Các kênh thông tin chính thức Cu-ba vừa cho biết 2 văn kiện “Định nghĩa mô hình phát triển kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa của Cu-ba” và “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2030: tầm nhìn, các trụ cột và các lĩnh vực chiến lược” mới được Đại hội Đảng VII thông qua sẽ được công bố toàn văn trong một chuyên san ngày 31-5.
Theo phóng viên TTXVN tại Cu-ba, một số cổng thông tin chính thức, báo điện tử và bản điện tử của báo in chính thống của Cu-ba cũng đã đăng tải toàn văn 2 văn kiện dài tổng cộng 32 trang này. Động thái này cũng là bước thực hiện nghị quyết Đại hội về việc tiến hành tham vấn các chi bộ, Đoàn Thanh niên Cộng sản, các tổ chức quần chúng cũng như rộng rãi trong nhân dân về 2 văn kiện mang tính định hướng.
Theo lịch trình được công bố trong Đại hội, 2 văn kiện này cũng sẽ được thảo luận tại Quốc hội, và sau khi thu thập ý kiến từ các cuộc tham vấn rộng rãi trên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ sửa đổi và thông qua lần cuối.
Ngư dân Trung Quốc bị chính quyền lợi dụng tại Biển Đông
Báo “Le Courrier International” (Pháp) đã chọn đăng một phóng sự của tờ “The Straits Times” tại Xinh-ga-po báo động về nguy cơ chiến tranh tại Biển Đông và đưa lên trang châu Á bài viết nhan đề: “Chiến tranh Cá ở Biển Đông”, bên cạnh là tranh biếm họa một bầy cá, con lớn đớp con bé và bị con to hơn nuốt hết.
Tác giả của bài viết nhìn từ đảo Hải Nam của Trung Quốc, trích dẫn rộng rãi quan điểm của ngư dân Trung Quốc cho rằng, suy nghĩ và hành động của họ bị chính quyền Trung Quốc chi phối, từ thông tin một chiều cho đến hỗ trợ tài chính để cuối cùng biến thành “con tốt” trong cuộc chiến tranh giành chủ quyền giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng. Họ cho biết: “Chính phủ trả cho chúng tôi 180 nghìn nhân dân tệ (25 nghìn euro) để đi ra Trường Sa, không cần làm gì cả, chỉ ở đó hai tuần là được”. Mặt khác, do tình trạng hải sản càng ngày càng khan hiếm và để thỏa mãn thị trường khổng lồ 1,4 tỷ người, ngư dân Trung Quốc “phải phiêu lưu xa hơn và họ thú nhận xâm nhập ngư trường của các quốc gia láng giềng”.
Một chuyên gia nghiên cứu quốc tế mà tờ “The Straits Times” chỉ nêu họ là Trương, đánh giá họ là những người thất học, đánh cá là “nồi cơm” cho gia đình, cho nên ngư dân Hải Nam dễ dàng trở thành “tay sai” của chính quyền Trung Quốc. Nhà nghiên cứu này nói rằng “ngư dân không muốn chiến tranh vì sợ tính mạng bị đe dọa”. Đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến tận Hải Nam để bảo đảm với ngư dân là họ sẽ được Hải quân bảo vệ. Trong phần kết luận, nhật báo của Xinh-ga-po trích lời một ngư dân 28 tuổi tâm sự: “Tôi thất học nên phải đánh cá kiếm sống, nhưng tôi không muốn con tôi lao vào nghề này”.
Triều Tiên tố tàu hải quân Hàn Quốc xâm phạm và xả súng
Ngày 27-5, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) cáo buộc Hải quân Hàn Quốc xâm phạm vùng biển cũng như bắn vào các tàu của Triều Tiên.
Trong một tuyên bố, KPA cho biết 3 xuồng cao tốc và một tàu của Hải quân Hàn Quốc đã vượt qua đường biên giới trên biển 6,4km, xâm nhập vào vùng biển của Triều Tiên 4 lần. Sau đó, Hải quân Hàn Quốc đã nhiều lần bắn vào một tàu không được vũ trang của Triều Tiên trong khi tàu này đang lai dắt một tàu khác bị hỏng ở vùng biển do phía Triều Tiên kiểm soát.
Tuyên bố của KPA coi hành động của Xơ-un là “khiêu khích quân sự liều lĩnh” nhằm phá hoại cơ hội đối thoại giữa hai nước. Phía Triều Tiên tuyên bố sẽ bắn trực tiếp mà không cần cảnh cáo tàu chiến Hàn Quốc, nếu họ tiếp tục vượt qua biên giới trên biển. Trong những tuần gần đây, Triều Tiên đã yêu cầu Hàn Quốc chấp nhận đề xuất nối lại đàm phán sau nhiều tháng hai bên căng thẳng do vụ thử hạt nhân hồi tháng 1 của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Xơ-un đã bác bỏ đề nghị này, khẳng định lập trường không thay đổi rằng phi hạt nhân hóa là ưu tiên hàng đầu trong các cuộc đối thoại với Triều Tiên./.
Theo vov.vn