Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã quyết định triển khai thêm 1.500 binh sĩ Mỹ tại I-rắc, đánh dấu "một giai đoạn mới" trong chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Cùng với đó, những cuộc không kích do Mỹ và liên quân nhằm vào IS đã khiến việc bán dầu lửa (nguồn thu chính của IS) suy giảm. Theo Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách vấn đề khủng bố và tình báo tài chính Đa-vít Cô-hen, các vụ oanh tạc vào những nhà máy lọc dầu của IS khiến doanh thu từ khai thác dầu của IS giảm mạnh chỉ còn vài triệu USD/tuần.
Dẫu vậy, chưa có nhiều lạc quan trong việc làm suy yếu sức mạnh của tổ chức khủng bố này khi ngày 13-11 vừa qua, A-bu Ba An Ba-đa-đi - thủ lĩnh của IS đã kêu gọi các tín đồ mở cuộc tấn công nhằm vào A-rập Xê-út, Y-ê-men, Ai Cập, Li-bi và An-giê-ri; đồng thời hối thúc phát động làn sóng thánh chiến trên toàn cầu. Báo Tiêu điểm của Đức cùng ngày cho biết, tổ chức An Kê-đa và IS đã bí mật gặp gỡ để thành lập liên minh. Nếu điều này trở thành hiện thực sẽ gây thêm rất nhiều khó khăn cho cuộc chiến chống các đối tượng khủng bố Hồi giáo cực đoan do Mỹ lãnh đạo. Theo báo trên, cuộc gặp bí mật có thể đã diễn ra tại một trang trại ngày 2-11 ở miền Bắc Xi-ri với sự tham dự của thủ lĩnh hai bên. Tại đây, đại diện IS và An Kê-đa đã thống nhất cùng chiến đấu vì kẻ thù chung.
Đúng như nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chắc Hây-gơ trong một cuộc điều trần tại Ủy ban Quân lực Hạ viện rằng, chiến dịch không kích chống IS đã thu được một số kết quả nhưng IS "tiếp tục là một nguy cơ đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia, các lợi ích của Mỹ và đồng minh của Mỹ".
![]() |
Cố vấn Mỹ huấn luyện quân đội I-rắc thực hiện cuộc chiến chống IS. Ảnh: Internet |
Người đứng đầu Lầu Năm Góc còn tái khẳng định, cuộc chiến chống IS tại I-rắc và Xi-ri là khó khăn và lâu dài. Cũng tại phiên điều trần diễn ra ngày 13-11 vừa qua, giới hoạch định chính sách của Lầu Năm Góc đã và đang cân nhắc phương án sử dụng bộ binh vào cuộc chiến chống IS ở I-rắc và Xi-ri. Cả tướng Mác-tin Đem-psy, Tổng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng C.Hây-gơ đều không đưa ra con số cụ thể mà chỉ cho biết khi có quyết định chính thức, lực lượng bộ binh Mỹ trực tiếp tham chiến cùng quân đội I-rắc sẽ ở mức "khiêm tốn", chứ không phải 150 nghìn quân như thời kỳ đỉnh cao của cuộc chiến I-rắc 2003-2011.
Đây là lần đầu tiên giới lãnh đạo quân sự Mỹ đề cập trực tiếp khả năng bộ binh Mỹ tham gia cuộc chiến chống IS. Trước đó, Tổng thống B.Ô-ba-ma khẳng định sẽ không đưa lính Mỹ trở lại Trung Đông sau những nỗ lực nhọc nhằn để rút quân ra khỏi I-rắc năm 2011. Thế nên, sự thay đổi nêu trên báo hiệu chiều hướng can thiệp sâu của Nhà Trắng vào tình hình I-rắc và Xi-ri là có thể, thậm chí sẽ là sự thay đổi lớn so với cam kết của chính quyền Tổng thống B.Ô-ba-ma "chống IS nhưng không đưa quân trở lại I-rắc".
Bạo lực dữ dội ở Xi-ri và I-rắc (phần lớn ở các khu vực do IS kiểm soát) là nguyên nhân khiến vị Tổng thống thứ 44 của Nhà Trắng hết sức "sốt ruột" và đã phải gấp rút tăng gấp đôi số cố vấn Mỹ tại I-rắc, từ 1.500 lên 3.000 người. Nhà Trắng cũng đề nghị Quốc hội khoản ngân sách 5,6 tỷ USD cho năm tài khóa 2015 nhằm phục vụ cuộc chiến chống IS. Trong số tiền này có 3,4 tỷ USD chi cho các hoạt động quân sự và 1,6 tỷ USD giúp huấn luyện và trang bị các lực lượng an ninh I-rắc. Hiện tại, quân đội I-rắc vẫn chưa sẵn sàng để thực hiện các chiến dịch lớn nhằm giành lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Điều này đã hạn chế hiệu quả của chiến dịch không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu.
Tướng M.Đem-psy thừa nhận tương quan sức mạnh giữa các tay súng IS với quân đội I-rắc hiện đang nghiêng về phía IS. Mỹ cần giúp I-rắc xây dựng lại ít nhất 12 trung đoàn với tổng số 80 nghìn quân mới có thể đủ sức giành lại những vùng lãnh thổ đã bị mất.
Có thể thấy, các vụ không kích liên tiếp của Mỹ và đồng minh nhằm vào các cứ điểm của IS sẽ không mang lại hiệu quả rõ ràng nếu thiếu lực lượng bộ binh để giải quyết và làm chủ chiến trường. Thêm vào đó, những kêu gọi và tuyên bố mới nhất của IS cho thấy, tổ chức cực đoan này đang cố nhử Mỹ và đồng minh lao vào cuộc đối đầu trực tiếp với chúng trên bộ. Trong bối cảnh đầy chông gai hiện nay, thật khó để biết hồi kết của cuộc chiến. Dẫu vậy, Mỹ và liên minh quốc tế đều khẳng định quyết tâm tiêu diệt IS, bất chấp những tổn thất cũng như chi phí đang ngày càng gia tăng./.
Theo: HNM