Quyết định thành lập lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga được Tổng thống Vla-đi-mia Pu-chin đưa ra trong bối cảnh nước Nga đang gặp khủng hoảng kinh tế do giá dầu giảm và các biện pháp bao vây cấm vận của phương Tây trong khi vẫn phải chuẩn bị cho cuộc bầu cử Đu-ma Quốc gia (Hạ viện) trong năm 2016 và cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2018. Lực lượng này có thể sử dụng vũ lực giải tán các cuộc biểu tình, sử dụng phương tiện đặc biệt và bắn bị thương trong trường hợp khẩn cấp.
Quyền lực cũ
Theo dự luật được ông Pu-chin trình lên Đu-ma Quốc gia ngày 5-4 và công bố trên trang mạng cơ quan này vào ngày 6-4, Lực lượng Vệ binh Quốc gia có quyền sử dụng vũ khí không cần báo trước khi sự chậm trễ có thể đe dọa tính mạng một quân nhân hay người dân gần đó. Trong tất cả các trường hợp khác, Vệ binh Quốc gia cần phải thông báo ý định sử dụng vũ khí. Ngoài ra, trong trường hợp khẩn cấp như để ngăn chặn hành vi tấn công hay giải cứu con tin, Vệ binh Quốc gia có thể sử dụng thêm vòi rồng và xe bọc thép.
Binh sĩ Vệ binh Quốc gia được phép bao vây vùng lãnh thổ để ngăn ngừa hành vi bạo loạn. Họ được phép sử dụng vũ lực (kể cả võ thuật và các phương tiện đặc biệt) để giải tán các cuộc biểu tình có đụng độ cũng như để tự vệ và trấn áp hành vi chống đối của các loại tội phạm. Các phương tiện đặc biệt được quy định trong dự luật bao gồm: dùi cui cao su, lựu đạn hơi, còng tay, “phương tiện ánh sáng - âm thanh gây mất tập trung”, kỹ thuật phá vỡ rào cản và buộc dừng phương tiện giao thông, cũng như động vật nghiệp vụ. Các thiết bị này bị cấm sử dụng đối với phụ nữ có thai và trẻ em, trừ trường hợp họ phản kháng có vũ trang. Dự luật quy định Vệ binh Quốc gia có quyền bắt giữ nghi can, tội phạm trốn khỏi nơi giam giữ, người bị truy nã, những kẻ tự tử bất thành và bệnh nhân tâm thần trốn khỏi sự giám sát... Ngoài ra, Vệ binh Quốc gia có quyền tiêu diệt tội phạm, kiểm tra giấy tờ công dân, lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ công dân không quá 3 giờ.
|
Tổng thống Pu-chin thông báo quyết định thành lập lực lượng Vệ binh Quốc gia hôm 5-4. Thứ trưởng Nội vụ Vích-to Dô-lô-tốp (phải) là người chỉ huy lực lượng này. Ảnh: AFP |
Cuộc chiến chống khủng bố
Khi tiến hành hoạt động chống khủng bố, Vệ binh Quốc gia có thể hạn chế các phương tiện và người bộ hành di chuyển, có quyền trưng dụng và sử dụng ô tô để đưa nạn nhân đến bệnh viện hoặc đuổi theo nghi can, bắt giữ cá nhân đã vi phạm quy định giới nghiêm. Tuy nhiên, dự luật không cho phép Vệ binh Quốc gia có thêm chức năng “tác chiến - tìm kiếm”.
Mi-khai-in Pát-xkin, người đứng đầu nghiệp đoàn cảnh sát Mát-xcơ-va, cho biết chức năng của Vệ binh Quốc gia phần nào giống với chức năng Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và lưu ý thêm rằng cuộc chiến chống khủng bố hiện được luật hóa như một đặc quyền của FSB.
Thiếu tướng FSB về hưu Va-xi-li Ê-rê-men-cô lưu ý rằng Vệ binh Quốc gia đảm nhận các chức năng của lực lượng Bộ Nội vụ, tiến hành các hoạt động quy mô lớn trong nước. Ông Ê-rê-men-cô bình luận: “Nếu FSB đấu tranh với những kẻ khủng bố bí mật nhất định, chuẩn bị tấn công tàu điện ngầm hay ga xe lửa, thì lực lượng mới phải đối mặt với các nhóm khủng bố lớn, ví dụ như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng”.
Cơ cấu mới
Tổng thống Pu-chin ngày 5-4 bổ nhiệm đứng đầu cơ quan liên bang mới này là Thứ trưởng Nội vụ Vích-to Dô-lô-tốp. Theo sắc lệnh của Tổng thống, cương vị của ông Dô-lô-tốp chính thức được gọi là “Giám đốc kiêm Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Quốc gia liên bang”, tương đương Bộ trưởng Liên bang.
Quân số của lực lượng Vệ binh Quốc gia có thể lên đến từ 350-400 nghìn người. Theo Interfax, “khoảng 200 nghìn người là binh sĩ Bộ Nội vụ và khoảng 150-200 nghìn người là từ các đơn vị cảnh sát đặc nhiệm, cũng như đơn vị Nhà nước liên bang thống nhất “Bảo vệ” trực thuộc Bộ Nội vụ”. Số lượng và địa điểm triển khai binh sĩ Vệ binh Quốc gia do Tổng thống quy định./.
Theo TTXVN