Các nghiệp đoàn Pháp hôm qua lại kêu gọi tổ chức thêm các cuộc tổng đình công vào các ngày 26-5 và 14-6 tới, để phản đối Dự luật cải cách lao động sau khi chính phủ đã vận dụng Điều 49.3 của Hiến pháp để phê chuẩn dự luật mà không cần Quốc hội thông qua.
Trong hai ngày 17 và 19-5 vừa qua, các cuộc biểu tình đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành đường sắt, đường thủy và đường không.
Truyền thông Pháp đưa tin, bảy nghiệp đoàn gồm: CGT, FO, FSU, Solidaires, Unef, UNL và FIDL miêu tả ngày 26-5 tới là "ngày toàn quốc đình công, biểu tình và hành động".
Một số phần tử quá khích đã tấn công và đốt cháy xe cảnh sát ở thủ đô Paris. |
Tổng đình công toàn quốc cũng sẽ diễn ra vào ngày 14-6, tập trung ở thủ đô Paris, để gây sự chú ý khi Thượng viện bắt đầu tranh luận về dự thảo luật lao động này.
Trong ngày 19-5, các thủ lĩnh công đoàn tuyên bố, có tới 400 nghìn người xuống đường biểu tình phản đối dự luật. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ khẳng định rằng, có 128 nghìn người. Bộ này ước tính số người xuống đường biểu tình chỉ bằng một nửa so với ngày 17-5.
Trong khi đó, CGT tiếp tục kêu gọi phong tỏa các kho chứa dầu, nhà máy lọc dầu. Người phát ngôn của công đoàn dầu khí CGT Emmanuel Lépine nói với France Infor rằng, mục đích của việc phong tỏa các kho dầu không tạo ra việc thiếu dầu mà nhằm buộc chính phủ phải thay đổi dự luật cải cách lao động. Tuy nhiên, truyền hình Pháp đưa tin, có một số điểm bán xăng dầu phải đóng cửa do thiếu nguồn cung.
Tại Nantes (Loire-Atlantique), chính quyền cấm mua quá 20 lít xăng cho xe ô-tô. Xe tải hạng nặng hạn chế mức 40 lít. Một số nơi khác như Finistère, l'Orne, les Côtes-d'Armor, l'Eure... cũng hạn chế số lượng xăng dầu bán ra.
Bộ trưởng Giao thông Alain Vidalies cho biết, không có nguy cơ thiếu xăng dầu. Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Alain Vidalies nói rằng: "Ở Pháp có một hệ thống tổ chức, các kho dự trữ chiến lược chúng tôi chưa sử dụng đến".
Tuy nhiên, nhiều cuộc biểu tình phản đối dự luật lao động đã biến thành bạo động. Nhiều người biểu tình quá khích đã bao vây cảnh sát, ném chai, lọ, gạch đá, bom xăng, đập phá cửa hiệu... Nghiêm trọng nhất là ngày 18-5, một số phần tử quá khích đã tấn công và đốt cháy xe cảnh sát ở thủ đô Paris.
Trong video xuất hiện trên youtube khiến cho nhiều người "sốc" cho thấy, những người biểu tình bịt mặt đã tấn công một xe cảnh sát đang đi tuần tra. Một người đạp vỡ kính bên lái, sau đó tấn công cảnh sát ngồi trong xe. Cảnh sát lái xe bỏ đi thì họ đuổi theo đập vỡ kính sau xe, phun lửa vào trong. Khi xe bắt đầu cháy, hai sĩ quan cảnh sát gồm một nam và một nữ mở cửa thoát khỏi xe thì bị họ tiếp tục tấn công.
France Infor cho biết, cho đến nay cảnh sát đã bắt giữ năm nghi phạm, trong đó có bốn thanh niên để điều tra vụ việc. Trong đó, có hai anh em 19 và 22 tuổi - sinh viên ngành xã hội học và địa lý, một sinh viên lịch sử 21 tuổi và một người thất nghiệp 32 tuổi.
Thủ tướng Manuel Valls khẳng định sẽ có biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng có hành vi quá khích khi tham gia biểu tình. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn Pháp chấm dứt tổ chức các cuộc biểu tình.
Trước đó, phát biểu trên đài phát thanh Europe 1, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bác bỏ khả năng rút lại dự luật cải cách lao động vốn gây ra nhiều cuộc biểu tình trong suốt hơn hai tháng qua. Ông cho biết, đến nay có hơn 1.000 người biểu tình bị bắt giữ và 350 cảnh sát đã bị thương trong các vụ bạo động trong những tuần qua.
Chính phủ Pháp cho rằng, dự luật lao động sẽ khuyến khích các công ty tuyển nhân công, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức hơn 10%. Còn những người phản đối cho rằng, dự luật mới này quá ưu ái giới chủ và đổ xuống đường để phản đối.
Theo nhandan.com.vn