Theo Roi-tơ, TTXVN và tin nước ngoài, ngày 29-6, các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) bước sang ngày họp thứ hai của Hội nghị cấp cao EU tại Brúc-xen (Bỉ), hội nghị đầu tiên sau khi phần đông cử tri Anh tán thành nước này rời khỏi EU (Brexit). Cuộc họp này không có sự tham dự của Thủ tướng Anh Đ.Ca-mê-rôn. Các nhà lãnh đạo EU thảo luận về những hậu quả sau sự kiện Brexit và tiến trình đàm phán việc Anh ra khỏi EU, cũng như các biện pháp cải cách cần thiết nhằm duy trì sự thống nhất trong EU.
* Thủ tướng Anh đã dự ngày họp đầu tiên (28-6) của Hội nghị cấp cao EU. Phát biểu ý kiến tại đây, ông Ca-mê-rôn cho rằng, EU nên cân nhắc cải cách các quy định liên quan tự do đi lại giữa các nước thành viên và coi đây là một trong những điều kiện căn bản trong việc xây dựng quan hệ gắn bó giữa Anh với EU sau sự kiện Brexit. Thủ tướng Ca-mê-rôn đã từ chối yêu cầu của các lãnh đạo EU về việc chính thức bắt đầu tiến trình đàm phán đưa Anh ra khỏi EU, nhấn mạnh đây là nhiệm vụ của Thủ tướng sắp tới của Anh.
* Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại P.Mô-ghê-ri-ni đã kêu gọi EU củng cố năng lực quốc phòng, sau khi các lãnh đạo EU thừa nhận Brexit khiến khối này mất đi một trụ cột quân sự quan trọng là Anh. Theo bà Mô-ghê-ri-ni, EU phải có trách nhiệm lớn hơn với an ninh của khối, theo đó nâng cao năng lực phát hiện, phản ứng kịp thời và bảo vệ hiệu quả chính mình trước các mối đe dọa từ bên ngoài.
* Tại hội nghị hằng năm tổ chức ở Bồ Đào Nha, trong hai ngày 28 và 29-6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, sẵn sàng hỗ trợ ổn định các thị trường tài chính sau sự kiện Anh rời EU. Chủ tịch ECB M.Đra-ghi kêu gọi các ngân hàng trung ương châu Âu và trên thế giới tăng cường hợp tác, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ Brexit.
* Ngày 28-6, lãnh đạo Xcốt-len và Gi-bran-ta, hai vùng lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh, đã nhất trí ở lại EU. Thủ hiến Gi-bran-ta P.Pi-ca-đô và Thủ hiến Xcốt-len N.Xtu-giơn thống nhất quan điểm hai vùng lãnh thổ này ở lại EU sau Brexit. Hai bên sẽ cử các nhóm chuyên gia làm việc chung để cùng đề ra phương hướng hành động. Tại thủ đô Luân Đôn, hàng nghìn người đã tập trung tại quảng trường Tra-phan-ga để phản đối kết quả cuộc trưng cầu ý dân vừa qua đưa Anh rời khỏi EU.
* Trong khi đó, đảng Cánh tả ở Đức kêu gọi nước này tiến hành trưng cầu ý dân về các hiệp ước của EU. Báo Thế giới của Đức dẫn lời lãnh đạo đảng này, bà X. Va-gen-nếch cho rằng, người dân EU có quyền quyết định vận mệnh của khối, cần được trao cơ hội bỏ phiếu về những vấn đề quan trọng của EU.
Theo nhandan.com.vn