Đại diện chính quyền Xi-ri cho rằng, Nga và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận về việc chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay tại Xi-ri.
Việc Nga gia tăng sự hiện diện quân sự tại Xi-ri trong những tuần gần đây đã khiến cục diện cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm qua tại Xi-ri dường như đang có những bước thay đổi cơ bản.
Theo các nhà quan sát, việc Nga đưa các thiết bị quân sự hiện đại tới Xi-ri không chỉ giúp chính quyền của Tổng thống Ba-sa An Át-xát có lợi thế trong cuộc chiến chống khủng bố mà nó còn khiến phương Tây dường như đang thay đổi cách nhìn nhận về cuộc khủng hoảng đang tàn phá quốc gia Trung Đông này.
Vũ khí Nga đang phát huy sức mạnh tại Xi-ri?
Trong những tuần vừa qua, Nga đã cung cấp các loại vũ khí mới, bao gồm cả máy bay chiến đấu cho chính quyền Xi-ri, giúp quân đội của ông An Át-xát tăng cường các cuộc không kích nhằm vào các phần tử thánh chiến. Việc cung cấp các trang thiết bị quân sự này là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ ngày càng tăng của Mát-xcơ-va đối với đồng minh lâu năm của mình ở Trung Đông và nó có vẻ đang phát huy tác dụng vào thời điểm hiện nay.
AFP ngày 22-9 dẫn lời một quan chức quân sự cao cấp của Xi-ri cho biết, Đa-mát đã nhận được một lô vũ khí mới từ Nga, trong đó gồm ít nhất là 5 máy bay chiến đấu.
Trong khi đó, một nhóm quan sát về Xi-ri cho biết, đã có sự gia tăng đáng kể các cuộc tấn công của quân đội Xi-ri nhằm vào các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) kể từ khi Xi-ri nhận được các loại vũ khí mới từ Nga.
Việc chuyển giao các thiết bị quân sự mới cho Xi-ri diễn ra đồng thời với việc Nga gia tăng sự hiện diện quân sự của mình tại Xi-ri. Theo các quan chức Mỹ, Mát-xcơ-va đã triển khai 28 máy bay chiến đấu mới tới căn cứ quân sự tại La-ta-ki-a và bắt đầu thực hiện các chuyến bay trinh sát bằng máy bay không người lái tại Xi-ri.
Một quan chức quân sự Xi-ri giấu tên cho biết, chính quyền của Tổng thống An Át-xát cũng đã nhận được các "thiết bị quân sự tinh vi để chống IS", bao gồm cả thiết bị nhắm mục tiêu và tên lửa dẫn đường chính xác.
Các loại vũ khí mới này được triển khai để chống lại IS đang chiếm giữ các thành phố Đây Ê-dô và Ra-ca. "Vũ khí Nga đang bắt đầu có hiệu lực ở Xi-ri", quan chức này nói.
Một nguồn tin quân sự ở La-ta-ki-a cũng khẳng định với
AFP rằng, quân đội Xi-ri đã nhận được máy bay do thám và các thiết bị quân sự khác "cho phép lực lượng không quân và lục quân Xi-ri có thể xác định chính xác mục tiêu".
Đài quan sát Nhân quyền Xi-ri - một tổ chức có trụ sở tại Anh - cho biết, các loại vũ khí mới của Nga đã được đưa vào hoạt động và phát huy hiệu quả tại Xi-ri. Ít nhất 38 tay súng của IS đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của quân đội Xi-ri nhằm vào các thành phố do IS kiểm soát ở miền Trung Xi-ri hôm 21-9 vừa qua.
"Số vụ không kích của quân đội Xi-ri đang tăng lên và các cuộc không kích này chính xác hơn sau khi lực lượng không quân Xi-ri nhận được vũ khí và máy bay mới từ Mát-xcơ-va", Giám đốc Đài quan sát Nhân quyền Xi-ri, Ra-mi Áp-đen Ra-man nói với
AFP.
Theo ông Ra-man, các cuộc không kích hôm 21-9 nhằm vào các phần tử khủng bố IS tại Thành phố Pan-mi-ra - nơi IS đã phá hủy một loạt các di tích cổ - và hai thị trấn khác ở tỉnh Hôm.
Cho đến nay, chưa rõ ý định của Nga trong việc triển khai một loạt các vũ khí mới và các chuyên gia quân sự tới căn cứ không quân tại La-ta-ki-a. Ngày 21-9, các quan chức Mỹ cho biết, Mát-xcơ-va đã triển khai 28 máy bay chiến đấu trong đó có 12 máy bay SU-24, 12 máy bay SU-25 và 4 máy bay tiêm kích SU-27 Flanker tại La-ta-ki-a.
Ngoài ra, quan chức Mỹ cũng cho biết, Nga đã triển khai các máy bay chiến đấu và vận tải tại căn cứ không quân trên. Mát-xcơ-va cũng đã thực hiện các chuyến bay trinh sát bằng máy bay không người lái.
