Ngày 31-1, Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC)-đại diện của các nhóm đối lập chính Xy-ri trong hòa đàm với chính quyền Đa-mát đe dọa sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán do LHQ bảo trợ, kể cả khi chưa đàm phán bắt đầu nếu tình hình nhân đạo tại Xy-ri không được cải thiện.

Điều phối viên của HNC Ri-át Hai-giáp (Riad Hijab) tuyên bố sẽ không đàm phán với chính quyền của Tổng thống Ba-xa An-Át-xát (Bashar al-Assad), kể cả đàm phán gián tiếp, cho đến khi nghị quyết của LHQ về chấm dứt vây hãm các thị trấn được tuân thủ. Trong khi ông Hai-giáp, người không nằm trong thành phần phái đoàn đàm phán tới Giơ-ne-vơ, khẳng định phái đoàn sẽ thông báo cho cho Đặc phái viên của LHQ về Xy-ri, Xta-phan đê Mi-xtu-ra (Staffan de Mistura) về ý định rút khỏi đàm phán nếu LHQ và các cường quốc không thể ngăn chặn được "những vi phạm trên”, thì đại diện của phái đoàn tại Giơ-ne-vơ Xa-lem an-Me-xlét (Salem al-Meslet) cho biết, đoàn quyết tâm đàm phán thành công, chỉ muốn thấy thực sự có tiến triển trong việc chính quyền Xy-ri thực hiện nghị quyết trên.

Một cuộc gặp trong khuôn khổ đàm phán hòa bình Xy-ri tại Giơ-ne-vơ. Ảnh: AP
Một cuộc gặp trong khuôn khổ đàm phán hòa bình Xy-ri tại Giơ-ne-vơ. Ảnh: AP
Đàm phán hòa bình cho Xy-ri khai mạc tại Giơ-ne-vơ ngày 29-1 vừa qua là một sự kiện quốc tế được chờ đợi bởi đây là lần đầu tiên sau 2 năm, một hội nghị hòa bình về Xy-ri được triệu tập. Dù vậy, hiện vẫn còn quá nhiều khác biệt giữa các bên tham gia đàm phán và nhiều người không mấy lạc quan về triển vọng hòa bình cho Xy-ri.

Sau nhiều ngày hoãn, 17 đại diện của HNC và 25 đại diện khác của phe đối lập đã tới Giơ-ne-vơ ngày 30-1 và có cuộc đối thoại ban đầu với ông Mi-xtu-ra vào ngày 31-1. Trước đó, ngày 29-1, phía chính quyền Xy-ri cũng đã cử 16 đại diện tới Giơ-ne-vơ nhưng tới nay đại diện HNC đang từ chối tham gia đối thoại, dù là gián tiếp với phía chính quyền Xy-ri. Thay vì thế, HNC yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết yêu cầu chấm dứt ngay các cuộc chiến tại 12 thị trấn ở Xy-ri.

Cuộc đàm phán tại Giơ-ne-vơ là một phần trong kế hoạch về hòa bình tại Xy-ri được đưa ra hồi tháng 11-2015 tại Viên. Kế hoạch này bao gồm việc Xy-ri sẽ tiến hành các cuộc bầu cử trong vòng 18 tháng tới. Tuy nhiên, một vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ là tương lai của ông An-Át-xát, nhất là trong bối cảnh quân đội Xy-ri đang ngày càng chiếm thế thượng phong nhờ có sự yểm trợ từ các cuộc không kích của Không quân Nga ở nước này từ tháng 9-2015. Một vấn đề đau đầu khác là phe đối lập nào sẽ được mời tham gia những cuộc đàm phán dù các bên đã nhất trí loại bỏ IS và Tổ chức Mặt trận al-Nusra vốn có quan hệ thân thiết với al-Qaeda.

Liên quan đến vấn đề này, theo AFP, việc các đảng của người Cuốc có được mời tham gia cuộc đàm phán tại Giơ-ne-vơ hay không là vấn đề gây tranh luận nhiều nhất giữa những phe phái tham chiến ở Xy-ri, cũng như các nước ủng hộ đứng đằng sau các phe phái này. Nga từng tuyên bố cần phải có các đại diện người Cuốc tham gia đàm phán hòa bình Xy-ri nếu như muốn đạt được kết quả, trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ lại phản đối việc cho các đại diện người Cuốc tham gia tiến trình đàm phán hòa bình Xy-ri. Trước đó, theo hãng tin AFP, các đại diện người Cuốc ở Xy-ri đã rời khỏi Giơ-ne-vơ sau khi không nhận được lời mời tham gia những cuộc đàm phán hòa bình Xy-ri do LHQ bảo trợ. Một trong những đại diện người Cuốc cũng tuyên bố chắc chắn sẽ không có một cam kết ngừng bắn nào từ phía họ được đưa ra.

Ngày làm việc chính thức của vòng đàm phán hòa bình Xy-ri sẽ diễn ra vào hôm nay (1-2). Các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào việc đạt được một lệnh ngừng bắn, đẩy mạnh cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và cứu trợ nhân đạo. Đàm phán sẽ kéo dài tới 6 tháng, nhưng không liên tục. Đây có thể xem là một nỗ lực rất lớn của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài gần 5 năm qua tại Xy-ri khiến khoảng 250.000 người thiệt mạng.

Theo hãng tin Itar-Tass của Nga, cuộc hòa đàm giữa đại diện chính phủ Xy-ri và lực lượng đối lập là cách duy nhất để giải quyết các xung đột đang ngày càng gia tăng ở nước này. Ngay từ khi tổ chức, Đặc phái viên về Xy-ri của Tổng thư ký LHQ Mi-xtu-ra đã phải thừa nhận rằng, hòa đàm không có gì dễ dàng và ông sẽ nỗ lực hết mình trong khả năng có thể xử lý được. Vòng đàm phán gần đây nhất diễn ra cách đây 2 năm đã không giúp chấm dứt cuộc nội chiến thảm khốc ở Xy-ri. Hai người tiền nhiệm của Đặc phái viên LHQ về Xy-ri là cựu Tổng thư ký LHQ C.A-nan (Kofi Annan) và sau đó là ông L.Bra-hi-mi (Lakhdar Brahimi) đều phải từ bỏ những nỗ lực của mình sau khi các cuộc hòa đàm được tổ chức theo sáng kiến của họ lần lượt rơi vào thất bại.

Tuy nhiên, với những bất đồng và tính toán lợi ích của các bên, cuộc đàm phán được dự đoán sẽ gặp muôn vàn trở ngại. Các nhà phân tích cho rằng, cũng khó có thể mong đợi một kết quả khả quan nhằm có thể vãn hồi hòa bình cho Xy-ri trong một sớm một chiều.

Theo qdnd.vn