Sau khi IS tự công bố đoạn video ghi lại cảnh hành quyết phi công người Gioóc-đa-ni, cộng đồng quốc tế càng quyết tâm hơn trong cuộc chiến chống khủng bố.
Tuy nhiên, cùng với đó, vụ hành quyết cũng đặt ra những thách thức không hề nhỏ đối với liên quân quốc tế nhằm tăng cường hiệu quả cuộc chiến khó khăn và lâu dài để phá bỏ hoàn toàn những tư tưởng cực đoan.
Chính phủ Gioóc-đa-ni ngày 4-2 tuyên bố sẽ tham gia nhiều hơn vào liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS). Quốc vương Áp-đu-la đã triệu tập một cuộc họp khẩn các quan chức an ninh.
Theo Người phát ngôn Chính phủ Gioóc-đa-ni Mô-ha-mét An Mô-ma-ni, nước này đang thảo luận về một sáng kiến nhằm tăng cường phối hợp giữa các thành viên liên minh quốc tế nhằm làm suy yếu, phá hủy và cuối cùng là tiêu diệt hoàn toàn Nhà nước Hồi giáo.
“Chúng tôi tin rằng chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh khu vực, là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Gioóc-đa-ni và đó là lý do tại sao các nỗ lực và quyết tâm của chúng tôi trong cuộc chiến này là không thể thay đổi”, Người phát ngôn Mô-ha-mét An Mô-ma-ni nói.
Có thể nói, đối với Nhà nước Hồi giáo (IS), vụ hành quyết con tin mới nhất này đã mang lại tác động ngược, không những không khiến cộng đồng quốc tế run sợ, mà còn củng cố hơn quyết tâm của những quốc gia Hồi giáo vẫn còn do dự.
![]() |
Người dân Gioóc-đa-ni cầu nguyện cho phi công Mu-át An Ka-sa-ét-bê. Ảnh: AP |
Vụ việc đã khiến người dân ở một số quốc gia Hồi giáo xuống đường hô vang khẩu hiệu "Tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo" thay vì "Mang cái chết tới Mỹ" như lực lượng này mong đợi. Thay vì thù ghét phương Tây, một bộ phận của thế giới Hồi giáo đang coi Nhà nước Hồi giáo là kẻ thù.
Ngoài ra, việc liên tiếp hành quyết con tin từ nhiều quốc gia bằng các biện pháp man rợ khiến Nhà nước Hồi giáo bị liệt vào danh sách khủng bố, đồng thời làm mạnh thêm liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu. Hơn nữa, trong bối cảnh nhóm cực đoan đang kiểm soát nhiều khu vực ở I-rắc và Xi-ri, việc hành quyết tù nhân có thể khiến liên minh đa quốc gia quyết định sử dụng bộ binh để tiêu diệt tổ chức này.
Tuy nhiên, cùng với đó, nó cũng đặt ra những thách thức không hề nhỏ đối với liên quân quốc tế nhằm tăng cường hiệu quả trong cuộc chiến khó khăn và lâu dài để phá bỏ hoàn toàn những tư tưởng cực đoan.
Một thực tế không thể phủ nhận là, dù đã đạt được những bước tiến đáng ghi nhận trong những tuần qua, đặc biệt là việc giành lại quyền kiểm soát thành phố chiến lược Cô-ban, song điều này không đủ để tạo bước ngoặt trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo, bởi nhóm này vẫn đang nắm quyền kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn tại I-rắc và Xi-ri.
Yêu cầu cấp thiết đặt ra lúc này là phải có những chiến lược phối hợp hiệu quả nhằm ngăn chặn Nhà nước Hồi giáo có cơ hội mở rộng hoạt động và gieo rắc nỗi sợ hãi.
Theo tờ Thời báo Niu-oóc số ra ngày 4-2, từ cuối năm ngoái, các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) đã rút khỏi chiến dịch không kích vào nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) nhằm đảm bảo an toàn cho các phi công. Việc Gioóc-đa-ni rút khỏi các chiến dịch không phải do nước này run sợ trước sự tàn bạo của những kẻ cực đoan, mà nước này không muốn tham gia vào một chiến dịch không hiệu quả, chỉ làm gia tăng những thiệt hại không cần thiết về người.
Thời báo Niu-oóc dẫn lời một quan chức Mỹ khẳng định, các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất vẫn luôn là một đối tác quan trọng và quý giá của liên minh quốc tế. Theo ông, các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất vẫn tiếp tục cho phép liên quân quốc tế tiếp cận các cứ không quân./.
Theo: VOV