Chính sách của EU trong quan hệ với Bê-la-rút, Nga

09:02, 26/02/2016
Trang mạng “News.tut.by” (Bê-la-rút) số ra ngày 24-2 có bài phỏng vấn Bộ trưởng Ngoại giao Lít-va về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu với Bê-la-rút, Nga.
 
Ngày 15-2, Liên minh châu Âu đã gỡ bỏ lệnh cấm vận dành cho Bê-la-rút, Tổng thống Lu-ca-sen-cô và các quan chức dưới quyền ông này. Nhà lãnh đạo Bê-la-rút cám ơn EU và bày tỏ sẵn sàng đối thoại với tổ chức này. Các lệnh cấm vận chống lại Nga liên quan việc sáp nhập Crưm cũng như can thiệp quân sự vào Đôn-bát vẫn còn hiệu lực. Trả lời phỏng vấn RFI, Bộ trưởng Ngoại giao Lít-va Li-nát Lin-ke-vi-xi-út cho rằng người ta đang mong đợi sự cải cách lớn trong chính sách của EU với Bê-la-rút, Nga và U-crai-na.
 
Theo ông, EU đã vội vàng gỡ bỏ lệnh cấm vận cho Bê-la-rút hay là đã tính đến sự thay đổi tình trạng dân chủ ở quốc gia này? Quyết định này mang đến hiệu quả gì?
 
Nếu nhìn lại từ đầu thì các lệnh trừng phạt này xuất phát từ việc ở Bê-la-rút xuất hiện những tù nhân chính trị, không nhiều nhưng họ vẫn luôn có những tù nhân chính trị như vậy. Chúng tôi cũng không ngừng yêu cầu thả tự do cho các tù nhân này. Nguyên nhân của các lệnh trừng phạt, nói theo pháp luật, là do tội danh tù nhân chính trị ở quốc gia này. Và chính quyền Bê-la-rút đã quyết định thả tự do cho họ. Chúng tôi cho rằng bước đi này là rất quan trọng, nhưng cùng với đó, như đã được nêu trong biên bản họp của Hội đồng Bộ trưởng EU, không phải ai ở Bê-la-rút cũng cảm thấy đây là một hành động tích cực và sáng suốt. Đã có những bước đi tích cực được chúng tôi đánh giá cao, ví dụ như việc Bê-la-rút đã quay lại đối thoại về vấn đề nhân quyền. Nhưng cũng trong tài liệu của Hội đồng vẫn tồn tại những lo ngại về tình trạng nhân quyền tại quốc gia này. Chúng tôi vẫn còn những chỉ trích và vấn đề này cũng sẽ là một trong những nội dung đối thoại sắp tới. 
 
Không ai lại ngây thơ khi cho rằng chỉ trong vòng 1 đêm, 1 ngày hay 1 tuần có thể hoàn toàn thay đổi tình hình đất nước liên quan đến dân chủ, nhân quyền, quyền lợi của các đảng chính trị. Chúng tôi không ảo tưởng rằng những vấn đề này sẽ thay đổi nhanh chóng, nhưng chúng tôi muốn khuyến khích những thời điểm tích cực như vậy.
 
Các bạn nhớ rằng việc Bê-la-rút không tự động áp đặt các lệnh trừng phạt đáp trả Lít-va và liên minh châu Âu rất quan trọng đối với chúng tôi. Có những thời điểm nhất định, chúng tôi hoan nghênh, nhưng chúng tôi muốn trong tương lai sẽ không xảy ra điều tương tự nữa. Trả lời câu hỏi, liệu quyết định này có kịp thời hay không, thì cuộc sống sẽ trả lời. Nếu có những dấu hiệu cho thấy rằng tình hình đang trở nên tích cực hơn thì có nghĩa việc gỡ bỏ trừng phạt đã kịp thời. Nếu như ngược lại thì chúng tôi lại 1 lần nữa sẽ giải quyết vấn đề này. Chúng tôi không có mục đích áp đặt trừng phạt, chúng tôi không cảm thấy tự hào vì điều đó. Đây là phương án cuối cùng khi không có được sự đối thoại và những lập luận của chúng tôi không được quan tâm. Hơn nữa, thẳng thắn mà nói, trừng phạt không phải lúc nào cũng mang lại những kết quả tốt đẹp cho những người áp đặt nó. Nhưng chúng tôi vẫn nghĩ rằng đây là một trong những đòn bẩy hiệu quả để mang lại kết quả và tương lai sẽ trả lời tất cả.
Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-chin (trái) và người đồng cấp Bê-la-rút A-lếch-xăng-đơ Lu-ca-sen-cô.  Ảnh: Internet
Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-chin (trái) và người đồng cấp Bê-la-rút A-lếch-xăng-đơ Lu-ca-sen-cô. Ảnh: Internet
Vậy việc EU gỡ bỏ trừng phạt đối với Bê-la-rút có ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ giữa Lít-va và Bê-la-rút?
 
