Guồng máy tuyên truyền của Bắc Kinh đang vận hành hết công suất để biện minh cho việc Trung Quốc phủ nhận thẩm quyền của định chế quốc tế tại La Hay, ngang ngược “tố cáo” Phi-líp-pin là đã “hành động phi pháp” khi đưa Bắc Kinh ra trước cơ quan trọng tài quốc tế.
Theo Đài Phát thanh quốc tế Pháp, càng gần đến ngày Toà Trọng tài Thường trực (PCA) của LHQ tại La Hay (The Hague - Hà Lan) ra phán quyết về vụ Phi-líp-pin kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh càng tăng cường nỗ lực lợi dụng các diễn đàn quốc tế để bác bỏ tính chính đáng của phán quyết này.
Trung Quốc tuyên bố rằng quan điểm của họ về Biển Đông đã được hơn 40 quốc gia trên thế giới ủng hộ và xu hướng hậu thuẫn cho Bắc Kinh đang càng lúc càng lớn mạnh. Thực hư của tuyên bố này ra sao cho đến nay chưa được rõ, nhưng điều chắc chắn duy nhất là trong vài tháng gần đây, không chỉ có hệ thống truyền thông đối ngoại Trung Quốc, mà hầu hết các nhà ngoại giao Trung Quốc ở các nước đều lớn tiếng bênh vực cho lập trường Biển Đông của Bắc Kinh trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở khắp nơi, từ các nước lớn như Mỹ, Anh, Pháp… cho tới cả các nước nhỏ, không liên quan gì đến Biển Đông như Gia-mai-ca.
Các Đại sứ quán Trung Quốc thậm chí còn thuê nhiều trang quảng cáo trên các tờ báo lớn để tuyên truyền về “chính nghĩa” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Một ví dụ cụ thể là ngày 27-5, nhật báo Pháp
“Le Figaro” đã phát hành nguyên một phụ trang với nội dung do tờ báo Trung Quốc
“China Daily” chịu trách nhiệm, với bài viết ở trang đầu mang tên “Biển Đông, vấn đề nguyên tắc của Bắc Kinh”. Bài quảng cáo này nêu bật quan điểm chính thống của Trung Quốc về Biển Đông, kết tội Phi-líp-pin là đã có hành động vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và thoả thuận song phương với Bắc Kinh khi kiện Trung Quốc trước PCA. Bài viết cũng không quên “khoe” rằng Bắc Kinh đã nhận được “sự ủng hộ quan trọng” của “cộng đồng quốc tế” gồm 40 nước, đồng thời tự nhận mình là nạn nhân bị Ma-ni-la “bắt bí”. Thực tế nội dung trên không khác nhiều loạt bài được tờ “China Daily” đăng tải trong liên tiếp 4 ngày trước đó.
|
Phi-líp-pin trưng hình ảnh tố Trung Quốc đang có hoạt động cải tạo đất đá ở bãi Gạc Ma, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AP |
Chiến dịch tuyên truyền của Bắc Kinh dĩ nhiên đã không đánh lừa được giới quan sát. Trong một bài phân tích đăng trên báo mạng
“Asia Times” tại Hồng Công ngày 31-5 vừa qua, Bin Gét-dơ, một nhà báo kỳ cựu, đã nhận xét rằng sau khi đã gần như hoàn tất việc khống chế Biển Đông, Bắc Kinh hiện đang đẩy mạnh cuộc chiến tranh thông tin để chống lại một phán quyết dự báo là bất lợi đến từ một toà án quốc tế.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Biển Đông và Trung Quốc tại Đại Học Mai-nơ (Mỹ), cho rằng chiến dịch mà Bắc Kinh đang tung ra chỉ nhằm “lấp liếm” sự thật về những hành vi bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông và tìm cớ biện hộ cho việc chống lại một phán quyết quốc tế. Theo ông, nội dung chính trong chiến dịch tuyên truyền này của Trung Quốc là nhấn mạnh tới việc trước đây Biển Đông rất yên tĩnh và Trung Quốc đã giúp bảo vệ an ninh trong khu vực cho đến khi Mỹ, một nước ngoài khu vực, cố tình khuấy động để viện cớ xoay trục lại châu Á và bao vây Trung Quốc. Giáo sư Ngô Vĩnh Long nhấn mạnh, lý do này thoạt nhìn rất có lý, song chỉ đối với những ai không rõ những gì đã diễn ra tại khu vực này trong suốt 10 năm qua, hay lịch sử sự bành trướng của Trung Quốc trước đó. Ông nói: “Với những người có chút hiểu biết, họ hoàn toàn có thể nhận thấy thực chất sự tuyên truyền của Trung Quốc là quá thô thiển, vì những bài báo, những tuyên bố phần lớn là ngụy tạo, tự cho phía mình bao giờ cũng theo lẽ phải, cũng đúng, còn mọi nước khác, trong đó có Phi-líp-pin, đều sai và có ý không tốt với Trung Quốc”.
Trước câu hỏi của phóng viên Đài
RFI về thái độ của các nước trong khu vực, cụ thể như Phi-líp-pin hay Việt Nam, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng nhiều quốc gia và các nước trong khu vực đều thấy tính chất giả dối và lật lọng của Trung Quốc nên họ giữ im lặng, và “không thèm” đáp trả. Ông nói: “Về phía Phi-líp-pin tôi nghĩ là đang chờ phán quyết của PCA và không muốn cho Trung Quốc có cơ hội viện cớ để xây cất trên Bãi cạn Sca-bô-ru hay thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở Trường Sa như đã đe doạ”. Ông cũng cho rằng tân Tổng thống Phi-líp-pin là người chưa có nhiều kinh nghiệm đối ngoại, nên đây có thể không phải là thời điểm hợp lý để đàm phán tay đôi với Trung Quốc. Một khả năng khác mà ông tính đến là Ma-ni-la hiện vẫn cậy vào sự bảo trợ về mặt quân sự của Mỹ nếu Trung Quốc có ý định leo thang căng thẳng.
Về phía Việt Nam, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng quốc gia này cũng chờ đợi phán quyết của PCA và hoàn toàn không muốn để Trung Quốc làm phức tạp thêm tình hình. Ngày 2-6, khi được một phóng viên hỏi về phản ứng của Việt Nam trong trường hợp Trung Quốc không tuân theo phán quyết, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã trả lời như sau: “Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển”./.
Theo Báo Tin Tức