Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC nhất trí thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực

08:11, 12/11/2014

Sáng qua, 11-11, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hồ Nhạn Thê ở Thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc), Hội nghị Cấp cao lần thứ 22 Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) bước sang ngày làm việc thứ hai với các phiên họp toàn thể của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC chụp ảnh chung sau phiên họp thứ nhất sáng 11-11.
Lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC
chụp ảnh chung sau phiên họp thứ nhất sáng 11-11.

Tại phiên họp toàn thể thứ nhất, các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC đã tập trung trao đổi nội dung “Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực” - một trong ba ưu tiên hợp tác của APEC trong năm 2014.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: Hội nghị Cấp cao APEC năm nay là một dấu mốc lịch sử quan trọng, ghi nhận những thành tựu to lớn của chặng đường 25 năm hình thành và phát triển của Diễn đàn cũng như nỗ lực 20 năm thực hiện các Mục tiêu Bô-gô, đồng thời thể hiện sinh động tinh thần đoàn kết, tôn trọng, tin cậy, hỗ trợ lẫn nhau và cùng có lợi. Chủ tịch nước Trung Quốc thông báo, Trung Quốc đóng góp 10 triệu USD để thực hiện các chương trình dự án của APEC về nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển.

Thảo luận tại phiên họp, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh, APEC đã có những đóng góp quan trọng vào nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và đồng đều ở khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế chiến lược của châu Á - Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo khẳng định, với những thành quả đã đạt được, APEC đang ở vào thời khắc lịch sử để nỗ lực định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương, hướng tới xây dựng một không gian kinh tế mở ở khu vực, thúc đẩy phát triển sáng tạo, tăng trưởng gắn kết, và vai trò của châu Á - Thái Bình Dương đi đầu dẫn dắt kinh tế thế giới. Qua 25 năm, mức thuế trung bình của APEC từ 16,9% năm 1989 đến nay đã giảm xuống còn 5,7% và thương mại nội khối tăng gần 6 lần từ 1,7 nghìn tỷ USD lên tới 9,9 nghìn tỷ USD. Nhiều nhà lãnh đạo đánh giá sự hợp tác trong APEC ngày càng được triển khai hiệu quả và mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới, có ý nghĩa thiết thực đối với các nền kinh tế thành viên, như biến đổi khí hậu, ứng phó thiên tai, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế mạng, hợp tác về đại dương… Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường nỗ lực nhằm tiếp tục duy trì vai trò của APEC là diễn đàn quan trọng hàng đầu trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, duy trì thịnh vượng và thúc đẩy môi trường thương mại và đầu tư mở ở châu Á - Thái Bình Dương.

Trong phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ đánh giá chung về ý nghĩa lịch sử của Hội nghị Cấp cao APEC năm nay cũng như vai trò và những đóng góp của Diễn đàn kể từ khi thành lập. Chủ tịch Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ việc thông qua các biện pháp đẩy mạnh triển khai Gói cam kết Ba-li, tăng cường thực hiện các Mục tiêu Bô-gô và các biện pháp thuận lợi hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư.

Chủ tịch Trương Tấn Sang đề nghị, để bảo đảm liên kết khu vực hiệu quả, cần gắn kết chặt chẽ các nỗ lực liên kết với nội hàm phát triển bền vững, thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ và xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 cũng như các nỗ lực ứng phó với các thách thức toàn cầu. Đồng thời, APEC cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế - kỹ thuật và hỗ trợ nâng cao năng lực của các thành viên đang phát triển, đặc biệt trong các vấn đề kinh tế, thương mại. Chủ tịch Trương Tấn Sang nhấn mạnh, với tiềm năng về kinh tế, khoa học và công nghệ, các thành viên và doanh nghiệp APEC cần tham gia và hỗ trợ các chương trình liên kết tiểu vùng và khu vực, trong đó có ASEAN, ASEAN lục địa và tiểu vùng Mê-công.

Nêu bật những đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác APEC và liên kết kinh tế khu vực, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, với tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện trên mọi tầng nấc, Việt Nam đang trở thành một hạt nhân tích cực ở Đông Nam Á và là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo. Với triển vọng triển khai và hoàn tất đàm phán 15 hiệp định thương mại tự do trong giai đoạn đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn, trong đó có 18 thành viên APEC. "Đây là những nền tảng căn bản để Việt Nam cùng các thành viên APEC nâng tầm liên kết khu vực, đề cao vị thế của Diễn đàn APEC trong một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng" - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh.

