Tổng thống Pu-chin quyết không đánh đổi chủ quyền của Nga

08:05, 31/05/2016

Theo báo “Vedomosti” ngày 30-5, trong cuộc họp mới đây của Đoàn Chủ tịch Hội đồng Kinh tế, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược (CSR), cựu Bộ trưởng Tài chính A-lếch-xây Cu-rin đã đề nghị Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-chin giảm căng thẳng địa chính trị để rút ngắn khoảng cách công nghệ. Ông Cu-rin giải thích với Tổng thống Nga rằng nước này đang tụt hậu về công nghệ và cần gia nhập chuỗi công nghệ quốc tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong một cuộc họp báo ở Sochi, Nga ngày 20/5. Ảnh: EPA/TTXVN
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong một cuộc họp báo ở Sochi, Nga ngày 20/5. Ảnh: EPA/TTXVN

Đáp lại đề xuất trên, Tổng thống Pu-chin lưu ý ông Cu-rin về lịch sử 1.000 năm qua và khẳng định Nga sẽ không đánh đổi chủ quyền, ngay cả khi tụt hậu. Ông Pu-chin cũng cam kết sẽ bảo vệ chủ quyền Nga cho đến hết cuộc đời mình.

Một nguồn tin báo trên tiết lộ Tổng thống Pu-chin nói thêm rằng không cần thiết phải gia tăng căng thẳng và hành động khiêu khích. Tuy nhiên, ông bày tỏ tin tưởng doanh nhân nước ngoài sẽ không rời bỏ Mát-xcơ-va, vì có lợi nhuận khi kinh doanh ở Nga.

Về mặt chính thức, Điện Krem-lin không bình luận về cuộc thảo luận trên giữa 2 ông Pu-chin và Cu-rin. Một nguồn tin báo trên nhận định Pu-chin có thể không thích “quan điểm chủ bại” của ông Cu-rin.

Mục đích Trung Quốc đưa tàu ngầm hạt nhân tuần tra Thái Bình Dương

Cuối tuần qua, tờ The Guardian của Anh đưa tin, lần đầu tiên trong lịch sử, Bắc Kinh dự kiến điều động các tàu ngầm hạt nhân mang theo tên lửa đạn đạo trang bị đầu đạn hạt nhân để tuần tra Thái Bình Dương trong năm nay. 

Thông tin này lập tức làm giới truyền thông phương Tây sục sôi bởi trong quá khứ Trung Quốc chưa từng bố trí tên lửa đạn đạo trang bị đầu đạn hạt nhân ngoài biển xa. Đài truyền hình FOX của Mỹ gọi đây là “hành động nguy hiểm của Trung Quốc”.

Có phân tích cho rằng tàu ngầm hạt nhân chỉ phát huy vai trò răn đe khi ở biển sâu, do vậy, Trung Quốc đưa tàu ngầm hạt nhân ra Thái Bình Dương thứ nhất là muốn rèn luyện khả năng tuần tra tầm xa, phát huy vai trò răn đe vốn có của tàu ngầm hạt nhân. 

Điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc đưa tàu ngầm hạt nhân tới Thái Bình Dương không phải là hành động nhất thời, có thể sẽ trở thành “chuyện thường ngày”.

Thứ hai, giữa lúc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng liên quan đến các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, Trung Quốc có ít “quân bài” trong tay.

Việc đưa tàu ngầm hạt nhân tuần tra Thái Bình Dương, thậm chí là ở vùng biển phía ngoài lãnh hải của Mỹ, có thể sẽ giúp Trung Quốc phản chế lại Mỹ.

Năm binh sĩ Liên hợp quốc thiệt mạng trong vụ phục kích ở Ma-li

Ngày 29-5, LHQ thông báo 5 binh sĩ gìn giữ hòa bình của LHQ đã thiệt mạng và 1 người bị thương nặng trong một vụ phục kích tại miền Trung Ma-li.

Theo thông báo, đoàn xe chở các binh sĩ thuộc Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Ma-li (MINUSMA) đã bị tấn công ở khu vực cách Thị trấn Se-vơ thuộc vùng Mô-ti khoảng 30km về phía Tây. Ít nhất 5 binh sĩ phái cử từ Tô-gô đã thiệt mạng. Hiện chưa có tổ chức nào thừa nhận đứng sau vụ bạo lực này.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-mun đã lên án vụ tấn công trên, đồng thời kêu gọi có hành động nhanh chóng đưa những kẻ tấn công ra chịu tội trước pháp luật.

Ma-li rơi vào tình trạng hỗn loạn sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 3-2012 khiến miền Bắc nước này rơi vào kiểm soát của lực lượng nổi dậy người Tu-rếch và các nhóm thánh chiến liên quan mạng lưới khủng bố An Kê-đa. Quân đội Pháp và các nước châu Phi đã can thiệp quân sự vào Ma-li từ tháng 1-2013. Mặc dù thỏa thuận hòa bình đã được ký kết vào tháng 6-2015 giữa Chính phủ Ma-li và liên minh nổi dậy do người Tu-rếch đứng đầu, nhưng một khu vực rộng lớn của quốc gia Tây Phi này vẫn nằm ngoài kiểm soát của Chính phủ và lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ./.

Theo vov.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com