Báo “Jpost” ngày 30-1 dẫn các đánh giá của lực lượng Phòng vệ Ít-xra-en (IDF) cho rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang có kế hoạch thực hiện thêm các cuộc tấn công đẫm máu tại châu Âu và năm 2016 sẽ là giai đoạn then chốt quyết định số phận của tổ chức khủng bố này.
Theo đánh giá của IDF, số phận của IS chủ yếu phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng của các cường quốc phương Tây trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố này. Nhưng ngay cả khi không thể tồn tại được qua năm nay, IS sẽ tiếp tục kêu gọi tuyên truyền và tuyển mộ thành viên. Quan sát các nhánh của IS và những nhóm liên kết với chúng trong khu vực, giới phân tích quân sự cho rằng thái độ của mỗi nhóm là rất khác nhau, mặc dù liên kết với nhau thông qua ngân sách hoạt động và sự chỉ đạo từ giới thủ lĩnh trung ương của IS. Ví dụ, nhóm Da-múc liên kết với IS ở khu vực cao nguyên Gô-lan của Xi-ri, giáp biên giới với Ít-xra-en, hành xử khác với nhóm IS ở Xi-nai hoặc Li-bi. Do đó, để nắm được bức tranh chính xác nhất về các mối đe dọa đang nổi lên, giới phân tích phải nghiên cứu riêng rẽ các khả năng, kiểu thái độ và ý đồ của mỗi nhóm IS.
Trại huấn luyện của IS ở In-đô-nê-xi-a. Ảnh: Internet |
Theo nhận định, nếu IS đánh bom thêm một vài máy bay chở khách hoặc thực hiện các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các sân vận động tại châu Âu, năm 2016 sẽ đánh dấu giai đoạn chuyển giao sang một cuộc chiến toàn cầu, không phải theo nghĩa xung đột mà là tác động đối với văn hóa phương Tây từ các cuộc tấn công khủng bố liên tiếp. Rõ ràng, IS đang lên kế hoạch tiến hành thêm các vụ khủng bố gây thương vong lớn ở phương Tây, giống như kế hoạch tấn công Pa-ri hồi tháng 11-2015. IDF cho rằng IS xem các hoạt động của chúng như sự báo thù cho các cuộc Thập tự chinh thời Trung cổ cũng như sự kiêu ngạo và can thiệp của phương Tây trong khu vực gần đây. Vượt xa khỏi khuôn khổ thiết lập và mở rộng vương quốc Hồi giáo, IS vẫn duy trì việc tuyển mộ thêm các chiến binh thánh chiến để bù đắp cho tổn thất về nhân mạng trên chiến trường và mở rộng ý thức hệ thánh chiến Sa-la-phi xa nhất có thể.
Tuy nhiên, tình hình tài chính của IS đang đối mặt với khó khăn. Ngân quỹ từ dầu mỏ của chúng, từng là nguồn thu chính, đang giảm mạnh do các cuộc không kích liên tiếp của liên quân nhằm vào những cơ sở sản xuất dầu của IS. Hiện 45% nguồn thu của IS có được nhờ bán dầu, giảm hơn một nửa so với cách đây một năm. IS kiếm được 500 triệu USD/năm từ dầu mỏ, nhưng chúng là một thực thể biết cách thích nghi nhanh và đã tìm ra những nguồn thu mới để bù đắp. Năm 2015, IS kiếm được 300 triệu USD từ thuế, 160 triệu USD từ điều hành trang trại, và 80 triệu USD từ bán cổ vật cướp được, cộng với 40 triệu USD từ các khoản tiền chuộc. Tổng cộng, tổ chức này đã có ngân sách 1,3 tỷ USD năm 2015. Vấn đề là liệu chúng có thể duy trì mức ngân quỹ này trong năm 2016, trong khi đang phải vật lộn để chi trả cho các hoạt động nội bộ và trên chiến trường.
Nhìn ra các vùng lãnh thổ và quốc gia xung quanh, IDF xác định bán đảo Xi-nai là khu vực IS nhiều khả năng tấn công Ít-xra-en nhất trong những tháng tới. Với quân số khoảng 1.000 thành viên, nhóm khủng bố Oai-lay-át Xi-nai (tỉnh Xi-nai) liên kết với IS đã tăng cường các mối đe dọa nhằm vào Ít-xra-en, mặc dù vẫn tiến hành một loạt cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng an ninh Ai Cập. Các thành viên của nhóm này chủ yếu là người Bê-đu-in ở Xi-nai, vốn bị gạt ra khỏi nền kinh tế địa phương và tiếp cận được vũ khí nhập lậu từ Li-bi.
Trong khi đó, quốc gia láng giềng của Ít-xra-en là Gioóc-đa-ni cũng đối mặt với những rủi ro trong tình hình hỗn loạn hiện nay. Quốc vương Gioóc-đa-ni Áp-đu-la II đang nghiên cứu các mối đe dọa chiến lược nhằm đánh bật các cuộc tấn công của IS từ Xi-ri, trong khi nước này đối mặt với những thách thức từ bên trong do lực lượng Hồi giáo miền Nam có thể lợi dụng tình hình để làm suy yếu sự ổn định của Gioóc-đa-ni./.
Theo vov.vn