Ứng cử viên Tổng thống Mỹ 2016 đã từng kinh qua nhiều cương vị chủ chốt như Thượng Nghị sĩ và Ngoại trưởng.
Theo BBC, không chỉ dừng lại ở đó, bà Clin-tơn lại đang bận rộn chuẩn bị cho lần thứ 2 chạy đua vào chiếc ghế quyền lực nhất nước Mỹ.
Khó bị đánh bại
Bà Clin-tơn, 67 tuổi, đã từng là Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma, sau khi ông nhậm chức vào tháng 1-2009 và từ chức năm 2013, không lâu sau khi ông Ô-ba-ma tái đắc cử.
Là một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, bà Clin-tơn thường xuyên phải công du khắp nơi trên thế giới và nổi tiếng là người có cách tiếp cận trực tiếp với các đối tác của mình.
Với việc chính thức tuyên bố tham gia ứng cử vào rạng sáng 13-4 (giờ Việt Nam), bà Clin-tơn hiện được coi là ứng viên tiềm năng cho chức vụ Tổng thống vào năm 2016 bởi bà là một chính trị gia hàng đầu của Đảng Dân chủ và là nhân vật nổi tiếng trên toàn thế giới.
Trước đó, bà từng thất bại trong cuộc đua tranh vào vị trí ứng viên của Đảng Dân chủ tham gia vào cuộc tranh cử năm 2008 trước Tổng thống Mỹ đương nhiệm Ba-rắc Ô-ba-ma.
Dù vậy, bà Clin-tơn hiện đang phải “bận rộn” giải quyết vụ bê bối sử dụng email cá nhân để giải quyết việc công thay vì email do Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp.
Trở thành Đệ nhất Phu nhân
Bà Hi-la-ri Đi-an-na Rốt-đam sinh tháng 10-1947 tại Chi-ca-gô và học Đại học Oen-lét-li tại Mát-sa-chu-sét vào những năm 60 của thế kỷ trước. Trong những năm học đại học, bà đã tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị.
Sau đó, bà tiếp tục theo học tại khoa Luật, Đại học I-an và gặp ông Bin Clin-tơn. Hai người kết hôn vào năm 1975 và bà Clin-tơn vẫn tích cực tham gia vào chính trường dù ông Clin-tơn sau đó đã là Thống đốc bang A-kan-sát vào năm 1978.
Khi ông Clin-tơn tham gia tranh cử Tổng thống vào năm 1992, ông tuyên bố với những người ủng hộ họ rằng, họ đang bỏ phiếu cho 2 tổng thống mà “chỉ mất một phiếu bầu”.
Trên cương vị Đệ nhất Phu nhân, bà Clin-tơn đã tích cực tham gia vào các chiến dịch ủng hộ nữ quyền và chăm sóc y tế cho người dân trên toàn thế giới. Những hoạt động này đã đem lại danh tiếng cho bà Clin-tơn tại Mỹ và trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, sau khi bà Clin-tơn thất bại trong việc thúc đẩy kế hoạch chăm sóc y tế toàn cầu trở thành hiện thực, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích bà Clin-tơn là quá tham vọng trong khi lại quá “ngây thơ” về mặt chính trị.
Trong suốt nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Bin Clin-tơn (vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước), bà Clin-tơn đã vướng phải rất nhiều bê bối làm tổn hại đến hình ảnh của ông Bin Clin-tơn.
Trong đó đáng chú ý nhất là việc ông bà Clin-tơn đã phải ra đệ trình trước Quốc hội Mỹ và bị điều tra vì vụ Oai-tơ oát-tơ, một dự án bất động sản không thành công mà cả hai người đều tham gia đầu tư. Tuy nhiên, cả hai sau đó đều được cho là không làm gì sai trái.
Không chỉ có vậy, bà Clin-tơn cũng đã phải chịu áp lực của truyền thông liên quan đến vụ bê bối tình ái của ông Clin-tơn với Mô-ni-ca Lê-uyn-xki, một thực tập sinh tại Nhà Trắng, vỡ lở vào năm 1998.
Trong những khó khăn như vậy, bà Clin-tơn đã trui rèn cho mình khả năng bình thản đối mặt với mọi điều tiếng trong cả việc công lẫn việc tư.
Ngay trong khi chồng bà đang hứng chịu một loạt các chỉ trích liên quan đến vụ bê bối tình ái với bà Lê-uyn-xki, bà Clin-tơn đã lên tiếng cho rằng, vụ bê bối này là “một âm mưu của phe cánh hữu”.
