Ngày 19-1, Li-bi đã công bố việc thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc theo một kế hoạch do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ, với hy vọng có thể sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài 5 năm qua tại quốc gia Bắc Phi này...
Theo AP, Hội đồng Tổng thống Li-bi cho biết đã nhất trí về việc bổ nhiệm 32 thành viên nội các. Cùng ngày, Đặc phái viên LHQ tại Li-bi, Ma-tin Côn-bơ (Martin Kolber) kêu gọi các phe phái đối địch của Li-bi ủng hộ chính phủ đoàn kết dân tộc dù chỉ có chưa đến một nửa số nghị sĩ ký thông qua thỏa thuận. Hiện chưa rõ liệu chính phủ mới sẽ đặt trụ sở chính ở đâu.
![]() |
Đại diện các phe phái chính trị ở Li-bi cùng nắm tay nhau sau khi ký một thỏa thuận do LHQ bảo trợ ngày 17-12-2015. Nguồn: AFP |
Trước đó, các phe phái chính trị ở Li-bi đã ký một thỏa thuận do LHQ bảo trợ hôm 17-12-2015 tại thành phố Xơ-khê-rát của Ma-rốc nhằm kết thúc tình trạng chia rẽ chính trị ở Li-bi, tăng cường cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan và mối đe dọa từ phía nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Theo thỏa thuận này, Hội đồng Tổng thống Li-bi được giao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới trong 30 ngày (nghĩa là trước ngày 17-1). Tuy nhiên ngày 17-1, Hội đồng Tổng thống Li-bi đã hoãn thời điểm thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc thêm 48 giờ trong bối cảnh xuất hiện các thông tin về tranh cãi xung quanh việc phân bổ các vị trí bộ trưởng.
Đứng trước những lo ngại về cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài ở Li-bi, ngày 19-1, Bộ trưởng Quốc phòng Đức U-xu-la Vôn Đơ Lây-ơn (Ursula von der Leyen) cho rằng, việc khôi phục trật tự và luật pháp tại Li-bi là mục tiêu quan trọng của Đức. Bộ trưởng Quốc phòng Đức cũng đề cập tới khả năng triển khai quân đội tại Li-bi, trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi này đang chìm trong khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, với sự tồn tại song song của hai chính phủ và hai quốc hội, tạo cơ hội cho nhóm khủng bố IS mở rộng hoạt động. Bộ trưởng Quốc phòng Đức tuyên bố, nước này không thể thoái thác trách nhiệm đóng góp của mình. Thời gian qua, Đức đã gia tăng sự hiện diện quân sự tại nhiều khu vực bất ổn ở Trung Đông như I-rắc và Xy-ri để tham gia chiến dịch quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu. Ngày 6-1 vừa qua, Đức đã quyết định triển khai thêm hơn 500 binh sĩ tới Ma-li và I-rắc để truy quét các tay súng cực đoan.
Mặc dù không nêu rõ chi tiết việc triển khai quân, song bà Lây-ơn đã bày tỏ lo ngại về sự gia tăng các vụ tấn công khủng bố của nhóm khủng bố IS tại Li-bi và cho biết, điều này có thể tạo ra một làn sóng người tị nạn mới tới châu Âu. Tạp chí Foreign Policy từng mô tả Li-bi chính là “tâm chấn” của cuộc khủng hoảng tị nạn tại châu Âu, bởi phần lớn người tị nạn từ Trung Đông và châu Phi đều đổ tới “quốc gia trung chuyển” này trước khi vượt Địa Trung Hải tới châu Âu. Cực tây của bờ biển Li-bi chỉ cách đảo Lam-pơ-đu-xa của I-ta-li-a khoảng 466km.
Li-bi rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Mô-a-mơ Ca-đa-phi (Muammar Gaddafi) năm 2011. Đại hội Nhân dân Toàn quốc (GNC) là quốc hội đã mãn nhiệm song không chịu từ nhiệm và tự thành lập chính phủ tại thủ đô Tri-pô-li từ tháng 8-2014 với sự hậu thuẫn của phiến quân Hồi giáo, buộc chính phủ được quốc tế công nhận phải chuyển trụ sở tới thành phố Tô-brúc, miền Đông Li-bi. Tình trạng trên đẩy Li-bi vào cảnh có hai chính phủ và hai quốc hội cùng tồn tại song song. Từ đó, hàng loạt tổ chức quân sự nổi lên ở Li-bi, xung đột liên miên, tạo môi trường lý tưởng để các băng nhóm buôn người hoạt động. Trước năm 2011, mỗi năm gần 20.000 người vượt biển sang châu Âu từ bờ biển Li-bi. Trong năm 2011, con số này tăng vọt lên hơn 63.000 người và đến nay đã lên tới hàng trăm nghìn người.
Các cường quốc phương Tây hy vọng chính phủ mới của Li-bi có thể tạo ra sự ổn định và giúp đối phó với mối đe dọa đang ngày càng lớn từ IS. Đại sứ Anh tại Li-bi, Pi-tơ Min-lét (Peter Millet) cho rằng, việc thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc tại Li-bi là cấp thiết để đối phó với chủ nghĩa khủng bố và cứu vãn nền kinh tế quốc gia Bắc Phi này.
Theo qdnd.vn