Điều gì khiến Tổng thống Nga Pu-chin giúp yểm trợ Xi-ri giành quyền kiểm soát Pan-mi-ra, chỉ vài ngày sau khi ông rút lại sự hỗ trợ trên không ở miền Nam Xi-ri.
Mạng tin
“Debka” ngày 27-3 cho rằng, Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-chin đã quyết định yểm trợ trên không cho các lực lượng mặt đất của chính quyền Xi-ri giành lại thành cổ Pan-mi-ra nhằm tiếp cận thành trì Ra-ca của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và biên giới I-rắc, từ đó mở rộng gọng kìm của Nga tại Xi-ri.
Tuy nhiên, giống như quân đội I-rắc được sự trợ giúp của nước ngoài nhưng chưa từng chiếm được hoàn toàn Ra-ma-đi hoặc Bai-gi từ IS, các lực lượng của Tổng thống Xi-ri Ba-sa An Át-xát không thể hy vọng kiểm soát toàn bộ thị trấn chiến lược Pan-mi-ra. Sau khi rút về phía Đông, các lực lượng IS sẽ tiếp tục làm kiệt sức quân đội Xi-ri và thị trấn này bằng các cuộc đột kích rải rác. Các lực lượng Chính phủ sẽ vẫn phải dựa vào sự yểm trợ trên không của Nga.
Câu hỏi lớn được đặt ra sau thắng lợi trên là điều gì khiến Tổng thống Nga Pu-chin giúp Xi-ri giành thắng lợi quân sự mang tính đột phá này, chỉ vài ngày sau khi ông rút lại sự hỗ trợ trên không ở miền Nam Xi-ri để ép ông Át-xát ủng hộ thỏa thuận Mỹ - Nga về một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Xi-ri?
|
Binh sĩ Xi-ri làm nhiệm vụ tại khu vực ngoại ô Pan-mi-ra ngày 25-3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các nguồn tin
“Debka” chỉ ra hai giả thiết: Một là Pan-mi-ra có tầm quan trọng chiến lược với sở chỉ huy của Nga vì việc giành lại thị trấn này sẽ mở đường cho các lực lượng chính quyền Xi-ri đến đại bản doanh Ra-ca của IS nằm cách đó 225km. Hai là Pan-mi-ra còn là cánh cổng tới Đây-e-du, cách biên giới I-rắc 188km về phía Đông Xi-ri. Đối với Nga, Đây-e-du có tầm quan trọng hơn Ra-ca vì là chìa khóa để kiểm soát thung lũng Ơ-phơ-rát và đường tới Bát-đa từ Xi-ri. Những đánh giá này chủ yếu dựa trên các tính toán chiến lược của Mát-xcơ-va nhằm củng cố sự kiểm soát đối với Xi-ri, song ít tác động trực tiếp lên mục tiêu quan trọng hơn của ông Át-xát là duy trì quyền lực.
Trong khi đó, những rạn nứt giữa Nga và Mỹ về số phận của ông Át-xát đã xuất hiện, thậm chí trước khi thông cáo chung tại Mát-xcơ-va hôm 25-3 giữa ngoại trưởng hai nước về đặt thời hạn chót vào tháng 8 tới cho một giải pháp chính trị tại Xi-ri còn chưa ráo mực. Ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri rời Mát-xcơ-va, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây Ri-a-cốp tuyên bố: “Oa-sinh-tơn hiện chấp nhận lập luận của Mát-xcơ-va rằng tương lai của ông Át-xát không nên đưa ra bàn thảo vào lúc này”. Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã lập tức phản bác: “Bất kỳ ý kiến nào về việc chúng tôi đã thay đổi cách nhìn về tương lai của ông đều là sai”. Phải chăng những phát biểu mâu thuẫn trên báo hiệu một bế tắc nữa giữa Oa-sinh-tơn và Mát-xcơ-va về tương lai cuộc chiến và nhà lãnh đạo Xi-ri? Các nhà phân tích quân sự và tình báo cho rằng hai cường quốc này đều chấp thuận nguyên tắc ông Át-xát phải ra đi, nhưng đang cố lèo lái thời điểm để chấm dứt cuộc chiến và chuyển giao quyền lực của nhà lãnh đạo Xi-ri. Mỹ muốn thực hiện sớm, bắt đầu chuyển giao từ tháng 8-2016 và đưa các nhóm đối lập tại Xi-ri vào những vị trí có ảnh hưởng thực sự.
Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma muốn thể hiện với A-rập Xê-út và các nước vùng Vịnh rằng ông đã giữ lời hứa hạ bệ ông Át-xát trước khi rời Nhà Trắng vào tháng 1-2017. Mỹ cũng muốn phe đối lập Xi-ri có vị thế tốt hơn trong thỏa thuận. Tuy nhiên, ông Pu-chin muốn trì hoãn vì còn có vấn đề khác phải giải quyết trước. Sự can dự quân sự của Nga đã giúp quân đội Xi-ri cùng các đồng minh I-ran và Héc-bô-la ổn định chỗ đứng và thậm chí giành một số thắng lợi quan trọng trước các lực lượng nổi dậy ở miền Trung và Bắc Xi-ri.
Mặc dù phối hợp toàn diện với nhau, song mối quan hệ thân mật giữa Nga và I-ran đã thay đổi do quyết định của Krem-lin làm việc với Nhà Trắng để chấm dứt cuộc chiến Xi-ri và kết thúc thời kỳ Át-xát. Đại giáo chủ I-ran A-li Kha-mây-ni nhất quyết phản đối Nga và Mỹ đưa ra quyết định về sự ra đi của ông Át-xát cũng như lịch trình cho tiến trình này. Ông thậm chí tức giận hơn về cách ông Pu-chin áp đặt Xi-ri và biến nơi đây thành sân nhà của Nga ở Trung Đông. Rạn nứt với Tê-hê-ran buộc ông Pu-chin thông báo rút quân một phần khỏi Xi-ri hôm 14-3.
Lo ngại hành động này sẽ phá hỏng mối quan hệ, Mát-xcơ-va đang cố tung hứng. Trước hết, ông Pu-chin ngừng yểm trợ trên không cho chính quyền Xi-ri. IS lập tức chớp lấy cơ hội này ở miền Nam và tiến về các Thị trấn Na-oa, Xây-khơ Mác-kin và Đa-ra. Mát-xcơ-va hy vọng bước lùi này sẽ dạy cho ông Át-xát bài học để quy phục Nga. Bước tiếp theo, ông Pu-chin ra lệnh cho không quân Nga nối lại không kích ở phía Đông để hỗ trợ quân đội Xi-ri tiến đánh Thị trấn Pan-mi-ra. Các nguồn tin quân sự nhấn mạnh rằng việc chiếm được thành cổ này nằm ngoài khả năng của quân đội Xi-ri nếu không có sự yểm trợ trên không của Nga. Mát-xcơ-va đã dạy cho ông Át-xát và Tê-hê-ran một bài học rằng họ đã thắng trận nhờ vào sự yểm trợ trên không của Nga, và thất bại ở miền Nam đã đủ để chứng minh. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Pu-chin hiện đối mặt với tình thế khó khăn vì việc giúp giành thắng lợi tại Pan-mi-ra sẽ có thể khiến nhà lãnh đạo Xi-ri càng chống lại áp lực của Mỹ buộc ông phải ra đi sớm./.
Theo TTXVN