Các chuyên gia cho rằng, việc Nga đưa hàng chục chiến đấu cơ đến La-ta-ki-a không chỉ đơn thuần là để bảo vệ căn cứ này. Ông Giép-phơ-ri Oai-tơ, chuyên gia của Viện Chính sách Cận Đông Oa-sinh-tơn cho rằng, động thái triển khai chiến đấu cơ Nga đến Xi-ri không chỉ là để bảo vệ sân bay, thậm chí là chỉ để bảo vệ tỉnh La-ta-ki-a.
"Các loại máy bay được triển khai tại Xi-ri cho thấy Nga có ý định tăng cường khả năng chiến đấu trong vai trò tấn công ở bên ngoài tỉnh La-ta-ki-a", ông Giép-phơ-ri Oai-tơ nói.
Theo các nhà phân tích, cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm qua, tàn phá đất nước Xi-ri có vẻ đã có những thay đổi theo chiều hướng mới trong những ngày gần đây khi Mát-xcơ-va bất ngờ tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại Xi-ri, khiến Oa-sinh-tơn quan ngại sâu sắc.
 |
Việc Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ gặp nhau vào tuần này đang được hy vọng sẽ tạo bước đột phá giải quyết cuộc khủng hoảng Xi-ri. Ảnh: Internet |
Mỹ và Nga liệu có “bắt tay” để kết thúc cuộc nội chiến Xi-ri?
AFP dẫn lời cố vấn cấp cao của Tổng thống Xi-ri Ba-sa An Át-xát cho biết, Nga và Mỹ đã đạt được một "thỏa thuận ngầm" về việc chấm dứt cuộc khủng hoảng đẫm máu hiện nay tại Xi-ri.
"Chính quyền Mỹ hiện nay muốn tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Xi-ri. Có một thỏa thuận ngầm giữa Mỹ và Nga để đạt được giải pháp này", bà Bu-thai-ni Sa-ban nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình Xi-ri hôm 23-9.
"Xu hướng quốc tế hiện nay đang hướng tới hòa dịu và tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Xi-ri", bà Sa-ban cho biết.
Bà Sa-ban cũng nói rằng, đang có sự thay đổi về “quan điểm của phương Tây" đối với cuộc chiến ở Xi-ri kéo dài hơn 4 năm qua khiến hơn 240 nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải rời bỏ quê hương.
Nga - nước luôn giữ lập trường ủng hộ chính quyền hiện nay tại Xi-ri - cho biết sẽ không chấp nhận sự ra đi của Tổng thống An Át-xát như là một điều kiện tiên quyết cho việc khởi động bất kỳ tiến trình đàm phán hòa bình nào cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.
Trong khi đó, Mỹ đã kêu gọi lật đổ ông An Át-xát trong suốt hơn 4 năm qua. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri tuần trước đã nói rằng, ông Át-xát phải ra đi nhưng không phải trong “ngày một ngày hai”.
Hôm 23-9, Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng đã kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình mới về Xi-ri "để tất cả các nước, những người muốn thấy hòa bình được khôi phục ở Xi-ri có thể đóng góp".
Tuy nhiên trong khi ông Ô-lăng cho rằng có thể sẽ không có quá trình chuyển tiếp chính trị tại Xi-ri nếu ông An Át-xát không ra đi, Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken lại cho biết rằng, nhà lãnh đạo Xi-ri nên tham gia vào các cuộc đàm phán.
"Chúng ta phải nói chuyện với nhiều bên, bao gồm cả ông Át-xát và những người khác nữa", bà Méc-ken cho biết tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh EU về khủng hoảng người tị nạn xuất phát từ cuộc nội chiến tại Xi-ri.
Trong một động thái mới nhất khiến nhiều người hy vọng sẽ có bước đột phá trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Xi-ri, đại diện của Nga và Mỹ đều lên tiếng xác nhận Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma và Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-chin sẽ gặp bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ tại Niu-oóc vào tuần này.
Theo PressTV, cuộc gặp này diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa Mát-xcơ-va và Oa-sinh-tơn được cho là đang ở mức thấp nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh bởi những bất đồng về cuộc khủng hoảng U-crai-na và tình hình nội chiến ở Xi-ri.
Về nội dung cuộc gặp này, phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết, tình hình U-crai-na sẽ đứng đầu chương trình nghị sự của cuộc gặp giữa Ô-ba-ma và Pu-chin. Tuy nhiên, người phát của Tổng thống Nga lại cho biết, ông Pu-chin sẽ tập trung vào vấn đề Xi-ri.
"Đương nhiên, chủ đề chính sẽ là Xi-ri", phát ngôn viên của Tổng thống Nga Đmi-tri Pê-xcốp cho biết hôm 24-9. Khi được hỏi liệu tình hình U-crai-na có được thảo luận tại cuộc gặp này hay không, ông Pê-xcốp nói rằng: "Có, nếu thời gian cho phép"./.
Theo VOV