Ngày 10-11, tại Đại lễ đường nhân dân (Bắc Kinh, Trung Quốc), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 22. Tại đây, hai bên trao đổi ý kiến sâu rộng về phương hướng lớn làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn quý trọng và mong muốn cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc củng cố tình hữu nghị truyền thống và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa hai nước ngày càng phát triển. Chủ tịch nước cho rằng, hai bên cần đặt ưu tiên cao cho việc củng cố và không ngừng thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai nước làm sâu sắc mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, trong đó cần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, thực hiện nghiêm chỉnh những thỏa thuận của lãnh đạo hai Đảng, hai nước để xây dựng quan hệ láng giềng tốt đẹp. Chủ tịch nước đề nghị hai bên duy trì tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, tăng cường các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng, giữa các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là thúc đẩy giao lưu giữa nhân dân hai nước, nhất là trong dịp kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại cùng có lợi, cân bằng và bền vững.

Về vấn đề trên biển, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh việc hai nước có lập trường khác nhau trong vấn đề Biển Đông là một thực tế. Điều quan trọng nhất là hai bên cần thông qua đàm phán, trao đổi chân thành trên cơ sở nhận thức chung và những thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước. Trong quá trình đó, hai bên cần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, kiểm soát tốt bất đồng, không để nảy sinh vấn đề mới ảnh hưởng quan hệ hai nước. Trên tinh thần “dễ trước, khó sau”, hai bên cần tích cực triển khai đầy đủ những lĩnh vực hợp tác đã nhất trí, trong đó có việc thúc đẩy đàm phán phân định đi đôi với hợp tác cùng phát triển ở khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ sớm đạt tiến triển thực chất để phát đi tín hiệu tốt đẹp với nhân dân hai nước và dư luận quốc tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, phát triển tình hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam là phương châm nhất quán, không thay đổi của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc; việc phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước là phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng phản hồi tích cực đối với các đề xuất của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian tới; đồng thời đề nghị hai bên cần kiên trì tăng cường trao đổi chiến lược, ổn định phương hướng đúng đắn của quan hệ hai nước; đi sâu hợp tác thiết thực, thực hiện cùng có lợi; mở rộng giao lưu nhân dân, củng cố nền tảng xã hội của tình hữu nghị Trung - Việt và giải quyết ổn thỏa bất đồng, tạo môi trường trên biển theo hướng ổn định và hợp tác. Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017 và hy vọng hai bên tiếp tục duy trì hợp tác và phối hợp trong cơ chế APEC.

Chiều và tối ngày 10-11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có các cuộc tiếp xúc với một số các nhà lãnh đạo các nền kinh tế tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 22 đang diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc).

Tại cuộc trao đổi với Tổng thống Chi-lê Mi-chen Ba-chê-lê, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp để đẩy mạnh quan hệ song phương, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Chi-lê đã có hiệu lực từ tháng 1-2014. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mời Tổng thống Chi-lê sớm trở lại thăm Việt Nam trong năm 2015 và Tổng thống Mi-chen Ba-chê-lê cũng mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm chính thức Chi-lê.

Trao đổi với Tổng thống Pê-ru Ôn-lan-ta Hu-ma-la, hai nhà lãnh đạo đánh giá cao những bước phát triển tích cực của quan hệ song phương; nhất trí tăng cường tranh thủ các tiềm năng hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, thủy sản, khai khoáng, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, giáo dục... Tổng thống Ôn-lan-ta Hu-ma-la trân trọng mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm chính thức Pê-ru và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng bày tỏ mong muốn sớm được đón Tổng thống Ôn-lan-ta Hu-ma-la sang thăm Việt Nam.

Tiếp xúc với Quốc vương Bru-nây Đa-rút-xa-lam Ha-gi Hát-sa-nan Bô-ki-a, Chủ tịch Trương Tấn Sang và Quốc vương Bru-nây bày tỏ vui mừng trước các bước phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, lương thực...

Trao đổi với Thủ tướng Ốt-xtrây-li-a Tô-ny A-bốt, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao vai trò của Ốt-xtrây-li-a trong cương vị Chủ tịch G20 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Thủ tướng Tô-ny A-bốt khẳng định Ốt-xtrây-li-a tiếp tục coi Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt của Ốt-xtrây-li-a tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hai nhà lãnh đạo nhất trí làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Ốt-xtrây-li-a, thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, triển khai hiệu quả các nội hàm quan hệ đối tác toàn diện. Chủ tịch nước khẳng định Nhà nước Việt Nam hoan nghênh và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Ốt-xtrây-li-a đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp nhẹ, dịch vụ.

Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhất trí tiếp tục hợp tác tích cực tại các diễn đàn, cơ chế đa phương, như: APEC, Cấp cao Đông Á (EAS), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP),...

Trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Thái Lan Pray-út Chan-ô-cha, hai bên bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, nhất trí tiếp tục đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan, duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp./.

Tin, ảnh: CTV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Hoàng Thị Hoài Phương

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com