NASA công bố bằng chứng có nước trên Sao Hỏa

08:09, 30/09/2015

Ngày 28-9, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo đã tìm thấy bằng chứng đầu tiên cho thấy có nước chảy trên bề mặt Sao Hỏa.

Các nhà khoa học NASA đã phân tích dữ liệu từ tàu thăm dò và xác nhận có bằng chứng cho thấy nước đã chảy trên bề mặt hành tinh này trong những tháng mùa hè. Dù chưa xác định được nguồn nước và đặc tính của nước trên Sao Hỏa, song phát hiện này sẽ làm thay đổi suy nghĩ của giới khoa học về việc hành tinh giống với Trái Đất nhất trong hệ mặt trời này có thể đang tồn tại sự sống của vi sinh vật. Điều này cũng làm tăng khả năng về sự sống trên Sao Hỏa.

Ảnh phân tích quang phổ chứng minh sự tồn tại của nước trên Sao Hỏa. (Ảnh: NASA)
Ảnh phân tích quang phổ chứng minh sự tồn tại của nước trên Sao Hỏa.
(Ảnh: NASA)

Vệ tinh thăm dò Sao Hỏa của NASA được lắp đặt một thiết bị có khả năng phân tích thành phần hóa học của bề mặt hành tinh. Từ những dữ liệu của vệ tinh này, các nhà khoa học phát hiện những vệt màu sẫm xuất hiện do sự di chuyển của nước và những mỏ muối tồn tại phía trên các vệt sẫm.

Các nhà khoa học dự đoán nước trên Sao Hỏa là băng trong lòng đất hoặc tầng muối ngậm nước. Ngoài ra, hơi nước trong bầu khí quyển khô cằn của Sao Hỏa cũng có thể ngưng tụ thành nước.

Nhóm đảo chính Buốc-ki-na Pha-sô không chịu hạ vũ khí

Một nhóm cảnh vệ tiến hành đảo chính ở Buốc-ki-na Pha-sô từ chối hạ vũ khí sau khi đảo chính thất bại và được lệnh phải giải tán và hạ vũ khí.

Tham mưu trưởng lục quân nước này đã lên án các cảnh vệ Tổng thống đã hăm dọa những người thực thi nhiệm vụ tước khí giới đối với họ.

Tổng thống lâm thời Mi-chen Ca-phan-đô đã chính thức được đưa trở lại vị trí lãnh đạo vào tuần trước sau khi quân đội nước này cùng một số lãnh đạo Tây Phi ra tay can thiệp.

Đơn vị cảnh vệ Tổng thống Burkina Faso được coi là lực lượng được huấn luyện tốt nhất ở quốc gia này. Ảnh: AFP.
Đơn vị cảnh vệ Tổng thống Burkina Faso được coi là lực lượng được huấn luyện tốt nhất ở quốc gia này. Ảnh: AFP.

Vào cuối tuần trước, chính quyền của Tổng thống này đã ra lệnh giải tán đơn vị cảnh vệ Tổng thống.

Đơn vị cảnh vệ này bao gồm 1.200 tay súng được huấn luyện kỹ càng trung thành với ông Ble-dơ Côm-pa-ô-rê, người cầm quyền lâu dài ở quốc gia này và bị lật đổ trong một cuộc nổi dậy vào năm 2014.

Vào ngày 16-9 vừa rồi, các thành viên đơn vị cảnh vệ đã xông vào phòng nội các bắt giữ tổng thống lâm thời, thủ tướng và những người khác.

Lãnh đạo nhóm đảo chính, tướng Gi-bét Điêng-đê-rê, cho biết ông ta cướp chính quyền do có kế hoạch giải tán đơn vị cảnh vệ và loại bỏ các đồng minh của ông Côm-pa-ô-rê khỏi cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Ít nhất 10 người đã thiệt mạng và hơn 100 người bị thương trong các cuộc đụng độ tiếm quyền.

Một tuần sau đó, khi biết rằng mình không giành được sự ủng hộ của người dân và đối mặt với đe dọa từ phía quân đội chính quy, nhóm cảnh vệ đảo chính đã rút lui.

Chủ tịch Ra-un Cát-xtơ-rô kêu gọi Mỹ chấm dứt cấm vận thương mại với Cu-ba

Phát biểu trước Đại Hội đồng LHQ hôm 28-9, Chủ tịch Ra-un Cát-xtơ-rô nhấn mạnh cần chấm dứt lệnh cấm vận với Cu-ba.

Chủ tịch Cu-ba Ra-un Cát-xtơ-rô nhấn mạnh rằng việc Cu-ba bình thường hóa quan hệ với Mỹ sẽ chỉ thực hiện được nếu Mỹ chấm dứt cấm vận thương mại với Cu-ba, trao trả căn cứ quân sự Goan-ta-na-mô và chấm dứt tuyên truyền chống Cu-ba.

Đây là bài phát biểu đầu tiên của Chủ tịch Cu-ba tại LHQ và nhận được hưởng ứng mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo thế giới. Trong bài phát biểu này, Chủ tịch Ra-un Cát-xtơ-rô cũng kêu gọi Liên minh châu Âu hành động nhiều hơn nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư, mà theo ông nó sẽ kéo theo hệ quả là một khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.

Chủ tịch Cu-ba nói: “Trong những tuần qua, chúng tôi đã chứng kiến làn sóng người di cư ồ ạt đổ về châu Âu, vốn là hậu quả trực tiếp của các hành động gây mất ổn định mà NATO tiến hành tại các nước Trung Đông và Bắc Phi. Đây cũng là hậu quả của sự kém phát triển và nghèo đói tại khắp các nước châu Phi. Liên minh châu Âu phải có trách nhiệm hoàn toàn và ngay lập tức để đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo phát sinh sau khủng hoảng nhập cư”.

Bên lề kỳ họp Đại Hội đồng LHQ, Chủ tịch Cu-ba cũng gặp gỡ với Tổng thống 3 nước Mỹ, Nga và Pháp./.

Theo vov.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com