Nhiều nhà bình luận cho rằng những lời hứa của ứng cử viên Phrăng-xoa Ô-lăng cách đây 4 năm đều không được thực hiện hoặc quá chậm trong 4 năm nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Ngày 6-5, đúng 4 năm ông Phrăng-xoa Ô-lăng đảm nhiệm cương vị quyền lực nhất nước Pháp. Tuy không có lễ kỷ niệm chính thức tại điện Ê-li-dê, nhưng trong những ngày qua, Tổng thống Ô-lăng đã có nhiều cuộc gặp gỡ tiếp xúc, nhiều bài phát biểu trên các phương tiện truyền thông nhằm nhấn mạnh những “kết quả tích cực” đạt được trong thời gian cầm quyền.
Mặc dù một số nhà quan sát cho rằng nước Pháp đang dần cải thiện, với những kết quả được thể hiện qua số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê quốc gia Pháp (INSEE) như tăng trưởng kinh tế đạt 0,5% trong quý 1-2016, tỷ lệ thất nghiệp giảm 1,7%, tương ứng với số người đăng ký tìm việc giảm 62.400 người trong thời gian này. Tuy nhiên, đối với các đảng đối lập và người dân Pháp nói chung, bảng thành tích của Tổng thống Ô-lăng không thực sự ấn tượng khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, tăng trưởng không đáng kể, sức cạnh tranh sa sút, thậm chí nước Pháp luôn bị tụt lại phía sau so với các nước khác trong Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Nhiều chính sách bị cho là xa rời mô hình dân chủ - xã hội truyền thống của Pháp và mang hơi hướng của “chủ nghĩa tự do mới”, chính vì vậy đã không nhận được sự ủng hộ của chính giới cũng như công luận. Các chính sách này khiến người dân nghi ngờ và tự hỏi rằng liệu đây là các chính sách do đảng Xã hội - đảng cánh tả đang nắm quyền triển khai hay là chính sách của một đảng cánh hữu.
|
Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng. Ảnh: AFP/TTXVN |
Báo chí Pháp trích dẫn ý kiến nhiều nhà bình luận cho rằng, những lời hứa của ứng cử viên Ô-lăng cách đây 4 năm đều không được thực hiện hoặc quá chậm, rằng những phát biểu của ông trong những ngày qua chỉ là nhằm lấy lại niềm tin trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ ông chỉ còn 16%, mức thấp nhất đối với một tổng thống trong nền Cộng hòa thứ Năm. Tuy ông chưa chính thức công bố ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai, nhưng các cuộc tiếp xúc và cách phát biểu gây ấn tượng mang đến cảm giác đây giống như là một hoạt động mở màn cho chiến dịch tranh cử tổng thống diễn ra vào năm 2017.
Nếu ai đó theo dõi bài phát biểu tại hội thảo “Cánh tả và quyền lực” diễn ra ngày 3-5 tại Pa-ri, đều thấy rõ Tổng thống Ô-lăng đã khẳng định luôn giữ niềm tin và trung thành với quan điểm của một đảng cánh tả, rằng “không phải vì cánh tả cầm quyền nên nước Pháp bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn hiện nay mà chính tình hình đất nước khó khăn đã đưa cánh tả lên nắm quyền”. Ông tuyên bố nhờ nỗ lực hết sức đã đạt được những mục tiêu mà đảng Xã hội đã đề ra. Ông cũng viện dẫn những “kết quả tích cực” đạt được nhờ các chính sách đã triển khai như tăng trưởng 1,1% trong năm 2015; đầu tư đang dần lấy lại đà; nhà ở xã hội được xây dựng nhiều hơn và nền kinh tế đang ngày càng tạo ra nhiều việc làm. Theo ông, trong 4 năm qua, chưa có nước nào ở châu Âu đạt được những bước tiến đáng kể như vậy. Ông cũng khéo léo nhắc lại rằng trước đây đã có những giai đoạn cánh tả khi đang cầm quyền cũng bị chỉ trích mạnh, nhưng với độ lùi của thời gian, các kết quả thu được lại được nhìn nhận, đánh giá là tích cực.
Với thực tế tăng trưởng kinh tế đạt 0,5% trong quý 1-2016, tỷ lệ thất nghiệp giảm 1,7%, Tổng thống Ô-lăng cho rằng đây là kết quả tốt nhất được ghi nhận tại Pháp kể từ tháng 9-2000. Dưới góc độ kinh tế, chính quyền đương nhiệm cũng “ghi điểm” qua thương vụ lịch sử với việc Pháp giành được hợp đồng đóng 12 tàu ngầm cho Ốt-xtrây-li-a. Chính phủ cũng nỗ lực đẩy mạnh các cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế, sửa đổi các bộ luật nhằm kích hoạt nền kinh tế. Tháng 2-2015, Pháp đã thông qua Luật Macron nhằm mục tiêu “giải phóng tiềm năng chưa khai thác để phát triển kinh tế”. Tháng 2 vừa qua, Chính phủ cũng công bố dự Luật Lao động sửa đổi nhằm cởi trói cho doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng người lao động. Hiện tại, dự luật đang được Quốc hội Pháp xem xét và thảo luận.
Mặc dù dự luật vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ với hàng trăm cuộc biểu tình của người lao động, học sinh và sinh viên tại nhiều thành phố trên toàn nước Pháp, nhưng Chính phủ Pháp vẫn quyết tâm duy trì tham vọng tiến hành cuộc “cải cách triệt để”, coi việc sửa đổi Luật Lao động như một “biện pháp tái cơ cấu” nhằm cải thiện thị trường việc làm. Điều này là rất quan trọng bởi vì sau khi mới nhậm chức vào tháng 5-2012, Tổng thống Ô-lăng đã gắn việc ra tranh cử nhiệm kỳ hai của mình với việc phải làm đảo chiều tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp.
Hiện tại, Tổng thống Ô-lăng đang phải đối mặt với rất nhiều chỉ trích của các tổ chức công đoàn và các đảng đối lập liên quan đến việc giảm các khoản đóng góp cho doanh nghiệp, thất nghiệp vẫn đứng ở mức cao, quyền lợi của người lao động bị thu hẹp, thất bại trong đề xuất tước quốc tịch đối với những kẻ khủng bố, gia hạn tình trạng khẩn cấp... Mặc dù các lập luận đó không hẳn đã đúng và khách quan, có phần nào mang tính quy kết, nhưng rõ ràng rằng trong thời gian tới, Tổng thống Ô-lăng phải thể hiện được đường lối đúng đắn của mình và đảng Xã hội cầm quyền bằng các kết quả cụ thể. Ông chỉ còn một năm để thực hiện tất cả những việc đó./.
Theo TTXVN