Ít nhất 7 người đã thiệt mạng và 32 người bị thương trong một vụ đánh bom tự sát ngày 25-4 tại khu vực Bát-đa Da-đi-đa, nơi có đông người Hồi giáo theo dòng Si-ai sinh sống, phía Đông Thủ đô Bát-đa (I-rắc).
Vụ đánh bom đã gây ra hỏa hoạn cho một loạt cửa hàng và tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đã nhận là thủ phạm. IS thường xuyên tiến hành các vụ đánh bom tự sát tại I-rắc cũng như tấn công nhằm vào dân thường, chủ yếu là người Hồi giáo dòng Si-ai.
Lực lượng an ninh và cứu hộ Iraq làm nhiệm vụ hiện trường vụ đánh bom ở Jadida ngày 25/4. Ảnh: AFP/ TTXVN |
I-rắc đã phải hứng chịu làn sóng bạo lực kể từ tháng 6-2014 khi IS chiếm nhiều khu vực ở phía Bắc và Tây Bát-đa. Theo một báo cáo của LHQ, tính riêng trong năm 2015, hơn 22.300 người thương vong trong các vụ đụng độ vũ trang tại I-rắc. Trong năm qua, Chính phủ I-rắc đã giành lại một số thành phố chủ chốt từ tay IS và dần đẩy lùi các tay súng phiến quân này về phía biên giới Xi-ri.
Thảm họa Chéc-nô-bưn có thể lặp lại
Những người trước đây từng tham gia xử lý hậu quả nhà máy điện hạt nhân Chéc-nô-bưn lo ngại rằng trong điều kiện khủng hoảng chính trị và kinh tế ở U-crai-na, có thể xảy ra những sự cố mới tại cơ sở hạt nhân này.
Tướng Không quân Nga Ni-cô-lai An-tôn-xkin, Anh hùng Liên Xô từng tham gia xử lý tai nạn Chéc-nô-bưn, đã tiết lộ thông tin trên.
Theo ông An-tôn-xkin, một quốc gia hùng mạnh như Liên Xô trước đây đã có thể tổ chức bảo vệ các đối tượng đặc biệt nguy hiểm như vậy, nhưng tình hình U-crai-na bây giờ đáng quan ngại hơn nhiều.
Ông nêu rõ: “Nhà nước suy yếu U-crai-na bây giờ có thể thực hiện được điều đó hay không? Bất kỳ hành động khiêu khích nào trong vùng lân cận cơ sở hạt nhân đều gây hậu quả khôn lường. Nếu xảy ra điều gì, sau đó tất cả mọi nơi trên thế giới phải hứng chịu”.
Vụ tai nạn Chéc-nô-bưn xảy ra ngày 26-4-1986. Khi đó, tổ máy thứ 4 của nhà máy hạt nhân đã phát nổ. Tổng diện tích ô nhiễm phóng xạ tại 12 tỉnh U-crai-na do thảm họa này gây ra lên tới 50 nghìn km2. Ô nhiễm phóng xạ cũng ảnh hưởng đến 46.500 km2 lãnh thổ Bê-la-rút (23% tổng diện tích). Khoảng 200 nghìn người Nga đã tham gia xử lý hậu quả tai nạn này.
PKK sẵn sàng chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ
Thủ lĩnh cấp cao của đảng Công nhân người Cuốc (PKK) Xê-min Bay-ích ngày 25-4 tuyên bố PKK “sẵn sàng tăng cường cuộc chiến” chống lại chiến dịch truy quét của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các tay súng PKK, đồng thời cáo buộc chính Tổng thống Rê-xép Tay-íp Éc-đô-gan “đang làm leo thang cuộc chiến” với PKK.
Trả lời phỏng vấn hãng tin BBC của Anh, thủ lĩnh PKK cho biết người Cuốc sẽ “chiến đấu đến cùng để bảo vệ bản thân và dĩ nhiên PKK sẽ phải leo thang cuộc chiến”. Ông này tuyên bố PKK sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận các quyền lợi của người Cuốc, bao gồm “người Cuốc được sống tự do trong vùng đất của mình và có các đường biên giới phân cách với Thổ Nhĩ Kỳ”.
Hồi đầu tháng 4 vừa qua, Tổng thống Éc-đô-gan cho biết 355 thành viên của lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng, trong khi phía PKK cũng mất hơn 5.000 tay súng, song con số này chưa được kiểm chứng độc lập. /.
Theo vov.vn