Cuộc gặp ngày hôm nay 10 và ngày mai 11-4 sẽ là cuộc gặp gỡ lịch sử của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cu-ba, phá vỡ lớp băng sau nhiều thập kỷ quan hệ băng giá.
Trong một bước đi phản ánh rõ chủ trương muốn đẩy nhanh tiến trình đàm phán bình thường hóa quan hệ sau 54 năm bao vây cấm vận, các quan chức Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ có cuộc gặp Chủ tịch Cu-ba Ra-un Cát-xtơ-rô tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ ở Pa-na-ma trong hai ngày 10 và 11-4.
Đây được coi sẽ là cuộc gặp gỡ lịch sử của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cu-ba, phá vỡ lớp băng sau nhiều thập kỷ quan hệ băng giá.
Những hình ảnh của Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Cu-ba tại Hội nghị Pa-na-ma sau nhiều thập kỷ của thời chiến tranh Lạnh được coi sẽ là điểm nhấn tại sự kiện quan trọng thu hút sự quan tâm của cộng đồng thế giới.
Cuộc gặp này lại càng có ý nghĩa hơn khi Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ năm nay lần đầu tiên có sự tham gia đầy đủ của 35 nguyên thủ của các nước Tây bán cầu.
Trợ lý của Tổng thống Ô-ba-ma hy vọng cuộc gặp “mở lòng” với Cu-ba sẽ tạo ra thiện chí giữa các nhà lãnh đạo Mỹ La-tinh và vùng Ca-ri-bê, những người từ lâu cho rằng việc Mỹ cô lập Cu-ba là phản tác dụng.
![]() |
Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma gặp Chủ tịch Cu-ba Ra-un Cát-xtơ-rô tại Nam Phi tháng 10-2013. Ảnh: Internet |
Hiện ngoài vấn đề mở lại Đại sứ quán, Cu-ba đang hối thúc Mỹ đưa La Ha-ba-na ra khỏi danh sách bị Oa-sinh-tơn coi là "các nước bảo trợ khủng bố". Việc chưa có đột phá trong vấn đề này đang là một yếu tố cản trở tiến trình khôi phục các mối quan hệ hai nước.
Trong một thông điệp thiện chí đưa ra trước khi sang Pa-na-ma, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma tuyên bố sẽ hành động ngay lập tức việc loại Cu-ba khỏi danh sách bảo trợ khủng bố của Oa-sinh-tơn ngay sau khi có được bản khuyến nghị từ Bộ ngoại giao Mỹ dự kiến đưa ra vào cuối tuần này.
Trong một dấu hiệu khác cho thấy mối quan hệ đang ấm lên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ma-ri Háp thông báo Ngoại trưởng Giôn Ke-ri có thể gặp Ngoại trưởng Cu-ba Bru-nô Rô-đri-ghết bên lề hội nghị.
Mặc dù đối mặt với không ít sự phản đối trong nước, song một loạt động thái và tuyên bố mới đây của chính quyền Oa-sinh-tơn cho thấy, quyết tâm chính trị của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma muốn đẩy nhanh tiến trình tái lập quan hệ với đảo quốc vùng Ca-ri-bê đầy tiềm năng.
Đối với đất nước và người dân Cu-ba, cuộc gặp giữa Chủ tịch Ra-un Cát-xtơ-rô với Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma cũng mang ý nghĩa vô cùng quan trọng để khai thông những bế tắc, trong bối cảnh nền kinh tế Cu-ba đang tập trung vào công cuộc cải cách, rất cần sự dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.
Một số đại diện tổ chức dân sự của Cu-ba sang tham dự Hội nghị thượng đỉnh Pa-na-ma bày tỏ: “Cu-ba đang bị đổ lỗi bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Điều đó là không thể, bởi chúng tôi chỉ là một quốc đảo nhỏ. Ngược lại, chúng tôi đang luôn cố gắng giúp đỡ những người khốn khổ trên toàn thế giới, đặc biệt là các bác sĩ Cu-ba. Vì vậy, Cu-ba chắc chắn phải được xóa khỏi danh sách được gọi là bảo trợ cho khủng bố của Mỹ”.
“Chúng tôi đặc biệt ủng hộ sự cải thiện mối quan hệ giữa Cu-ba và Mỹ. Đây chính là một trong những thông điệp mà chúng tôi mang tới Hội nghị này. Chúng tôi hy vọng, hai bên sẽ sớm vượt qua được những khó khăn cản trở tiến trình khôi phục mối quan hệ giữa hai nước. Chúng tôi cũng rất mong chờ vào cuộc gặp lịch sử này”, một người dân Cu-ba chia sẻ.
Liên quan đến dư luận Mỹ về chính sách với Cu-ba, theo một điều tra mới công bố của Học viện Ma-rít, khoảng 59% người Mỹ được hỏi ủng hộ việc tái thiết quan hệ giữa hai nước và 97% người tin rằng việc bình thường hóa quan hệ sẽ có lợi cho nước Mỹ.
Nhiều người cho rằng, dù giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Cu-ba có diễn ra cuộc hội đàm chính thức nào hay không tại Hội nghị thượng đỉnh ở Pa-na-ma, song chỉ cần một cái bắt tay hồn hậu, trao nhau nụ cười cũng sẽ là tượng trưng con dấu hòa giải của hai quốc gia láng giềng này./.
Theo: VOV