Ngoại trưởng Đức Oan-tơ Sten-mây-ơ ngày 19-6 cho biết, EU sẽ dỡ bỏ dần các trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng U-crai-na.
Tuy nhiên, theo ông Sten-mây-ơ, điều này chỉ có thể diễn ra nếu tiến trình hòa bình tại U-crai-na đạt được những bước tiến vững chắc.
Phát biểu của ông Sten-mây-ơ một lần nữa cho thấy rõ sự chia rẽ trong liên minh cầm quyền tại Đức về các chính sách với Nga.
Ông Steinmeier đang gặp thế khó khi Đảng SPD của ông ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga. Ảnh AP |
Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) của ông Sten-mây-ơ ủng hộ lập trường hòa giải với Nga hơn so với khối bảo thủ của Thủ tướng An-giê-la Méc-ken. Thủ tướng Đức Méc-ken đã nhiều lần khẳng định sẽ chỉ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga nếu thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt xung đột tại miền Đông U-crai-na được thực thi đầy đủ.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Sten-mây-ơ nói rằng ủng hộ việc dỡ bỏ dần dần các trừng phạt nếu Chính phủ Nga đang thực hiện từng bước thỏa thuận hòa bình Min-xcơ cho hòa bình U-crai-na.
Ông Sten-mây-ơ cũng nói rằng các trừng phạt sẽ không thể tự chấm dứt, thay vào đó cần có những khích lệ để các bên thay đổi cách hành xử và hành động của mình.
Hải quân In-đô-nê-xi-a nổ súng nhằm vào tàu Trung Quốc
Sky News ngày 20-6 dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, tàu Hải quân In-đô-nê-xi-a đã bắn một tàu cá của Trung Quốc làm ít nhất 1 người bị thương.
Đây là vụ đụng độ lần thứ ba được báo cáo giữa hai nước tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông kể từ đầu năm đến nay.
Theo đó, Hải quân In-đô-nê-xi-a cho biết họ bắn cảnh cáo một số tàu thuyền mang cờ Trung Quốc vì đánh bắt cá trái phép gần quần đảo Na-tu-na. Trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với Roi-tơ rằng, đã có người bị thương sau khi Hải quân In-đô-nê-xi-a nổ súng.
In-đô-nê-xi-a không phải là một phần trong tranh chấp liên quan đến hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, In-đô-nê-xi-a phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc với cái gọi là “đường lưỡi bò” trong đó có cả các đảo thuộc quần đảo Na-tu-na do In-đô-nê-xi-a kiểm soát.
Trung Quốc cho biết họ không có tranh chấp chủ quyền quần đảo Na-tu-na với In-đô-nê-xi-a nhưng bao biện rằng, khu vực nơi xảy ra sự cố nằm trong vùng chồng lấn.
Dân thường I-rắc tiếp tục tháo chạy khỏi Pha-lu-gia
Liên hợp quốc ngày 19-6 cho biết đã có hơn 80 nghìn dân thường chạy khỏi Pha-lu-gia và các vùng lân cận kể từ khi chiến dịch tái chiếm thành phố này từ tay IS được phát động từ tháng 5.
Thủ tướng I-rắc Hây-dơ An A-ba-đi tuyên bố chiến thắng sau khi lực lượng đặc biệt I-rắc tái chiếm phần lớn Pha-lu-gia sau nhiều tuần giao tranh.
Hội đồng Tị nạn Na Uy cho biết, các trại tị nạn do Chính phủ I-rắc và các tổ chức nhân đạo thành lập đã quá tải, khiến nhiều người I-rắc vào cảnh không có chỗ ở và thiếu các điều kiện vệ sinh cơ bản. IS chiếm được nhiều vùng của I-rắc vào mùa hè năm 2014 và khiến hơn 3,4 triệu người phải bỏ nhà đi lánh nạn.
Chính phủ I-rắc đã cố gắng đáp ứng những nhu cầu cơ bản của 3,4 triệu người bỏ nhà đi sơ tán và đã kêu gọi quốc tế hỗ trợ cũng như phụ thuộc vào sự giúp đỡ của mạng lưới các tổ chức tôn giáo địa phương./.
Theo vov.vn