![]() |
Bà Hi-la-ri Clin-tơn. Ảnh: Internet |
Thất bại khi tranh cử Tổng thống năm 2008
Vào năm 2000, khi ông Clin-tơn chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 của mình, bà Clin-tơn đã giành thắng lợi trong cuộc chạy đua trở thành Thượng Nghị sĩ bang Niu-oóc và trở thành tâm điểm chú ý của Đảng Dân chủ.
Với việc ban đầu ủng hộ cuộc chiến tại I-rắc năm 2003 nhưng sau đó dần “tránh xa” khỏi những cuộc tranh luận về cuộc chiến này cũng như lên tiếng yêu cầu rút binh sĩ Mỹ khỏi I-rắc, bà Clin-tơn không mấy khó khăn trong việc tái cử vị trí Thượng Nghị sĩ bang Niu-oóc vào năm 2006.
Vào năm 2008, bà Clin-tơn đã tham gia tranh cử trong Đảng Dân chủ để trở thành ứng cử viên của Đảng trong cuộc bầu cử Tổng thống. Tuy nhiên, nhiều người, kể cả những thành viên trong Đảng Dân chủ của bà, cho rằng, bà là một nhân vật dễ gây chia rẽ và khó giành được phiếu bầu của cử tri Mỹ.
Thất bại của bà Clin-tơn sau đó đã mở đường cho ông Ô-ba-ma trở thành ứng cử viên Đảng Dân chủ tham gia tranh cử và giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008.
Sau đó, bà được chỉ định là Ngoại trưởng Mỹ, một động thái mà nhiều người cho là để hàn gắn những vết rạn nứt trong cuộc chạy đua trước đó giữa bà và ông Ô-ba-ma.
Bà Clin-tơn là Đệ nhất Phu nhân Mỹ đầu tiên trở thành Ngoại trưởng. Trong suốt 4 năm là Ngoại trưởng Mỹ, bà đã đến hơn 112 quốc gia, nhiều hơn bất kỳ một ngoại trưởng nào trước đó.
Trên cương vị là Ngoại trưởng Mỹ, bà Clin-tơn luôn nỗ lực để thúc đẩy quyền bình đẳng cho phụ nữ và nhân quyền. Bà cũng chính là người khởi xướng việc Mỹ can thiệp quân sự vào Li-bi năm 2011.
Vụ tấn công Ben-gia-ghi và quyết định từ chức Ngoại trưởng
Sau vụ tấn công vào tòa Lãnh sự Mỹ tại Ben-gia-ghi khiến Đại sứ Mỹ tại Li-bi thiệt mạng vào tháng 9-2012, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phải hứng chịu hàng loạt những lời chỉ trích gay gắt.
Trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ và cũng là lần cuối cùng bà xuất hiện trước công chúng với tư cách là Ngoại trưởng, bà Clin-tơn khẳng định, bà chịu trách nhiệm về việc không đảm bảo được an ninh cho tòa Lãnh sự quán Mỹ tại Ben-gia-ghi nhưng nhấn mạnh, bà không hề nhận được bất kỳ yêu cầu nào về việc tăng cường an ninh tại đó.
Bà Clin-tơn cũng bác bỏ những cáo buộc của các nghị sĩ rằng chính quyền Ô-ba-ma cố tình “lừa dối” công chúng trong vụ này.
Sau khi rời khỏi Bộ Ngoại giao, bà Clin-tơn vẫn tiếp tục xuất hiện trước công chúng, dù với tần suất ít hơn rất nhiều so với khi còn tại nhiệm. Sau đó, bà đã gây được sự chú ý của công chúng sau khi cho xuất bản cuốn hồi ký thứ hai của bà mang tên Hard Choices (tạm dịch: Những lựa chọn khó khăn), trong đó mô tả thời gian bà còn là Ngoại trưởng Mỹ.
Đến tháng 9-2014, bà Clin-tơn lại xuất hiện trong một cuộc gây quỹ của Đảng Dân chủ tại Bang I-ô-oa, một trong những bang quan trọng hàng đầu trong các cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ. Truyền thông Mỹ đã coi sự xuất hiện của bà Clin-tơn tại sự kiện này là một dấu hiệu cho thấy bà mong muốn tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng./.
Theo: VOV