Dấu ấn mới trong quan hệ Mỹ - Cu-ba

09:03, 22/03/2016
Chuyến thăm Cu-ba từ ngày 20 đến 23-3 của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma được dư luận nhìn nhận là một dấu ấn quan trọng, một bước tiến mới trong tiến trình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ Mỹ - Cu-ba.
 
Chuyến thăm chính thức Cu-ba đầu tiên của một nguyên thủ Mỹ kể từ năm 1928 đang mở ra hy vọng chấm dứt hơn nửa thế kỷ lạnh nhạt và đối địch giữa hai bên, đồng thời góp phần định hình chính sách đối ngoại của chính quyền mới tại Mỹ với quốc đảo Ca-ri-bê này.
 
Để chuẩn bị cho sự kiện trên, thời gian qua, Oa-sinh-tơn và La Ha-ba-na đã có nhiều bước đi tích cực. Nhà Trắng tiếp tục nới lỏng một số hạn chế nhằm vào Cu-ba như xóa bỏ một số hạn chế về đi lại đối với người dân Cu-ba, cho phép La Ha-ba-na tiếp cận dễ dàng hơn các thực thể tài chính của Mỹ và dỡ bỏ những hạn chế đối với việc sử dụng đồng USD trong các giao dịch tại Cu-ba. 
 
La Ha-ba-na thừa nhận tính tích cực của các biện pháp trên, đồng thời tuyên bố bãi bỏ mức phạt chiết khấu 10% đánh vào đồng USD trong hoạt động trao đổi hối đoái tiền mặt trong lãnh thổ Cu-ba - biện pháp mà La Ha-ba-na đã áp dụng để đáp trả chính sách bao vây cấm vận rộng lớn của Oa-sinh-tơn.
Những điều chỉnh mới cùng một loạt tín hiệu khởi sắc trong quan hệ song phương thời gian gần đây cho thấy những nỗ lực to lớn của giới chức Mỹ và Cu-ba nhằm đạt được một loạt thỏa thuận, qua đó đảm bảo thành công cho chuyến công du Cu-ba của Tổng thống Ô-ba-ma.
 
Quan hệ Mỹ - Cu-ba ấm lên đều mang lại lợi ích cho cả hai bên, phù hợp với xu thế của thời đại, đồng thời đáp ứng sự mong đợi của người dân hai nước cũng như những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Mỹ có thể thu được các lợi ích về kinh tế và chính trị từ việc hai nước bình thường hóa quan hệ, các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ đều được hưởng lợi nhiều hơn, người Mỹ có thể đến Cu-ba du lịch, xuất khẩu của doanh nghiệp Mỹ sang các địa phương của Cu-ba cũng trở nên dễ dàng hơn. Một số cảng biển và cơ sở hạ tầng của Cu-ba sẽ thu hút các công ty Mỹ tiến vào thị trường Cu-ba.
 
Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma và phu nhân bắt đầu chuyến thăm chính thức Cu-ba trong ba ngày.  Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma và phu nhân bắt đầu chuyến thăm chính thức Cu-ba trong ba ngày. Ảnh: AFP/TTXVN
Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Cu-ba cũng khiến cho Oa-sinh-tơn bị tổn thất nặng nề. Theo số liệu của Phòng Thương mại Mỹ, cấm vận kinh tế đã khiến cho tiêu thụ và xuất khẩu của Mỹ thiệt hại 1,2 tỷ USD/năm, và theo tính toán của “Quỹ chính sách Cu-ba”, mức thiệt hại của nền kinh tế Mỹ lên tới 3,6 tỷ USD/năm. Ngoài ra, do các biện pháp trừng phạt kinh tế, người dân Mỹ không thể kịp thời được hưởng các sản phẩm có tính đột phá trong ngành y của Cu-ba. Vì thế, nếu lệnh cấm vận được dỡ bỏ, Mỹ có thể giành được lợi ích lớn.
 
