Có ý kiến cho rằng những tranh cãi kéo dài nhiều thập kỷ xung quanh vấn đề kiểm soát súng đạn tại Mỹ có thể sẽ bước vào một giai đoạn quan trọng tại Thượng viện trong tuần tới, bởi ngày càng có nhiều người Mỹ tỏ ý sẵn sàng chấp nhận những quy định hạn chế sử dụng súng đạn sau vụ thảm sát kinh hoàng vừa qua tại Phlo-ri-đa.
Mặc dù ít có khả năng các chính sách mới sẽ được đưa ra trong ngắn hạn, song vụ xả súng tại Oóc-lan-đô khiến gần 50 người thiệt mạng, cùng những lời kêu gọi chính quyền hành động của ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Cộng hòa Đô-nan Trăm đã khiến nhiều người cho rằng việc ban hành các đạo luật kiểm soát súng đạn - vốn từng bị coi là bất khả thi - sắp trở thành hiện thực.
Trong khi Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma tới Oóc-lan-đô để chia sẻ với các nạn nhân và người sống sót sau vụ thảm sát ngày 12-6, Thượng viện Mỹ đang chuẩn bị cho kế hoạch tiến hành cuộc bỏ phiếu về các biện pháp kiểm soát súng đạn. Như thường lệ, các nghị sĩ đảng Dân chủ yêu cầu các nhà lập pháp đảng Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ các quy định hạn chế mới và tránh áp lực từ phía Hiệp hội Súng đạn Quốc gia (NRA), một tổ chức quyền lực, ủng hộ tự do sử dụng súng đạn có sức ảnh hưởng lớn và nổi tiếng với việc sẵn sàng “trừng phạt” bất cứ chính trị gia nào dám cản trở ý muốn của họ.
Thượng nghị sĩ bang Con-nếch-ti-cớt Crít Mơ-phi và các đồng minh trong đảng Dân chủ đã làm nóng bầu không khí Thượng viện với các bài phát biểu kéo dài 15 giờ đồng hồ liên tục, yêu cầu Thượng viện nhanh chóng hành động để giải quyết vấn đề kiểm soát súng đạn. Các nhà lập pháp kết thúc bài phát biểu trước bình minh, và nhắc lại cam kết của đảng Cộng hòa về việc sớm tổ chức một cuộc bỏ phiếu để mở rộng quy mô hoạt động kiểm soát thông tin của những người mua súng và cấm các cá nhân có tên trong danh sách nghi can khủng bố của Mỹ mua bán vũ khí.
|
Dân Mỹ dễ dàng mua súng tại các cửa hàng ở khắp nơi trên toàn quốc. Ảnh: AP |
Kiểm soát súng đạn là một vấn đề gây tranh cãi trong chính giới Mỹ. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa hiện đang nắm giữ đa số ghế trong Quốc hội đã cản trở những biện pháp kiểm soát vũ khí mà đảng Dân chủ ủng hộ trong những năm qua, cho rằng đảng Dân chủ đang xâm phạm quyền sở hữu vũ khí được Hiến pháp Mỹ bảo vệ.
Hàng loạt vụ xả súng diễn ra trên khắp nước Mỹ, tại các trường học, nhà thờ, rạp chiếu phim và những nơi công cộng khác đều chưa thể phá vỡ sự bế tắc này. Biện pháp kiểm soát súng đạn đáng kể nhất gần đây là lệnh cấm được ban hành năm 1994, theo đó cấm mua bán và sử dụng các loại vũ khí bán tự động như loại súng được sử dụng trong vụ thảm sát lại Oóc-lan-đô hôm 12-6. Lệnh cấm này đã hết hạn 10 năm sau đó. Tuy nhiên, có vẻ như người Mỹ đã sẵn sàng với việc hạn chế các loại súng cầm tay sau khi 49 nạn nhân thiệt mạng trong vụ việc kinh hoàng vừa qua, mặc dù đây có thể chỉ là phản ứng tức thời của dư luận trước vụ thảm sát bằng súng tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Trong khi đó, Đô-nan Trăm, người được coi là sẽ đại diện đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống vào ngày 8-11 tới, cũng là ứng cử viên được NRA hậu thuẫn, cũng đã tham gia các cuộc tranh luận này. Ông Trăm tuyên bố sẽ gặp gỡ các quan chức NRA để thảo luận về lệnh cấm mua bán vũ khí áp đặt đối với những cá nhân nằm trong danh sách tình nghi khủng bố của Mỹ. Trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News tối 15-6, ông nói: “Tôi sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng danh sách những kẻ bị giám sát và cấm bay. Tôi sẽ nói với NRA về việc này và sẽ bắt đầu một cuộc đối thoại thực sự. Tôi nghĩ nhiều người cũng nhất trí với tôi nhưng tôi vẫn muốn nghe quan điểm của họ (NRA)”.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp của đảng Dân chủ vẫn rất hoài nghi về khả năng tuyên bố của ông Trăm thực sự phản ánh sự thay đổi trong quan điểm của đảng Cộng hòa theo hướng có lợi cho các đề xuất kiểm soát súng đạn mà đảng Dân chủ ủng hộ./.
Theo Báo Tin Tức