Chủ tịch Uỷ ban chống khủng bố của HĐBA LHQ Giăng Pôn La-boóc-đơ ngày 23-5 đã kêu gọi các nước phải tăng cường đối phó với khủng bố kỹ thuật số.
Trong tuyên bố tại Diễn đàn kinh tế thế giới đang diễn ra ở Gioóc-đa-ni, ông La-boóc-đơ cho biết, thời gian qua số lượng các nhóm khủng bố sử dụng công nghệ kỹ thuật số để thiết đặt kế hoạch cũng như thúc đẩy âm mưu tấn công đã gia tăng nhanh chóng. Thực tế này đặt ra thách thức mới mà các nước phải chung tay giải quyết.
![]() |
Chủ tịch Uỷ ban chống khủng bố của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc Jean Paul Laborde (Ảnh: Eurosniky.com) |
Hiện nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong nhiều tháng qua đang tích cực sử dụng các mạng xã hội như Twitter hay Facebook để chiêu mộ lực lượng, phát tán các khẩu hiệu cực đoan và bạo lực bằng cách tận dụng các công nghệ tiên tiến nhất. Chỉ trong một ngày, IS có thể đăng tải tới 40 nghìn tin nhắn kích động trên mạng Twitter và thực tế cũng chứng minh chúng đã thành công trong việc chiêu mộ các tay súng mới từ gần 100 quốc gia trên khắp thế giới đổ về khu vực Trung Đông.
Giới chuyên gia từ khu vực A-rập và châu Âu cũng xác nhận, cuộc chiến chống khủng bố kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong việc đánh sập các nhóm khủng bố hiện nay cũng như khuyến cáo toàn cầu phải hợp tác đối phó với nguy cơ này.
My-an-ma sẽ hợp tác tích cực với Băng-la-đét giải quyết vấn đề di cư
Chính phủ My-an-ma ngày 24-5 cam kết sẽ tiếp tục tích cực hợp tác với Băng-la-đét và các quốc gia trong khu vực để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư trên biển ở Đông Nam Á.
Tuyên bố ngày 24-5 của Bộ Ngoại giao My-an-ma nêu rõ, My-an-ma mong muốn được làm việc với Băng-la-đét, quốc gia láng giềng thân thiện để sớm giải quyết làn sóng người di cư trái phép ồ ạt vượt biển sang Ma-lai-xi-a, Thái Lan và In-đô-nê-xi-a thời gian qua.
Tuy nhiên, cũng như các nước bị ảnh hưởng khác, My-an-ma đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc tiếp nhận và tạm thời che chở cho những người di cư vì lý do nhân đạo. Cách đây 2 ngày, hải quân My-an-ma đã phát hiện hai tàu đánh cá ở ngoài khơi Thị trấn Mu-un-ta phía Tây bang Ra-khin chở theo 208 người Băng-la-đét đang trôi dạt trên biển. Nhà chức trách My-an-ma đã đưa họ đến trại tị nạn ở A-nu-mô và chu cấp nơi trú ẩn, thực phẩm, y tế và các hỗ trợ nhân đạo khác. Cùng với đó, cơ quan nhập cư My-an-ma đã cho hồi hương 11 người Băng-la-đét được cứu cách đây 3 ngày.
Pháp lo sợ trước khả năng xảy ra thảm kịch Hy Lạp rời khỏi ơ-rô-dôn
Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (ơ-rô-dôn) sẽ tạo ra một “thảm họa”. Đây là nhận định của Bộ trưởng Tài chính Pháp Mi-sen Sa-panh cho rằng, sự ra đi của Hy Lạp sẽ khiến khu vực đồng ơ-rô đối mặt với thách thức về tín nhiệm.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với người đồng cấp Bồ Đào Nha, Bộ trưởng Tài chính Pháp Mi-sen Sa-panh khẳng định rằng: “Chúng tôi cần Hy Lạp ở lại khu vực đồng tiền chung châu Âu” và nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm được một giải pháp đáng tin cậy và lâu dài cho vấn đề Hy Lạp.
Nền kinh tế Hy Lạp đã rơi trở lại mức suy giảm và có nguy cơ không tránh khỏi suy thoái, trong khi các cuộc đàm phán kéo dài 4 tháng qua với các chủ nợ quốc tế vẫn bế tắc. Hy Lạp đang đối mặt với thời hạn trả nợ vào tháng 6 và tháng 8 tới với khoản tiền tổng cộng hơn 7,5 tỷ ơ-rô. Bối cảnh này khiến Liên minh châu Âu phải hạ dự báo tăng trưởng của Hy Lạp trong năm 2015 xuống còn 0,5% từ dự báo tăng 2,5% hồi tháng 2./.
Theo vov.vn