Với Cu-ba, nối lại quan hệ với Mỹ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường bên ngoài lành mạnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sau khi Cách mạng Cu-ba giành thắng lợi và xây dựng chính quyền xã hội chủ nghĩa năm 1959, Mỹ liên tục gây sức ép với Cu-ba trên cả phương diện chính trị và kinh tế. Điều này khiến cho Cu-ba tuy có vị trí địa lý chiến lược và tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhưng không thể phát huy được lợi thế này. 
 
Tại Đại hội đồng LHQ, Bộ trưởng Ngoại giao Cu-ba Bru-nô Rô-đri-ghết đã nhiều lần nhấn mạnh chính sách trừng phạt của Mỹ là thủ phạm chính khiến cho nền kinh tế Cu-ba phát triển trì trệ, không gian ngoại giao bị thu hẹp và cuộc sống của người dân luôn trong tình trạng khó khăn. Vì thế, cải thiện quan hệ với Mỹ sẽ giúp thúc đẩy cải cách trong nước Cu-ba. Tiến trình cập nhật hóa mô hình nền kinh tế đang diễn ra ở quốc gia vùng Ca-ri-bê này cần có sự hỗ trợ của về nguồn vốn, công nghệ và năng lượng từ bên ngoài.
 
Tuy nhiên, những lợi ích này không đồng nghĩa với việc Cu-ba và Mỹ bỏ qua những khác biệt lớn còn tồn tại bất chấp những bước cải thiện không ngừng trong thời gian qua. Bản thân Tổng thống Ô-ba-ma, với quan điểm rất tích cực trong quan hệ với Cu-ba so với những người tiền nhiệm, vẫn công khai tuyên bố rằng chính sách mới của ông đối với đảo quốc Ca-ri-bê này không phải là sự thay đổi về mục đích mà chỉ là thay đổi về cách thức tiến hành, để phù hợp hơn với quan điểm rằng Mỹ phải vận dụng vị thế “siêu cường” của mình một cách “thông minh”.
 
Về phần mình, trong mọi phát ngôn chính thức, Chính phủ Cu-ba đều nhấn mạnh không từ bỏ bất cứ lý tưởng hay nguyên tắc cách mạng nào mà nhân dân Cu-ba đã hy sinh quá nhiều để xây dựng và giữ vững. Trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Ô-ba-ma, nhật báo “Granma”, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cu-ba, đã đăng bài xã luận khẳng định La Ha-ba-na sẵn sàng thúc đẩy quan hệ song phương với Oa-sinh-tơn và tiếp tục kiên định con đường xã hội chủ nghĩa của mình. Cu-ba đã khẳng định rất rõ lập trường rằng để bình thường hóa hoàn toàn quan hệ, Oa-sinh-tơn phải xóa bỏ hoàn toàn lệnh bao vây cấm vận kinh tế, tài chính, thương mại chống La Ha-ba-na, cũng như trả lại Vịnh Goan-ta-na-mô - phần lãnh thổ Mỹ đang chiếm đóng trái phép làm căn cứ quân sự.
 
Vì thế, đánh giá chuyến thăm Cu-ba của Tổng thống Ô-ba-ma, Giám đốc Viện Xã hội học Mỹ La-tinh chi nhánh Chi-lê (FLACSO-Chile) En-giô Phlai-phít khẳng định rằng trong trung hạn, sự kiện này sẽ tạo ra một chính sách năng động hơn đối với Cu-ba nói riêng và khu vực Mỹ La-tinh nói chung. Một điều chắc chắn là chính quyền mới của Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi những thay đổi trong đường hướng đối ngoại của chính quyền Ô-ba-ma đối với Cu-ba và Mỹ La-tinh. Tuy nhiên, việc Tổng thống Ô-ba-ma sang thăm Cu-ba khi nhiệm kỳ thứ hai không còn nhiều là chỉ dấu cho thấy một quá trình còn nhiều khó khăn, phức tạp ở phía trước để tiến tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước./.
 
Theo TTXVN


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com