phán của Nga, giúp “đối trọng” với liên minh Mỹ - Nhật Bản trong bối cảnh Mỹ gia tăng chiến lược “tái cân bằng” (sang châu Á).
Theo ông Sen, Mát-xcơ-va hiện đang sử dụng một chiến lược tương tự để duy trì lợi ích quốc gia của riêng mình. Nếu có một cách có thể giúp nước này chống lại các mối đe dọa từ Mỹ trong khi vẫn giữ một mức độ nhất định của sự hợp tác cùng có lợi với Oa-sinh-tơn, thì đó chính là sự hợp tác với Bắc Kinh.
Thật vậy, chính sách “xoay trục về phía Đông” của Điện Krem-lin chỉ là một kế hoạch dự phòng, mà về cơ bản là do áp lực..., sự hợp tác của Nga với Trung Quốc mang tính “thủ đoạn” nhiều hơn, thay vì là một “chiến lược”.
Tuy nhiên, “trái tim” của Nga lại luôn ở phương Tây. Hy vọng lớn nhất của Mát-xcơ-va là nhận được sự tôn trọng từ phương Tây và hòa nhập vào Tây bán cầu... Nếu Tổng thống Mỹ tiếp theo thể hiện sự tôn trọng hơn với Nga và ít gây khó khăn đối với Mát-xcơ-va, “xoay trục về phía Đông” của Điện Krem-lin sẽ rất có khả năng chuyển hướng sang phương Tây.
Trong khi đó, Nga cũng cảnh giác đối với Trung Quốc. Do khác nhau về các giá trị cốt lõi, sự hợp tác giữa hai bên chủ yếu nhằm vào những bên thứ ba. Lịch sử đã chứng minh nhiều lần rằng bất kỳ sự hợp tác nào dựa trên những tính toán nhằm vào bên thứ ba chắc chắn sẽ thay đổi theo thời gian.
Điều thú vị là, tờ
Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã đưa ra một số lời khuyên hữu ích đối với Oa-sinh-tơn: “Do những nỗ lực không ngừng của Mỹ nhằm siết chặt không gian chiến lược của Trung Quốc và Nga, Bắc Kinh và Mát-xcơ-va có lý do để hiệp lực đối phó với Mỹ. Mỹ là không thể để đánh bại “rồng” Trung Quốc và “gấu” Nga cùng một lúc”.
Về phần mình, các chuyên gia Nga cũng đồng ý với quan điểm của Sen. Họ cũng nhận thấy động lực của những hội nghị thượng đỉnh Nga - Trung Quốc là sự phản ánh (mối quan hệ) chính trị của những cường quốc lớn.
Theo quan điểm của họ, trong khi Mát-xcơ-va nên tiếp tục tránh xa cuộc đối đầu Mỹ - Trung Quốc, Nga có thể tận dụng lợi thế từ cuộc đối đầu này, bởi vì căng thẳng với Oa-sinh-tơn sẽ “làm cho Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ hơn đối với những nhu cầu và lo ngại của Nga”.
Điểm đáng lưu ý ở đây là, đúng đêm trước chuyến thăm của ông Pu-chin tới Trung Quốc, Phi-ô-đo Lu-ki-a-nốp, học giả nổi tiếng của Điện Krem-lin đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga, đã bình luận trên tờ nhật báo
Rossiyskaya Gazeta rằng một “sự tan băng” là có thể trong quan hệ giữa Nga với phương Tây và “bầu không khí đã thay đổi”.
Ông viết: Những tiếng nói của những người phản đối các lệnh trừng phạt chống Nga đã trở nên mạnh mẽ hơn (ở phương Tây). Phía Nga cũng đang cho thấy sự quan tâm nhiều hơn trong việc kích hoạt hợp tác và các vấn đề kinh tế - xã hội đang trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận. Nếu không có sự leo thang mạnh mẽ ở U-crai-na, các cơ chế trừng phạt sẽ bắt đầu được dỡ bỏ vào tháng 1-2017.
Ông Lu-ki-a-nốp giải thích rằng “sự đối đầu ý thức hệ giả tạo” giữa Nga và phương Tây đã tạo ra một bầu không khí giả tạo của mối quan hệ đối đầu, trong khi đó, trên thực tế, “không có mâu thuẫn trong những ý tưởng đáng nói” như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Do đó, “một sự phát triển cân bằng cả hai chiều (giữa Nga và phương Tây) không chỉ là bình thường, mà còn hoàn toàn cần thiết”.
Vấn đề đáng lưu ý nữa là, Mát-xcơ-va cũng cảm thấy thất vọng khi mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc đã chậm lại. Thương mại đã giảm mạnh (từ 100 tỷ USD năm 2014 xuống còn chỉ hơn 60 tỷ USD năm ngoái) do sự kết hợp của các yếu tố như sự mất giá đồng tiền của Nga, giá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Hãng AP cho biết, tại một diễn đàn Nga - Trung Quốc mới được tổ chức tại Mát-xcơ-va, trong khi các quan chức ca ngợi sự gần gũi “chưa từng có tiền lệ” trong mối quan hệ giữa hai nước, các doanh nhân và chuyên gia lại tỏ ra dè dặt. Nhà tài phiệt Nga Vích-to Vê-sen-béc được cho là đã lên tiếng chỉ trích các Cty Trung Quốc tỏ ra ít quan tâm đến việc đầu tư vào các ngành công nghiệp Nga.
Chắc chắn, Bắc Kinh sẽ theo dõi sát sao những tín hiệu chớm nở về sự xích lại gần nhau giữa Nga và phương Tây. Nhưng trên thực tế, có rất ít lý do để lo lắng về việc Mát-xcơ-va có động lực mạnh mẽ cho những chuyến phiêu lưu hào nhoáng giả tạo./.
Theo Báo Tin Tức