Phe đối lập Xi-ri đã ngừng tham gia các cuộc hòa đàm chính thức tại Giơ-ne-vơ với lý do để phản đối tình hình nhân đạo “tồi tệ” tại quốc gia này.
Ngày 18-4, Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Xi-ri Sta-phan đờ Mít-tu-ra đã xác nhận về việc trên. Tuy nhiên, Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) đại diện cho lực lượng đối lập Xi-ri, vẫn sẽ tham dự các cuộc thảo luận “kỹ thuật”.
Ông Mít-tu-ra nói: “Tôi đã được HNC thông báo ý định tạm ngừng tham gia một cách chính thức các cuộc thương lượng tại LHQ nhằm thể hiện sự không hài lòng và lo ngại về tình trạng nhân đạo và lệnh ngừng các hành động thù địch được các bên triển khai từ hồi tháng 2 vừa qua”.
Tuy nhiên, phái đoàn của HNC sẽ vẫn ở lại Giơ-ne-vơ và tham dự các cuộc thảo luận “kỹ thuật” với ông Mít-tu-ra cùng các trợ lý của ông. Đặc phái viên LHQ Mít-tu-ra cho hay hiện nay các cuộc đàm phán đang tập trung vào vấn đề chuyển giao chính trị. Phe đối lập nhấn mạnh cần triển khai một chính phủ chuyển tiếp, trong khi chính quyền Đa-mát đưa ra ý tưởng về một chính phủ mở rộng.
|
Đại diện cấp cao các nhóm đối lập Xi-ri trong cuộc họp báo tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) ngày 13-4. Ảnh: THX/TTXVN |
Điều phối viên của HNC Ri-át Hi-giáp cùng ngày tuyên bố việc tiếp tục theo đuổi đàm phán là điều “không thể chấp nhận được” với cáo buộc quân đội Xi-ri đang triển khai một cuộc tấn công vào khu vực tỉnh A-lép-pô bất chấp lệnh ngừng bắn.
Trước đó, HNC đã đề nghị Đặc phái viên LHQ Mít-tu-ra hoãn vòng đàm phán hiện nay tại Giơ-ne-vơ cho tới khi có các điều kiện phù hợp. Các nhóm đối lập vũ trang Xi-ri ngày 18-4 đã cáo buộc Đặc phái viên LHQ Mít-tu-ra thiên vị chính quyền Đa-mát, đồng thời hối thúc các nhà đàm phán phe đối lập có lập trường cứng rắn hơn tại cuộc hòa đàm ở Giơ-ne-vơ.
Vòng đàm phán mới về hòa bình Xi-ri được nối lại từ tuần trước ở Giơ-ne-vơ. Các phe phái tham chiến vẫn chưa đàm phán trực tiếp mà chỉ có các cuộc gặp riêng rẽ với Đặc phái viên LHQ về Xi-ri Mít-tu-ra.
Mâu thuẫn lớn nhất cản trở đàm phán là vấn đề tương lai chính trị của Tổng thống Át-xát. Phía chính quyền Xi-ri khẳng định sẽ không đàm phán và nhân nhượng về vấn đề này.
Cùng ngày 18-4, Đại diện thường trực của Nga tại LHQ, ông Vi-ta-li Chu-kin tuyên bố Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ quân đội Xi-ri chống lại các nhóm khủng bố, gồm tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Mặt trận An Nu-ra.
Phát biểu tại phiên thảo luận của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, ông Chu-kin nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ quân đội Xi-ri chống lại các nhóm khủng bố quốc tế IS và An Nu-ra”.
Đại diện của Nga nhấn mạnh các bên cần tận dụng thỏa thuận ngừng bắn ở Xi-ri và cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Xi-ri với lực lượng đối lập do LHQ bảo trợ đang diễn ra tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) để đạt được giải pháp chính trị bền vững. Theo ông, Mát-xcơ-va đánh giá cao hoạt động của hai nhóm công tác về ngừng bắn và tiếp cận nhân đạo được thành lập tại Giơ-ne-vơ.
Bên cạnh đó, ông Chu-kin cho rằng mấu chốt của các nỗ lực giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Xi-ri là đảm bảo sự liên tục cũng như tính hiệu quả trong các cuộc đàm phán nội bộ Xi-ri dựa trên Tuyên bố chung Giơ-ne-vơ đạt được năm 2012, các giải pháp của Nhóm Quốc tế hỗ trợ Xi-ri và Nghị quyết 2254 của HĐBA LHQ.
Đáng chú ý, đại diện Nga cho rằng quá trình đàm phán này cần có sự tham gia của tất cả các tầng lớp trong xã hội Xi-ri, trong đó có cả người Cuốc. Theo ông Chu-kin, phái đoàn đàm phán của phe đối lập Xi-ri tại Giơ-ne-vơ cần có tính đại diện và việc đặt ra các điều kiện tiên quyết để tham gia đàm phán là không thể chấp nhận.
Tuyên bố trên của phía Nga được đưa ra sau khi có tin lực lượng đối lập chính Xi-ri đã đề nghị Đặc phái viên LHQ về Xi-ri Sta-phan đờ Mít-tu-ra hoãn vòng đàm phán hiện nay tại Giơ-ne-vơ cho tới khi có các điều kiện phù hợp. Các nhóm đối lập vũ trang Xi-ri ngày 18-4 đã cáo buộc Đặc phái viên LHQ Mít-tu-ra thiên vị chính quyền Đa-mát, đồng thời hối thúc các nhà đàm phán phe đối lập có lập trường cứng rắn hơn tại cuộc hòa đàm ở Giơ-ne-vơ.
Cuộc xung đột kéo dài gần 6 năm qua tại Xi-ri đã cướp đi sinh mạng của hơn 270 nghìn người và khiến hàng triệu người khác phải rời bỏ quê hương đi tị nạn, gây ra cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ tại châu Âu./.
Theo TTXVN