Tăng cường kiểm soát đường biên giới tại khu vực miễn thị thực Schengen sẽ khiến các doanh nghiệp Liên minh châu Âu mất 3 tỷ Euro/năm.
Đây là nhận định của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đưa ra trước báo giới ngày 20/1. Theo ông Juncker, với 1,7 triệu người lao động băng qua các đường biên giới liên thông Liên minh châu Âu mỗi ngày và 57 triệu cuộc hành trình diễn ra tại các đường biên giới hàng năm, việc kiểm soát các đường biên giới mỗi giờ thực sự đang làm lãng phí thời gian của các doanh nghiệp và mọi người.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng nhấn mạnh, việc các nước Liên minh châu Âu nối tiếp nhau đóng cửa biên giới cho đến khi tất cả các nước đều đóng cửa biên giới sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế của châu lục. Theo ông, nếu thị trường chung châu Âu thiệt hại thì Liên minh châu Âu cần cân nhắc xem có thực sự cần một đồng tiền chung nữa hay không khi mà đã không còn một thị trường đơn nhất và không còn sự dịch chuyển tự do của dòng người lao động trong khối Schengen.
Nhận định của ông Juncker được cho là sự khẳng định lại lời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo châu Âu trước đó rằng, nếu không thể kiểm soát phù hợp các đường biên giới ngoài của mình, khối Schengen sẽ sụp đổ.
Liên minh châu Âu hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, với hơn 1 triệu người tị nạn và di cư đến liên minh này chỉ trong năm ngoái. Đối phó với thực tế này, nhiều nước châu Âu như Áo, Đan Mạch và Thụy Điển đã siết chặt kiểm soát người nhập cảnh vì lo ngại các nguy cơ mất an ninh do dòng người di cư ồ ạt.
Những thực tế này cho thấy hiệp định Schengen, vốn xóa nhòa biên giới cho người dân đi lại giữa 22 nước thành viên và 4 quốc gia ngoài Liên minh châu Âu đang dần mất hiệu lực, khiến không ít ý kiến các nước khu vực, trong đó có Đức lo ngại. Thỏa thuận Schengen về tự do đi lại vốn được coi là “nguyên tắc quan trọng” và là một trong những “thành tựu” lớn nhất của Liên minh châu Âu./.
Theo vov.vn