Bê-la-rút là quốc gia láng giềng của chúng tôi, nằm cách biên giới 30km và có chiều dài dọc biên giới với EU dài 700km. Chúng tôi không quan tâm mối quan hệ của chúng tôi là gì. Chúng tôi muốn hợp tác chặt chẽ hơn và muốn nó trở  nên gần gũi hơn những gì mà châu Âu nghĩ đến. Chúng tôi không thể và không có quyền đặt ra các quy tắc hay phong tục của riêng mình, nhưng chúng tôi mong muốn Bê-la-rút cũng giống như một đối tác châu Âu. Về nguyên tắc, Bê-la-rút nằm trong khuôn khổ chương trình đối tác phương Đông. Nếu trước đây họ chưa từng thì bây giờ họ đã bắt đầu và điều này là tích cực. Đã tiếp tục đàm phán về việc tạo thuận lợi cho cơ chế thị thực. 
 
Nhưng trong lúc chờ đợi, tôi muốn nhắc lại một trong những yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến quan hệ song phương của chúng tôi - xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ốt-xtrô-vét. Chúng tôi có nhiều thắc mắc về việc lựa chọn địa điểm xây dựng mà theo chúng tôi thì nó đã vi phạm quy tắc và công ước quốc tế. Đây không chỉ là ý kiến của chúng tôi, mà còn là của các uỷ ban quốc tế đang có những chỉ trích cụ thể đối với Bê-la-rút. 
 
Trong vấn đề này sẽ không có những nhượng bộ hay thoả hiệp nào với phía chúng tôi bởi vì đây là một vấn đề quá nghiêm trọng đối với Lít-va, châu Âu và cả khu vực, bao gồm cả Bê-la-rút. Trong biên bản của Hội đồng EU sẽ có những yêu cầu cần Bê-la-rút phải thực hiện khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
 
Có thể nói rằng Bê-la-rút đã rất may mắn khi được gỡ bỏ trừng phạt. Còn đối với Nga, do vấn đề sáp nhập Crưm và tình hình ở phía Đông U-crai-na mà các lệnh cấm vận vẫn còn hiệu lực và Lít-va là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ các biện pháp này. Tại Pháp, các chính trị gia đã nhiều lần tuyên bố về sự tiêu cực đối với nền kinh tế các nước và EU nói chung. Vậy hiện quan điểm của Lít-va về vấn đề này như thế nào khi phương Tây đang có những cuộc đối thoại tích cực để gỡ bỏ trừng phạt Nga? 
 
Các bạn có thấy rằng không ai cảm thấy tự hào về các lệnh trừng phạt, nhưng vẫn phải áp dụng nó vì nhiều lý do. Việc sáp nhập Crưm khiến bắt nguồn các lệnh trừng phạt, và cho đến nay Crưm đã được sáp nhập vào Nga, và không có lý do để gỡ bỏ các lệnh trừng phạt này. Danh sách các cá nhân là đối tượng bị xử phạt còn quá ít so với danh sách tương tự của Bê-la-rút, và tôi cũng khó hiểu lý do. Danh sách này được áp đặt trừng phạt vì bị coi là vi phạm toàn vẹn lãnh thổ U-crai-na.
 
Đối với các biện pháp trừng phạt kinh tế mà chúng tôi sẽ xem xét vào mùa hè tới, sẽ liên quan trực tiếp tới việc thực hiện thoả thuận Min-xcơ. Chúng ta không được quên rằng thoả thuận này liên quan trực tiếp đến tình hình an ninh. Nếu chúng ta luôn suy nghĩ rằng xuất phát từ lý do gì mà áp đặt trừng phạt thì ý nghĩ đến việc gỡ bỏ hiện chưa có vì những lý do đó còn chưa được loại bỏ. Ngay cả những người đang kêu gọi gỡ bỏ trừng phạt cũng luôn đi kèm với một điều kiện đó là thoả thuận Min-xcơ phải được thực hiện./.
 
Theo TTXVN


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com