11 nước châu Âu đồng ý cung cấp vũ khí cho U-crai-na

07:03, 16/03/2015

RT đưa tin, trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình ngày 14-3, Tổng thống U-crai-na, P.Pô-rô-sen-cô (Petro Poroshenko) cho biết, Ki-ép đã đạt được thỏa thuận với 11 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) về việc cung cấp vũ khí, trong đó có vũ khí sát thương, nhằm “hỗ trợ khả năng phòng thủ” của nước này. Tuy nhiên, ông P.Pô-rô-sen-cô không tiết lộ cụ thể tên các nước nói trên.

Tổng thống P.Pô-rô-sen-cô bày tỏ tự tin rằng EU và Mỹ sẽ viện trợ vũ khí cho U-crai-na nếu cần thiết. “Nếu có bất kỳ sự gây hấn nào chống lại U-crai-na, tôi có thể nói chắc chắn rằng, chúng ta ngay lập tức sẽ nhận được vũ khí sát thương và hàng loạt những biện pháp trừng phạt chống lại kẻ gây hấn”, ông P.Pô-rô-sen-cô nói.

Trước đó, ngày 11-3, Ngoại trưởng Mỹ G.Ke-ri (John Kerry) xác nhận Oa-sinh-tơn sẽ gửi thêm vũ khí phi sát thương cho Ki-ép, trong đó có máy bay không người lái và xe bọc thép Humvee. Mới đây, hồi đầu tháng 3, Mỹ cũng tuyên bố có kế hoạch gửi khoảng 300 cố vấn quân sự trợ giúp U-crai-na trong khi Anh tuyên bố sẽ gửi 75 binh sĩ đến hỗ trợ huấn luyện cho quân đội U-crai-na. Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ là Pháp và Đức lại lên tiếng phản đối việc cung cấp vũ khí cho U-crai-na, cho rằng động thái này có thể làm leo thang tình hình xung đột ở miền Đông, đe dọa đến thỏa thuận ngừng bắn.

Tổng thống P. Pô-rô-sen-cô cho biết, 11 nước châu Âu đã đồng ý cung cấp vũ khí cho Ki-ép. Ảnh: Roi-tơ.
Tổng thống P. Pô-rô-sen-cô cho biết, 11 nước châu Âu đã đồng ý cung cấp vũ khí cho Ki-ép. Ảnh: Roi-tơ.

Cùng ngày, Tổng thống P.Pô-rô-sen-cô đã đệ trình lên Quốc hội dự thảo nghị quyết trao quy chế đặc biệt cho các vùng Đô-nhét-xcơ và Lu-gan-xcơ, trong một bước đi tiếp theo nhằm thực thi thỏa thuận ngừng bắn Min-xcơ 2 đạt được hôm 12-2. Theo điểm 4 trong gói biện pháp triển khai thỏa thuận này, Quốc hội U-crai-na sẽ phải thông qua một nghị quyết khẳng định các quận, huyện tại vùng Đôn-bát có quy chế kinh tế và chính trị đặc biệt trước ngày 14-3. Tass đưa tin, sau khi bản dự thảo nghị quyết không được thông qua đúng thời hạn, lãnh đạo nước CHND tự xưng Đô-nhét-xcơ và Lu-gan-xcơ đã đề nghị Thủ tướng Đức A.Méc-ken (Angela Merkel) và Tổng thống Pháp P.Ô-lăng-đơ (Francois Hollande)-các nhà bảo trợ cho thỏa thuận Min-xcơ 2, gia tăng sức ép đối với lãnh đạo U-crai-na để buộc phải thực thi đúng các cam kết. Tuy nhiên, dự kiến sớm nhất vào ngày 17-3 tới, Quốc hội U-crai-na mới nhóm họp phiên toàn thể và khi đó bản dự thảo mới có thể được thông qua.

Trong một diễn biến liên quan, theo Đài Tiếng nói nước Nga, Hội đồng châu Âu đã công bố quyết định về việc gia hạn các biện pháp trừng phạt của EU đối với các công dân cũng như pháp nhân của Nga và U-crai-na cho đến ngày 15-9, trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt được đưa ra từ một năm trước đó hết hạn vào ngày 15-3. Cơ sở để EU quyết định gia hạn lệnh trừng phạt chính là vụ bắn phá khốc liệt tại thị trấn Ma-ri-u-pôn, điểm giao nối giữa Đô-nhét-xcơ và Lu-gan-xcơ ở miền Đông U-crai-na hồi cuối tháng 1 vừa qua. Ngoài việc gia hạn lệnh trừng phạt, EU cũng đang cân nhắc khả năng mở rộng danh sách trừng phạt (hiện là 151 người) đối với các cá nhân, tổ chức của Nga và U-crai-na.

Trong đó, ngày 14-3, Roi-tơ cho biết Đức và một số nước muốn giới lãnh đạo châu Âu đạt được thỏa thuận chung về việc sẽ không nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Nga, chừng nào Mát-xcơ-va không “tuân thủ” thỏa thuận ngừng bắn ở U-crai-na. Nguồn tin từ hai quan chức giấu tên cho biết, vào ngày 19 và 20-3 tới, các lãnh đạo EU sẽ nhóm họp tại Brúc-xen (Bỉ) để thảo luận về việc trừng phạt Nga. Đó là các lệnh trừng phạt liên quan tới quốc phòng, năng lượng và tài chính được áp đặt từ tháng 7 năm ngoái. Nếu tất cả các quan chức EU đạt được đồng thuận, các lệnh trừng phạt áp đặt với Nga từ tháng 7-2014 (dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 7 năm nay) có thể sẽ tiếp tục được kéo dài cho tới hết năm nay. Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao của EU, sẽ rất khó đạt được thỏa thuận chung trong kỳ họp sắp tới vì một số thành viên trong EU vẫn luôn miễn cưỡng ủng hộ việc áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc với Nga và hầu hết đều muốn nới lỏng khi đánh giá hiệu quả thực tế của thỏa thuận ngừng bắn Min-xcơ.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Hoàng Thị Hoài Phương

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com