Mỹ, Nhật, Ốt-xtrây-li-a tập trận chung trong lúc căng thẳng ở Biển Đông

08:05, 27/05/2015

Lần đầu tiên Nhật Bản sẽ tham gia vào cuộc tập trận quân sự lớn nhất của Mỹ và Ốt-xtrây-li-a vào đầu tháng 7.

Theo Roi-tơ, việc Nhật cũng tham gia vào tập trận chung cho thấy sự liên kết về an ninh ngày càng chặt chẽ giữa 3 nước trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng trên khu vực Biển Đông.

Cuộc tập trận chung giữa Mỹ - Ốt-xtrây-li-a mang tên Talisman Sabre được tổ chức 2 năm/1 lần, tại các địa điểm trên khắp Ốt-xtrây-li-a. Các nội dung hoạt động bao gồm hoạt động trên biển, diễn tập đổ bộ, chiến thuật lực lượng đặc biệt và chiến tranh đô thị.

Tập trận chung nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh

Được biết, sẽ chỉ có 40 binh sĩ Nhật tham gia tập trận chung cùng với 30 nghìn binh sĩ của Mỹ và Ốt-xtrây-li-a. Các chuyên gia cho rằng, dẫu cho Nhật Bản tham gia với số lượng binh sĩ ít ỏi, nhưng động thái này cho thấy Oa-sinh-tơn muốn thúc đẩy hợp tác giữa các đồng minh tại châu Á - Thái Bình Dương.
Ơ-an Gra-ham, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Viện Lowy ở Xít-ni cho biết: “Tôi cho rằng, Mỹ đang tìm cách thuyết phục các đồng minh phải hành động nhiều hơn”.

"Có một sự cân xứng rõ ràng giữa Nhật Bản với tư cách là mỏ neo phía trên của Tây Thái Bình Dương và Ốt-xtrây-li-a với tư cách là mỏ neo ở phía nam", ông Ơ-an Gra-ham nhận định.

Thời gian gần đây, cả 3 nước Mỹ, Nhật, Ốt-xtrây-li-a đều bày tỏ lo ngại trước những động thái của Trung Quốc bồi đắp phi pháp bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa (thuộc Việt Nam) trên Biển Đông - nơi vốn là hành lang vận chuyển quan trọng.  Cả 3 nước cho biết, họ lo ngại về quyền tự do hàng hải của mình khi di chuyển qua khu vực.

Một số chuyên gia an ninh nhận định, Trung Quốc có thể sẽ tìm cách áp đặt những giới hạn trên không và trên biển ở khu vực quần đảo Trường Sa sau khi Bắc Kinh hoàn thành việc xây dựng các cơ sở trái phép, bao gồm ít nhất một đường băng quân sự.

Trung Quốc vẫn đang tiếp tục ngang nhiên tuyên bố, nước này “có mọi quyền” để thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông giống như ở Biển Hoa Đông trước đây mặc dù hiện tại chưa đủ điều kiện để làm việc đó.

Một máy bay F/A-18E Super Hornet của Mỹ đỗ trên tàu sân bay USS George Washington trong cuộc tập trận chung với Nhật Bản tháng 11 năm ngoái.Ảnh: US Navy
Một máy bay F/A-18E Super Hornet của Mỹ đỗ trên tàu sân bay USS George Washington trong cuộc tập trận chung với Nhật Bản tháng 11 năm ngoái.Ảnh: US Navy

Trong một diễn biến liên quan, trang web của Lực lượng Quốc phòng Ốt-xtrây-li-a đưa tin, binh sĩ Nhật Bản sẽ tham gia cuộc tập trận vào đầu tháng 7 tới với Mỹ và Ốt-xtrây-li-a sẽ mang danh nghĩa quân đội Mỹ trong khi 500 binh lính Niu Di-lân sẽ tham gia vào đội quân của Ốt-xtrây-li-a.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Na-ca-ta-ni nói với Roi-tơ rằng, Nhật Bản muốn tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ và Ốt-xtrây-li-a chứ không phải tập trận là để nhằm vào Trung Quốc.

Một sự hợp tác ba bên chưa từng có

Hợp tác an ninh giữa Can-bơ-rơ và Tô-ky-ô đã phát triển mạnh mẽ dưới thời Thủ tướng Tô-ni A-bốt và Sin-dô A-bê. Nhật Bản được xem là ứng cử viên hàng đầu trong việc có được hợp đồng cung cấp tàu ngầm thế hệ mới cho Hải quân Ốt-xtrây-li-a.

Mỹ đã công khai ủng hộ sự hợp tác ngày một chặt chẽ này giữa Nhật và Ốt-xtrây-li-a. Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Đa-vít Sia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác giữa các đồng minh trong một phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ trong tháng 5-2015.

"Để mở rộng tầm với tới các liên minh, chúng tôi đang bắt tay vào khởi động vào một sự hợp tác ba bên chưa từng có”, ông Đa-vít Sia nói.

"Trong một số trường hợp, sự hợp tác này mang lại lợi ích trực tiếp về mặt an ninh hàng hải. Ví dụ như chúng tôi đang hợp tác 3 bên với Nhật Bản và Ốt-xtrây-li-a để củng cố, tăng cường an ninh hàng hải ở Đông Nam Á, đồng thời khai thác sự hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng giữa các nước”, ông Đa-vít Sia cho biết thêm.

Roi-tơ nhận xét, nếu Nhật Bản giành được hợp đồng cung cấp tàu ngầm thế hệ mới cho Hải quân Ốt-xtrây-li-a thì đây sẽ là một cú thúc đẩy lớn đối với ngành Công nghiệp Quốc phòng Nhật Bản, đồng thời mở đường cho việc bán vũ khí tiên tiến của Nhật Bản sang các nước như là Phi-líp-pin hay Việt Nam.

Tờ báo Sydney Morning Herald cho hay, Ốt-xtrây-li-a cũng hy vọng có thể ký được một thỏa thuận với Nhật Bản trong năm nay trong đó cho phép đưa binh lính của mỗi bên vào nước kia để tham gia tập trận./.

Theo: VOV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com