Ngày 28-11, hàng chục nghìn người đã biểu tình tại Thủ đô Luân Đôn (Anh) và Ma-đrít (Tây Ban Nha) để phản đối kế hoạch can thiệp quân sự chống tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại Xi-ri.
Khoảng 5.000 người đã tham gia biểu tình tại Luân Đôn, phản đối khả năng Vương quốc Anh mở rộng các cuộc oanh kích của nước này chống IS từ I-rắc sang Xi-ri.
![]() |
Người biểu tình tụ tập tại London giương biểu ngữ phản đối không kích ở Xi-ri. Ảnh: PA |
Đám đông hàng nghìn người đã tụ tập tại Luân Đôn, giương cao các áp phích với nội dung như “Không ném bom Xi-ri” hay “Không đổ thêm dầu vào lửa”, đồng thời kêu gọi Thủ tướng Đa-vít Ca-mơ-rôn hủy bỏ kế hoạch mở rộng không kích chống IS sang Xi-ri.
Cũng trong ngày 28-11, hàng nghìn người đã biểu tình tại Thủ đô Ma-đrít của Tây Ban Nha để phản đối các hành động quân sự tại Xi-ri, theo đó cảnh báo không nên để Tây Ban Nha trở thành mục tiêu tấn công của các tay súng Hồi giáo cực đoan, tương tự như vụ đánh bom tàu hỏa của các phần tử khủng bố An Kê-đa tại Ma-đrít hồi năm 2004, khiến hơn 190 người thiệt mạng. Nhiều người Tây Ban Nha đến nay vẫn cho rằng vụ tấn công đẫm máu trên là hành động trả đũa của An Kê-đa vì Tây Ban Nha can thiệp quân sự vào cuộc chiến tại I-rắc.
Mi-an-ma và nhóm vũ trang sắc tộc soạn khung đối thoại
Ngày 29-11, tại Trung tâm Hòa bình Mi-an-ma, Chính phủ nước này và các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số đã tiến hành soạn thảo khung đối thoại theo 10 nội dung.
Đây là nội dung thảo luận trong cuộc họp kéo dài 4 ngày bắt đầu từ ngày 27-11 vừa qua của Ủy ban Đối thoại chung về Hòa bình liên bang (UPDJC).
Theo Trung tâm Hòa bình Mi-an-ma, 10 điểm được thảo luận bao gồm điều lệ cơ bản của thỏa thuận khung, đại diện và thành phần tham gia đối thoại chính trị, phương thức đưa ra quyết định, điều hành đối thoại, việc ký kết thỏa thuận đoàn kết và thực thi tiến trình. Cuộc họp của UPDJC sẽ kéo dài đến ngày 1-12. Theo lịch trình ngừng bắn từng ấn định, dự kiến việc soạn thảo khung tổ chức đối thoại sẽ hoàn tất trước ngày 14-12 và đối thoại chính thức được đặt mục tiêu trước ngày 14-1-2016.
Trước khi UPDJC được thành lập, Ủy ban Giám sát lệnh ngừng bắn chung cấp liên bang (JCMC) cũng đã được hình thành nhằm thực thi Thỏa thuận Ngừng bắn Quốc gia (NCA) đã được Chính phủ và 8 nhóm vũ trang sắc tộc ký kết hôm 15-10 vừa qua.
Theo NCA, hai bên nhất trí các bước sau khi ký thỏa thuận cũng như hoàn thành tiến trình hòa bình trong đó có việc hoàn thiện việc ký kết thỏa thuận ngừng bắn giữa Chính phủ với 7 nhóm sắc tộc vũ trang còn lại. Sau khi NCA được ký chính thức, hai bên sẽ đưa ra một đối thoại khung chính trị trong vòng 60 ngày và tiến hành đối thoại chính trị trong 90 ngày./.
Theo vov.vn