Ngày 15-3, Chính phủ Thái-lan đã bỏ phiếu thông qua một đạo luật do Ủy ban Bầu cử (EC) Thái-lan đề xuất, theo đó ngày 7-8 sẽ là ngày để cử tri cả nước bỏ lá phiếu quyết định sẽ chấp nhận hay bác bỏ bản dự thảo hiến pháp mới.
Đạo luật về trưng cầu ý dân đã được chuyển tới Hội đồng Lập pháp Quốc gia để xin phê chuẩn. |
Tờ Dân tộc của Thái-lan dẫn lời người phát ngôn chính phủ Sansern Kaewkumnerd cho biết một nội dung quan trọng trong đạo luật này là nghĩa vụ của Ủy ban Bầu cử trong việc cung cấp cho công chúng những cơ hội để thảo luận về cuộc trưng cầu ý dân. Các đài phát thanh và truyền hình quốc gia sẽ sắp xếp lại các lịch phát sóng để dành thời lượng cho các cuộc thảo luận do EC chỉ định. Ông cũng nhấn mạnh, bất kỳ tổ chức nào tổ chức các cuộc thảo luận mà không có sự giám sát của EC sẽ bị coi là vi phạm pháp luật. Đồng thời, sẽ không có bất cứ cuộc lấy ý kiến thăm dò nào được phép diễn ra trong thời gian một tuần trước ngày trưng cầu ý dân.
Sau khi được Chính phủ thông qua, đạo luật đã được chuyển tới Hội đồng Lập pháp Quốc gia để xin phê chuẩn. Theo người phát ngôn của Hội đồng Lập pháp quốc gia (NLA) Jate Siratharanont, dự kiến NLA sẽ tiến hành xem xét đạo luật vào cuối tuần này.
Cũng liên quan tới cuộc trưng cầu ý dân, Phó Chủ tịch NLA Surachai Liengboonlertchai cho biết cùng với việc lấy ý kiến về bản dự thảo hiến pháp mới, NLA sẽ đề nghị cử tri trả lời một câu hỏi về giải pháp của đất nước. Câu hỏi này có thể không liên quan tới việc công chúng có thừa nhận bản dự thảo hiến pháp hay không.
NLA sẽ lựa chọn ra câu hỏi từ hàng loạt các ý kiến đề xuất được gửi đến từ các ủy ban của Hội đồng Chỉ đạo Cải cách Quốc gia (NRSA) và các thành viên của NLA. NLA sẽ tổ chức một cuộc họp để chọn lựa câu hỏi vào hai ngày 7 và 8-4 tới.
Theo nhandan.com.vn