Châu Âu cho U-crai-na 2 tuần để thoát khủng hoảng

09:03, 08/03/2016
Nghị viện châu Âu sau thời gian được gọi là “tuần lễ U-crai-na” đã đặt ra điều kiện đến giữa tháng 3 này, U-crai-na phải hình thành một liên minh Quốc hội mới để từ đó cơ cấu lại thành phần Chính phủ.
 
Một đoàn đại biểu Quốc hội U-crai-na đã đến Brúc-xen và khi quay trở về Ki-ép, các đại biểu lại tiếp tục đàm phán bí mật để tìm cách vượt qua khủng hoảng chính trị hiện nay.
 
Tình hình bế tắc càng trở nên phức tạp từ sau ngày 16-2, khi Thủ tướng Ác-xê-nhi I-át-xê-nhi-úc chính thức báo cáo trước Quốc hội về kết quả hoạt động của Chính phủ. Do phần lớn người dân U-crai-na đều không hài lòng với kết quả đó nên các đại biểu đều nhất trí chỉ trích Chính phủ. Cùng lúc đó, Tổng thống Pê-trô Pô-rô-sen-cô kêu gọi Thủ tướng Ác-xê-nhi và Tổng Công tố Vích-to Sô-kin từ chức. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong Quốc hội sau đó đã không đủ số lượng cần thiết để buộc Chính phủ giải thể. Điều này dẫn đến một sự chia rẽ trong liên minh cầm quyền. Đảng Tổ quốc và Tự lực nghi ngờ chính các đối tác của họ là phe ủng hộ tổng thống và thủ tướng - những người đang ngầm thống nhất với những tên đầu sỏ chính trị muốn Ác-xê-nhi tiếp tục được làm thủ tướng. Để phản đối, hai đảng trên tuyên bố rời khỏi liên minh cầm quyền. Nhưng một tuyên bố chính thức về việc Liên minh “U-crai-na châu Âu” không còn tồn tại đã không được Quốc hội đưa ra. 
Người dân trèo vào chi nhánh ngân hàng Sberbank của Nga bị đốt cháy ở Lơ-vốp ngày 22-2-2016. Ảnh: AFP/ TTXVN
Người dân trèo vào chi nhánh ngân hàng Sberbank của Nga bị đốt cháy ở Lơ-vốp ngày 22-2-2016. Ảnh: AFP/ TTXVN
Kết quả là tình hình càng trở nên phức tạp hơn, theo đó, liên minh hợp pháp vẫn tồn tại, Chính phủ được bổ nhiệm từ cuối năm 2014 vẫn tồn tại nhưng trên thực tế thì không còn một liên minh như trước đây, không còn lòng tin với Chính phủ. Tức là không có khả năng thực thi pháp luật. Vào cuối tháng 2 vừa qua, Quốc hội tuyên bố tạm nghỉ 3 tuần trong phiên họp toàn thể. Các nghị sĩ sẽ tập trung lại vào ngày 15-3.
 
Phe đối lập mới, bao gồm lãnh đạo phe đối lập I-u-li-a Ti-mô-sen-cô, Thị trưởng tỉnh Lơ-vốp An-đrây Xa-đô-vi, lãnh đạo đảng Cấp tiến Ô-lếch Li-át-cô, Thống đốc Ô-đét-xa Mi-khai-in Sa-ca-xvi-li, tuyên bố cần phải cải cách lại bộ máy chính quyền. Tức là trong thời gian tới sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội trước hạn để hình thành liên minh mới, sau đó chỉ định Chính phủ.
 
Tổng thống và thủ tướng U-crai-na phản đối điều này. Ông I-át-xê-nhi-úc cho rằng các cuộc bầu cử trước hạn có thể hủy hoại đất nước. Châu Âu cũng không ủng hộ ý tưởng một cuộc bầu cử trước hạn đột xuất tiếp theo. Lãnh đạo Khối Pô-rô-sen-cô trong Quốc hội Lu-sen-cô thông báo sau khi từ Brúc-xen trở về Ki-ép: “Chúng ta có 2 tuần để thành lập liên minh mới, Chính phủ kỹ trị mới”. Theo lời ông này, trong vòng 2-3 tháng, Chính phủ phải loại bỏ hoàn toàn tất cả những đại diện các đảng và các thế lực đầu sỏ chính trị nắm giữ các Cty độc quyền Nhà nước, chi phối ngành thuế và kiểm soát các nguồn tài chính khác, được coi là nguồn gốc của nạn tham nhũng. Ông Lu-sen-cô giải thích những yêu cầu nghiêm túc của EU: “Tham nhũng và đầu sỏ chính trị chưa được khắc phục ở U-crai-na. Không thể đàm phán về chiến lược quốc gia, nơi mà Chính phủ đã mất đi sự ủng hộ của đa số Quốc hội”.
 
Các chính trị gia ở U-rai-na vẫn chưa thống nhất được cách nào thoát khỏi tình hình hiện nay. Viện trưởng Viện Chính trị U-crai-na Công-xtăng-tin Bôn-đa-ren-cô nhận định một trong những phương án đang được thảo luận là hình thành một liên minh mới trong thành phần Quốc hội hiện nay. Các chuyên gia không loại trừ khả năng đảng Tổ quốc và Tự lực rút lại tuyên bố rời khỏi liên minh. Nhưng điều này chỉ xảy ra nếu Chính phủ cải tổ lại hoàn toàn. Ông Bôn-đa-ren-cô cho rằng hòn đá cản đường hiện nay chính là vị trí thủ tướng. Chuyên gia này nói: “EU và Mỹ nhấn mạnh rằng Ác-xê-nhi I-át-xê-nhi-úc vẫn phải tại vị. Sau tuyên bố của thủ tướng về dự định của ông ta bán hàng triệu héc-ta đất công thì có thể hiểu được tại sao những kẻ vận động hành lang ở phương Tây đang ủng hộ ông ta. Chính xác hơn, là kẻ liên quan đến tập đoàn xuyên quốc gia Mô-san-tô. Họ cần Thủ tướng I-át-xê-nhi-úc, người sẵn sàng bán đất đen U-crai-na”./.
 
Theo TTXVN


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com