Ngày 11-5, Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng có chuyến thăm Cu-ba nhằm tăng cường quan hệ song phương.
Trong bối cảnh các cường quốc trên thế giới đều đang chạy đua nhằm tranh giành ảnh hưởng, cũng như miếng bánh thị phần tại Cu-ba sau khi Mỹ - Cu-ba bình thường hóa quan hệ, chuyến thăm của Tổng thống Pháp không có gì là bất ngờ. Tuy nhiên, tham vọng của Pháp với đối tác Cu-ba cụ thể như thế nào và cơ hội của Pháp ra sao trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của mình?
Trước hết, đây là một chuyến thăm lịch sử bởi lẽ ông Ô-lăng sẽ là Tổng thống Pháp đương nhiệm đầu tiên đến thăm Cu-ba. Ông Ô-lăng cũng là nhà lãnh đạo phương Tây cấp cao đầu tiên đặt chân đến Cu-ba kể từ sau khi Mỹ và Cu-ba thông báo tiến trình bình thường hóa quan hệ cách đây vài tháng.
Vì vậy, chưa bàn đến các lợi ích kinh tế, đây trước hết là một chuyến thăm với ý nghĩa chính trị và ngoại giao lớn với cả Pháp và Cu-ba.
“Hoàn tất một câu chuyện lịch sử”?
Trong lịch sử, Cu-ba chiếm một vị trí khá đặc biệt trong các đảng cánh tả của Pháp. Cu-ba từng là đề tài tranh luận và là đất nước thu hút khá nhiều sự quan tâm của các đảng cánh tả Pháp, trong đó có đảng Xã hội cầm quyền của ông Ô-lăng.
Do đó, nói như một nhà ngoại giao Pháp thì chuyến thăm này giống như một việc “hoàn tất một câu chuyện lịch sử”.
Trong số các nước phương Tây, Pháp là nước luôn phản đối lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt lên Cu-ba. Kể từ năm 1991, Pháp luôn bỏ phiếu tại LHQ chống lại lệnh cấm vận này.
Vì thế, các doanh nghiệp Pháp từ nhiều năm qua cũng đã nghiên cứu thị trường Cu-ba để chuẩn bị cho cơ hội đầu tư vào đảo quốc này khi quan hệ Mỹ - Cu-ba thay đổi. Chuyến thăm của ông Ô-lăng là để thúc đẩy việc này.
Một loạt các doanh nghiệp lớn của Pháp đang xúc tiến đầu tư vào Cu-ba như hãng hàng không Air France hay tập đoàn khách sạn Accor…
![]() |
Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng. Ảnh: AFP |
Phá vỡ tảng băng quan hệ Cu-ba - phương Tây
Cu-ba cũng rất trông đợi vào chuyến thăm này của ông Ô-lăng. Trước hết, chuyến thăm này đánh dấu sự phá vỡ đầu tiên của tảng băng trong quan hệ giữa Cu-ba với phương Tây.
Trong các nước phương Tây, Cu-ba có quan hệ tốt với Pháp. Lãnh tụ Cu-ba Phi-đen Cát-xtơ-rô từng sang thăm Pháp năm 1995.
Về mặt chính trị, ngoại giao, việc ông Ô-lăng đến thăm Cu-ba sẽ nâng cao vị thế cho đảo quốc này. Về mặt kinh tế, một trong những chủ đề rất được Cu-ba quan tâm và sẽ bàn thảo với Pháp là việc xem xét lại các khoản nợ của Cu-ba. Hiện Cu-ba nợ CLB Pa-ri khoảng 15 tỷ USD, trong đó nợ Pháp 5 tỷ USD.
Chuyến thăm của ông Ô-lăng là cơ hội để hai bên đàm phán về khoản nợ này, có thể là xóa nợ một phần hoặc giãn nợ.
Tiếp theo, Cu-ba có thể trông đợi vào một số hợp đồng kinh tế với các tập đoàn Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, y tế hay nông nghiệp, những lĩnh vực mà Pháp và Cu-ba có nhiều điểm mạnh tương đồng.
Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Pháp sang Cu-ba mới đạt 157 triệu ơ-rô, tức là tiềm năng hợp tác của cả hai bên vẫn còn rất lớn.
Pháp muốn đi đầu về ngoại giao trong EU
Từ xưa đến nay, Pháp luôn có xu hướng thực hành một chính sách đối ngoại độc lập và luôn muốn duy trì vị thế của mình như một cường quốc trong quan hệ quốc tế.
Pháp là nước có các phái đoàn ngoại giao lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ và ở khắp các nơi, Pháp đều muốn để lại dấu ấn của mình.
Đặc biệt, trong Liên minh châu Âu (EU), Pháp luôn coi mình là lãnh đạo về đối ngoại và quốc phòng, bất chấp vị thế đang lên của Đức. Vì thế, trong vấn đề Cu-ba, Pháp cũng luôn đi tiên phong, như chuyến thăm của Ngoại trưởng Lô-răng Pha-bi-ơ.
Chuyến đi này của ông Ô-lăng cũng có ý nghĩa tương tự vì nó cụ thể hóa tuyên bố của EU về việc khởi động tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cu-ba được đưa ra vào năm ngoái.
Ngoài ra, việc ông Ô-lăng đến Cu-ba còn là một bước đi gửi thông điệp đến nhiều bên. Với Mỹ, Pháp phát đi một thông điệp hợp tác, với các nước khác như Trung Quốc, Bra-xin… những cường quốc mới nổi đang rất nóng lòng đầu tư vào Cu-ba, Pháp cho thấy họ sẽ không chịu rơi vào cảnh chậm chân.
Hiện, Pháp đang ưu tiên đi tiên phong đầu tư vào Cu-ba trong lĩnh vực khách sạn, du lịch hay cơ sở hạ tầng để nhanh chóng tận dụng lợi thế du lịch to lớn của Cu-ba.
Tham vọng lớn nhưng cạnh tranh cũng khốc liệt
Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, thương trường là nơi cạnh tranh gay gắt và không gì là dễ dàng.
Với Pháp, dù là một trong những nước phương Tây tiếp cận và thân thiện nhất với Cu-ba, Pháp vẫn phải chịu sự ganh đua quyết liệt từ các đối tác kinh tế khác của Cu-ba. Ví dụ, Bra-xin vừa ký với Cu-ba thỏa thuận thành lập một Cty liên doanh để vận hành cảng Mariel, đầu mối phân phối các container hàng nhập khẩu từ các nơi đổ về Cu-ba…
Những hiệp định như thế là điều mà các Cty Pháp đang nóng lòng muốn có. Pháp đang rất chú trọng đến đầu tư vào hạ tầng du lịch và nông nghiệp ở Cu-ba, những thế mạnh mà Pháp có lợi thế cạnh tranh lớn trên thương trường quốc tế.
Lợi thế của Pháp so với các nước phương Tây khác chính là quan hệ ngoại giao khá thân thiện với Cu-ba trong nhiều năm qua./.
Theo: VOV