Trong một động thái nhằm chấm dứt tình hình hỗn loạn gây ảnh hưởng tới đất nước trong vài năm qua, Hội đồng Tổng thống Libya vừa đề xuất đội ngũ nội các mới cho Chính phủ đoàn kết dân tộc.
Tối 14-2, tại TP Skhirat của Morocco, Hội đồng Bộ trưởng Libya đã nhất trí đề xuất nội các gồm 18 thành viên, trong đó có ba thành viên nữ.
Theo một thỏa thuận do Liên hợp quốc làm trung gian được đại diện các đảng phái tham gia đối thoại nội bộ Libya ký vào tháng 12-2015, Chính phủ mới nên đặt lại Tripoli và nên được Quốc hội Libya được quốc tế công nhận có trụ sở tại Thành phố Tobruk thông qua.
Thủ tướng Libya Fayez Seraj (Ảnh: Reuters). |
Ông Fayez Seraj, người được chỉ định làm Thủ tướng Libya và cũng là người đứng đầu Hội đồng Tổng thống nhận xét, lần bổ nhiệm này đã chú ý tới “kinh nghiệm, năng lực, phân bổ địa lý, các đảng phái chính trị và các thành phần của xã hội Libya”.
So với đề xuất đầu tiên của Hội đồng Tổng thống, nhiều cái tên đã được thay đổi, song người được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng - vị trí then chốt trong chính phủ - vẫn được giữ nguyên.
Trong tháng 1-2016, Quốc hội được quốc tế công nhận đã bác bỏ đề xuất đầu tiên của Hội đồng Tổng thống nhằm thành lập một chính phủ gồm 32 bộ trưởng và bốn phó thủ tướng vì cho rằng số lượng được bổ nhiệm là quá nhiều.
Libya rơi vào tình trạng xung đột sau cuộc nổi dậy nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm năm trước. Kể từ tháng 7-2014, tại Libya có hai chính phủ và hai quốc hội tồn tại song song.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lợi dụng tình hình an ninh tại Libya để xây dựng chỗ đứng, chiếm quyền kiểm soát TP Sirte và đe dọa mở rộng khu vực kiểm soát từ quốc gia Bắc Phi này. Trong bối cảnh này, Chính phủ các nước phương Tây liên tục hối thúc các đảng phái tại Libya ủng hộ thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc.
Theo chinhphu.vn