Tương lai quan hệ Trung - Mỹ sau bầu cử Tổng thống Mỹ

09:06, 14/06/2016
Chuyên mục “Quan sát” của tờ “Văn hối” Hồng Công ngày 10-6 viết, vòng “Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung - Mỹ” lần cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Ô-ba-ma đã kết thúc hôm 7-6 tại Bắc Kinh, Trung Quốc và được đánh giá là đạt kết quả mỹ mãn.
 
Cùng lúc phía bên kia bờ Thái Bình Dương, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khóa mới đang trong giai đoạn kết thúc bầu cử sơ bộ, bước vào giai đoạn tranh cử quyết liệt hơn.
 
Theo các nhà quan sát chính trị Trung Quốc, mỗi khi bầu cử Tổng thống Mỹ, quan hệ Trung - Mỹ, nhất là quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước sẽ đều được các chính khách của Mỹ đưa ra làm một trong những “lá bài” vận động tranh cử. Và trong bầu cử Tổng thống Mỹ lần này cũng khó tránh khỏi điều này. Dự đoán bắt đầu từ tháng 7 tới, Trung Quốc sẽ khó tránh khỏi những đợt chỉ trích, thậm chí là công kích liên tiếp từ phía các ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ khóa tới.
Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri (trái) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương tại vòng Đối thoại hôm 7-6. Ảnh: Internet
Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri (trái) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương tại vòng Đối thoại hôm 7-6. Ảnh: Internet
Trải qua nửa năm bầu cử sơ bộ, tình hình bầu cử Tổng thống Mỹ khóa mới đã bộc lộ những dấu hiệu ban đầu. Theo đó, nếu không xảy ra sự cố bất ngờ, cựu Ngoại trưởng Mỹ, bà Hi-la-ri Clin-tơn và tỷ phú Đô-nan Trăm sẽ lần lượt đại diện cho Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa Mỹ tranh giành “ngai vàng” Tổng thống Mỹ khóa tới. Mặc dù rất nhiều dấu hiệu cho thấy, khả năng chính trị gia chuyên nghiệp Hi-la-ri Clin-tơn giành chiến thắng là khá lớn, song tỷ phú Đô-nan Trăm vốn bị đánh giá thấp trước đây đang ngày càng giành lại thế trận của mình. Và không loại trừ khả năng, cuối cùng nhà tỷ phú này trở thành Tổng thống Mỹ khóa mới.
 
Có điều, đến tháng 11 tới, hai ứng cử viên 70 tuổi này, bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và trở thành Tổng thống đời thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, đều được cho là sẽ không thay đổi chiến lược “quay trở lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, nhất là Hi-la-ri Clin-tơn, ứng cử viên đang có nhiều hy vọng hơn trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Mỹ.
 
Trên thực tế, người đầu tiên khởi xướng Chiến lược “quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương” không phải là đương kim Tổng thống Mỹ, Ba-rắc Ô-ba-ma, mà là bà Hi-la-ri Clin-tơn. Ngay từ năm 2009, tại Thái Lan, Hi-la-ri Clin-tơn đã cao giọng thông báo chiến lược “quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương” của Mỹ. Với Hi-la-ri Clin-tơn, thời đại châu Âu là trung tâm đã kết thúc, lực lượng của Mỹ tại khu vực Trung Đông sẽ tiếp tục rút về. Trong khi đó, một chính sách đối với châu Á - Thái Bình Dương tốt vừa có thể khiến Mỹ cùng chia sẻ lợi ích lâu dài với các nước châu Á về kinh tế và thương mại, lại vừa có thể về chính trị trói buộc các nước gây ra mối đe dọa an ninh đối với Mỹ. Vì thế, trong nhiều năm sau đó, Hi-la-ri Clin-tơn đã không ngừng công kích Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông và vấn đề chủ quyền quần đảo Sen-ca-cư (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở vùng biển Hoa Đông.
 
Các chuyên gia phân tích chính trị quốc tế của Trung Quốc phần đông nhận định, về năng lực kiểm soát từ chính phủ đến quân đội và năng lực thực hiện chính sách, Hi-la-ri Clin-tơn đều vượt trội so với Ba-rắc Ô-ba-ma. Cho nên, nếu như giành thắng lợi trong bầu cử và trở thành Tổng thống Mỹ khóa mới, Hi-la-ri Clin-tơn sẽ có nhiều hơn hành động nhằm vào Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và điều này khiến Trung Quốc lo ngại.
 
Thế nhưng, các chuyên gia phân tích chính trị quốc tế của Trung Quốc cũng nêu rõ, một thực tế cần nhìn nhận rõ là, sở dĩ quan hệ kinh tế, thương mại Trung - Mỹ luôn bị chỉ trích trong các lần bầu cử Tổng thống Mỹ là do bản thân hợp tác kinh tế, thương mại Trung - Mỹ luôn có quan hệ mật thiết với kinh tế trong nước Mỹ, mà nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tân Tổng thống Mỹ sau khi lên nắm quyền là giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước, thúc đẩy kinh tế Mỹ phát triển, điều này đòi hỏi phải hợp tác với Trung Quốc. Vì thế, với “bùa hộ mệnh” là hợp tác kinh tế, thương mại, có thể nói quan hệ Trung - Mỹ trong tương lai xấu cũng không thể xấu quá./.
 
Theo TTXVN


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com