Ngày 30-12 tới, nếu U-crai-na không thanh toán khoản nợ 3 tỷ USD cho Nga thì rất có thể Nga sẽ kiện U-crai-na ra Tòa trọng tài quốc tế.
Trên thực tế, hạn chót để U-crai-na thực hiện nghĩa vụ trả nợ đã quá một tuần và hai bên không thể thương lượng về vấn đề này.
Đối đầu pháp lý khó giải quyết được vấn đề
Trong trường hợp xảy ra một cuộc đối đầu pháp lý giữa Nga và U-crai-na, cả hai sẽ cùng chịu hậu quả nặng nề không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị, thậm chí làm phức tạp thêm các mối quan hệ quốc tế khác.
Tranh cãi nợ giữa Nga và U-crai-na đã kéo dài thời gian qua và có cảm giác rằng khoản tiền 3 tỷ USD mà U-crai-na nợ Nga đang ngày càng trở thành một vấn đề bị chính trị hóa.
Trong thế giới ngày nay, chiến tranh không còn là sự lựa chọn dễ dàng khi đối thoại chính trị bế tắc. Thay vào đó, kinh tế đã trở thành công cụ đầu tiên được các bên sử dụng một cách phổ biến và tối đa.
Trên thực tế, các lệnh trừng phạt kinh tế ngày càng gia tăng cả về quy mô lẫn cấp độ trên toàn cầu đã phản ánh bức tranh kinh tế của thế giới đang bị chính trị hóa và khoản tiền 3 tỷ USD mà U-crai-na nợ Nga cũng đang dần nhuốm màu chính trị là điều khó tránh khỏi.
Có thể nói, toàn cầu hóa giờ đây không chỉ là thuật ngữ dành riêng cho kinh tế thuần túy mà ẩn chứa sau nó luôn là những toan tính chính trị. Khoản tiền 3 tỷ USD mà U-crai-na nợ Nga chịu ảnh hưởng và tác động rất lớn từ các quan hệ chính trị mang màu sắc đối đầu giữa Nga với Tây Âu và Mỹ.
Để giải quyết khoản tiền 3 tỷ USD mà U-crai-na nợ Nga bằng đối thoại thì đòi hỏi phải có sự cải thiện mối quan hệ chính trị hiện nay giữa Nga với Tây Âu và điều này là khó có thể đạt được trong một tương lai gần.
Nếu U-crai-na không tìm được lý do hợp pháp để tránh trả nợ và bị Nga kiện ra Tòa trọng tài quốc tế thì dù kết quả thế nào cũng khó tìm được sự chấp nhận của cả Nga và U-crai-na.
Thực tế này sẽ dẫn đến kết quả là phán quyết của Tòa trọng tài không dễ được thi hành và điều đó đồng nghĩa với việc các bên sẽ gia tăng và mở rộng đối đầu.
Trên thực tế, đối đầu quân sự giữa Nga và U-crai-na là điều cả hai không mong muốn và rất khó xảy ra trong lúc này. Nhưng, với những bước đi như hiện nay của Nga và U-crai-na cùng với sự tác động của Tây Âu và Mỹ thì những vấn đề tưởng như thuần túy là kinh tế cũng không thể giải quyết bằng đối thoại hay trọng tài quốc tế mà thay vào đó sẽ là đối đầu quân sự.
 |
Sự kiện máy bay Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ đã đẩy mối quan hệ Nga - Thổ trở nên căng thẳng ở mức khó chấp nhận. Ảnh: Roi-tơ |
Có “bàn tay” của bên thứ 3?
Sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga và vấn đề quan hệ căng thẳng ngày càng gia tăng hiện nay giữa Nga với U-crai-na phải chăng là một kịch bản đang được dàn dựng ở đâu đó để buộc Nga phải đối đầu quân sự không phải với Mỹ hoặc Tây Âu. Nhưng, khi kịch bản này xảy ra thì đối đầu quân sự chỉ dừng lại ở Nga với U-crai-na hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Thế giới ngày nay đang bước dần qua những “lằn ranh” cân bằng và ngày càng khó kiểm soát. Nếu U-crai-na không tìm được lý do hợp pháp để tránh trả nợ và bị Nga kiện ra Tòa trọng tài quốc tế thì căng thẳng này không còn chỉ là của Nga với U-crai-na mà sẽ bị đẩy xa cả về quy mô lẫn cấp độ tới mức khó có thể đoán định.
Nhiều ý kiến cho rằng, một khi vấn đề bị đưa ra trước Tòa án trọng tài quốc tế, thì sẽ không chỉ là chuyện giữa U-crai-na và Nga nữa, mà còn làm xấu hơn nữa quan hệ giữa Nga và phương Tây, cũng như đẩy cuộc khủng hoảng ở miền Đông U-crai-na vào chỗ bế tắc hơn nữa. Điều này, phản ánh sự bế tắc không chỉ riêng mối quan hệ giữa Nga với U-crai-na mà là sự bế tắc trong qua hệ giữa Nga và Tây Âu.
Trên thực tế, Tây Âu ngày càng gia tăng áp lực đối với Nga và để tránh đối đầu trực diện với Nga thì con bài U-crai-na đã được Tây Âu lôi kéo, sử dụng và miền Đông U-crai-na đã trở thành con tin để Tây Âu khuất phục U-crai-na. Mọi hệ lụy trước mắt thì người đầu tiên phải gánh chịu là đất nước và nhân dân U-crai-na. Nhưng với tiền lệ này, nền kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với một hệ lụy mới phá vỡ những chuẩn mực đã được xây dựng và xác lập trong quá khứ.
Trong mâu thuẫn Nga - U-crai-na, dư luận đang quan tâm tới sự xuất hiện của nhân tố mới, gây tác động không nhỏ tới tình hình, đó là Thổ Nhĩ Kỳ. Nga mới đây đã dừng FTA với U-crai-na thì Thổ Nhĩ Kỳ lại đang xúc tiến FTA với U-crai-na. Thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ còn hậu thuẫn U-crai-na thành lập tiểu đoàn phong tỏa bán đảo Crưm…
Mối quan hệ hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ với U-crai-na, hay trước đó là việc Thổ Nhĩ Kỳ chủ động nối lại mối quan hệ đã bị đổ vỡ nhiều năm với Ít-xra-en cũng là điều dễ hiểu khi “kẻ thù của kẻ thù là bạn”.
Khó tránh khỏi đối đầu quân sự?
Nhưng, từ mối quan hệ triển vọng trở thành đối đầu giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ thì đến nay vẫn chưa có một lý giải rõ ràng và sáng tỏ. Điều này, cho thấy mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay không thuần túy là mối quan hệ giữa hai bên mà nó đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ một bên thứ ba.
Chính sự ảnh hưởng này đang âm thầm tác động làm méo mó không chỉ mối quan hệ giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ mà còn tạo ra sự méo mó trong quan hệ quốc tế của một khu vực địa chính trị rất nhạy cảm hiện nay.
Những động thái gần đây của Thổ Nhỹ Kỳ càng giúp Nga nhận diện ra ván bài đang được ai đó triển khai ở khu vực này mà Thổ Nhĩ Kỳ, U-crai-na hay nhiều quốc gia khác cũng chỉ là những quân bài mà thôi.
Trục quan hệ U-crai-na - Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là thách thức trực diện còn thách thức lớn nhất mà Nga đang phải đối mặt là hóa giải kẻ giấu mặt đang âm thầm gây bất ổn cho an ninh của khu vực này./.
Theo VOV